Từ lâu, trên địa bàn huyện Tuy An có một loại gạo quý, có giá trị dinh dưỡng cao được người dân lưu giữ từ năm này qua năm khác để sản xuất trên các chân đất gò đồi đó là gạo đỏ. Việc nghiên cứu, bảo tồn thành công các giống lúa gạo đỏ nhằm bảo tồn các nguồn gen quý và tạo ra một sản phẩm hàng hóa có chất lượng.
Nông dân xã An Hiệp thu hoạch lúa gạo đỏ - Ảnh: L.BIẾT
GẠO ĐỎ ĐANG Ở ĐÂU?
Kết quả điều tra, đánh giá của Sở NN-PTNT từ cuối năm 2010 và đầu năm 2011 cho thấy riêng 2 xã An Hòa và An Hiệp của huyện Tuy An đã có 140ha được nông dân sản xuất lúa gạo đỏ với 3 giống quen thuộc được “để giống” qua hàng chục năm là Bát Quạt, Đuôi Nai và Tàu Cúc. Đặc điểm của các giống gạo đỏ này là phù hợp với các chân đất rẫy, đất gò đồi khô hạn và phụ thuộc vào nước trời. Đáng lưu ý, các giống này có khả năng chịu khô hạn đến 50 ngày mà vẫn hồi phục được khi có mưa. Thời gian sinh trưởng tương đối dài ngày, trong đó giống Tàu Cúc 110 đến 115 ngày, Đuôi Nai là 150 ngày và Bát Quạt là 160 ngày. Thời vụ sản xuất chỉ một vụ trong năm, gieo giống khô từ tháng 7, tháng 8 dương lịch.
Ông Võ Văn Phụng ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp cho biết: “Có lẽ do sống trên vùng đất khô cằn nên gạo đỏ An Hiệp ngon hơn hẳn gạo đỏ ở miền Tây hay gạo đỏ Hải Dương. Tôi làm gạo đỏ từ trước đến giờ chủ yếu là để ăn và bán cho bà con dùng xay bột cho trẻ nhỏ, làm bánh tráng hay để làm gạo lứt ăn với muối mè chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Gạo đỏ cũng được bà con đặt hàng để gửi làm quà tặng người thân”. Tuy nhiên cũng theo ông Phụng, mặc dù hiện nay giá gạo đỏ được mua cao hơn gạo trắng 30-40% nhưng do thời gian sinh trưởng dài, phụ thuộc lớn vào nước trời, lúa giống sau hàng chục năm bà con tự để đã thoái hóa nên năng suất không cao, chỉ khoảng 20-22tạ/ha nên tính ra hiệu quả không bằng cây trồng khác nên nhiều nông dân không còn mặn mà với giống lúa này, nguy cơ một giống lúa quý bị mất đi rất cao.
BẢO TỒN CÁC NGUỒN GEN QUÝ
Đầu năm 2011, Sở NN-PTNT Phú Yên triển khai đề tài Nghiên cứu các giải pháp bảo tồn và phát triển một số giống lúa gạo đỏ trên địa bàn huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đề tài được thực hiện 24 tháng (từ tháng 5/2011-5/2013) tại xã An Hiệp trên diện tích 4.000m2 với sự tham gia của 4 hộ dân tại xã An Hiệp.
Qua 2 vụ trồng khảo nghiệm đối với 3 giống gạo đỏ tại địa phương là Tàu Cúc, Bát Quạt, Đuôi Nai và 1 giống lúa cạn được du nhập là LC93 làm giống đối chứng tại huyện Tuy An đã cho kết quả khả quan: Gạo đỏ ở Tuy An có chất lượng tốt, khả năng chịu hạn cao, mức độ nhiễm sâu bệnh hại thấp, do vậy ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất giống lúa cạn LC93 (giống đối chứng) khoảng 40-50 tạ/ha, cao hơn so với các giống lúa địa phương (năng suất khoảng 22-25 tạ/ha).
Từ kết quả đề tài này, Sở NN-PTNT Phú Yên đã đề xuất các phương án bảo tồn và nhân rộng các giống lúa này để trồng tại các vùng thường xuyên thiếu nước, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Kỹ sư Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Phú Yên, chủ nhiệm đề tài khẳng định: “Trong điều kiện biến đối khí hậu diễn ra gay gắt, khô hạn ngày càng đe dọa đến sản xuất và đời sống thì những vùng sản xuất lúa mùa trông chờ vào nước trời vẫn tiếp tục sử dụng những giống lúa cạn của địa phương để chống chịu với khô hạn, trong đó có nhóm giống lúa gạo đỏ, tập trung những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày. Trong 3 giống địa phương đưa vào khảo nghiệm là Tàu Cúc, Đuôi Nai và Bát Quạt, có giống Tàu Cúc có thời gian sinh trưởng khoảng 110-115 ngày có thể đáp ứng được tiêu chí trên. Ngoài ra, theo Sở NN-PTNT Phú Yên, có thể du nhập thêm một số giống lúa cạn mới cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn thì có thể bố trí trong cơ cấu lúa vụ mùa của Phú Yên, nhất là tại huyện Tuy An”.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ nhận định: Việc bảo tồn giống lúa gạo đỏ tại Tuy An là việc rất cần thiết và cấp bách. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học là bảo tồn nguồn gen quý mà còn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao, có nhiều vi chất bảo đảm cho sức khỏe trở nên phổ biến, thì gạo đỏ được xem như một dạng thực phẩm chức năng quý. Muốn gạo đỏ trở thành sản phẩm hàng hóa, cần phải có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm trên cơ sở định hướng của ngành Nông nghiệp về chuyên môn để xây dựng thương hiệu gạo đỏ Tuy An trở thành gạo đặc sản của địa phương, từ đó quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Một khi sản phẩm đã được thị trường biết đến thì việc duy trì và mở rộng vùng sản xuất lúa gạo đỏ trở thành gạo đặc sản tại Phú Yên là chuyện trong tầm tay.
LÊ BIẾT