Thứ Năm, 10/10/2024 13:23 CH
Thúng chai Việt “chinh phục” Á, Âu
Thứ Tư, 20/02/2013 00:00 SA

Thúng chai (thuyền thúng) từ lâu đã được mệnh danh là “trí khôn sông nước Việt”, một phương tiện đặc trưng, truyn thống thiết thân trong khai thác thủy sản ca ngư dân Việt Nam. Tàu cá chưa thể ra khơi nếu thiếu thúng chai. Các làng nghsản xuất thúng chai hiện tập trung chủ yếu ở vài tỉnh Nam Trung Bộ và chưa bao giờ dừng sản xuất. Gần đây, mọi người khấp khởi khi thúng chai “bất ngờ” chu du xuất ngoại từ Á sang Âu…

RA BIỂN LỚN, CẦN THÚNG CHAI

Ong-Nam-Kin130202.jpg
“Đại sứ” thúng chai Năm Kin - Ảnh: HÙNG PHIÊN
Thúng chai có vai trò như là “cánh tay” của ngư dân, thuyền “con” của thuyền “mẹ” nên luôn là vật bất ly thân của các tàu cá. Riêng tàu đánh bắt xa bờ phải thường trực 5-10 thúng chai. Chính thúng chai cũng là phương tiện thoát hiểm hữu hiệu khi tàu có sựcố. Bởi “chiến lược” như thế nên một số tàu “lạ” thường “chơi” ngư dân bằng cách chặt phá thúng chai để triệt đường làm ăn trên biển…

“Sư biển” Võ Đốc (46 tuổi, ởphường 6, TP Tuy Hòa), nguyên là lính pháo binh trên đảo Trường Sa Lớn (từ 1985-1988), giờ là thuyền trưởng tàu bò gù (cá ngừ đại dương) PY-92691TS. Ông nói: “Vị trí của thúng chai cũng được ví như những chiếc ca nô, thuyền cao su, thuyền cứu hộ trên các tàu khách, tàu hải quân và còn hơn thế. Nếu thiếu thúng chai thì tàu cá không thể rời bến đi đánh bắt. Thúng chai còn kiêm nhiệm những công đoạn trong một số nghề câu như mực, bò gù… Khi phát hiện ra vùng biển có nhiều mực, lập tức những thúng chai từ các tàu được thả xuống nước, mỗi bạn tàu mỗi thúng để câu trong vài giờ, rồi “gom quân”. Cá bò gù rất “mê” mồi mực, câu bò gù mà không có thúng chai thì… bó tay!”.

Ưu điểm của thúng chai là rất khó bị lật, dễ xoay trở trong không gian hẹp, bởi dáng vóc tròn xoay; ví như, khi một tàu lớn chạy tạt ngang, thuyền dài nhỏ rất dễ “uống nước” nhưng thúng chai vẫn bồng bềnh lướt tốt, bởi việc cưỡi lên sóng là thế mạnh của loại thuyền này. Và không cần dụng cụ gì thêm vẫn có thể di chuyển thúng chai trên nước, gọi là “lắc thúng”. “Muốn lắc thúng, hai chân phải đứng vững ở bụng thúng, hai tay nắm chặt vành thúng, người hơi chồm về hướng cần đến, mông và hai vai lắc mạnh, lượn theo nước mà nhịp nhàng lướt tới. Nhún thúng chai mê lắm, nếu quen thì không mệt gì đâu, lại thêm dẻo dai…”, ông Đốc nói. Cách phổ biến nhất để sử dụng thúng chai là dùng mái chèo cầm tay, kẹt lắm thì có thểd ùng sào để di chuyển trên thúng ở sông, hồ…

Theo thạc sĩ Ngô Văn Thanh (người PhúYên, hiện làm quản lý một dựán tại TP Hồ Chí Minh), thúng chai là phát minh, sáng tạo độc đáo của người Việt, phát triển từ chiếc thúng đựng nông sản thành phương tiện giao thông thủy. Ông Thanh nói: “Chưa thấy có công trình nghiên cứu chi tiết về nguồn gốc thúng chai. Nhưng tôi suy đoán, sựra đời của thúng chai cũng chỉ sau khi các chúa Nguyễn cho phát triển dải đất miền Trung. Ngư dân phải ra biển từ các bãi ngang sóng lớn, nên phát kiến ra thuyền hình tròn để tăng khảnăng lướt sóng, chinh phục biển Đông...”.

THÚNG CHAI XÓA NGHÈO BỀN VỮNG

Chẳng biết bao đời rồi, chỉ cần một chiếc thúng chai, người đàn ông làng biển vẫn có thể nuôi khỏe một gia đình, có khi… cả tá con!

Tại địa bàn phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) đang có 766 tàu thuyền, thì trong đó có 362 tàu cá dưới 20CV (phần lớn làthúng chai gắn động cơ). Loại thuyền này chủ yếu khai thác tôm hùm giống, nghềlưới rê, nghề lưới kéo cá bống, nghề đáy... với nhiều loại cá, tôm ra chợ hằng ngày.

Thúng chai gắn động cơ dưới 20CV phù hợp với những hộ gia đình ít vốn, cần số lượng lao động chỉ từ một đến hai người. Mùa biển động, thúng chai vẫn có thể “rỉ rả” đánh bắt cá tôm, bởi sựlinh hoạt, độ an toàn cao, trong một số luồng lạch cách bờ vài cây số.

Ông Phan Cao, một ngư dân ởXuân Thành cho hay: “Làm biển bằng thúng chai thì đêm đi, sáng bán; sáng đi, chiều bán; chồng đi thúng, vợchạy chợ; cuốn chiếu mỗi ngày, gọn ghẽ, mau thấy! Đi lưới thúng chai chủ yếu đánh cá tôm cỡ nhỏ và vừa, mỗi ngày kiếm đều đều vài trăm nghìn đồng/người. Mùa này trởđi thì đánh lưới tôm hùm giống, kiếm được mỗi người vài triệu đồng/đêm làchuyện bình thường”.

Ông Cao Văn Tân, Phó chủ tịch UBND phường Xuân Thành nói: “Không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện công suất lớn để đánh bắt xa bờ, thếnên thuyền thúng dưới 20CV là“thượng sách” với số đông. Chính quyền đánh giá đây là một mô hình làm kinh tếổn định của ngư dân Sông Cầu, góp phần giảm nghèo trong cộng đồng nghề biển”.

Còn ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài (TX Sông Cầu)  phân tích thêm: “Thúng chai dưới 20CV không đòi hỏi sự đầu tư tốn kém của ngư dân. Thế nhưng nếu siêng năng và nhất là được mùa thì đem lại thu nhập rất cao cho ngư dân. Nhiều thúng chai đã đánh bắt mỗi đêm thu đến 20 triệu đồng. Ngư dân còn liên kết đi từng nhóm thúng chai, hoặc thúng chai “góp vốn” với tàu lớn, đánh bắt ổn định lắm!”.

 

Về miền Trung, đi đâu cũng gặp thúng chai, bởi đó là “một phần tất yếu” của cuộc sống ngư dân và biển cả…

Thung-chai130202.jpg
Nhân viên Chính phủ Thái Lan di chuyển trên thúng chai của Việt Nam - Ảnh: NGÔ VĂN THANH

ĐỘT NHẬP… HẬU CỨ SÔNG NƯỚC

Nguyên liệu chính để sản xuất thúng chai là nan tre, dầu chai và… phân bò. Chúng tôi đã “đột nhập” một vùng làng nghề được xem là “thủ đô” thúng chai ở huyện Tuy An. Hình ảnh sống động ở các làng nghề thúng chai đã kể lại câu chuyện thăng trầm của nông - ngư dân Việt, xứng đáng trở thành những điểm đến du lịch độc đáo…

Thị trường ở miền sông nước hiện đang khá chuộng loại thúng chai được sản xuất tại làng nghề Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An); bởi tính chuyên nghiệp của làng nghề nên nơi đây đã được mệnh danh là “thủ phủ” thúng chai. Theo những người già trong làng, hàng trăm năm qua, Phú Mỹ chưa bao giờ dừng sản xuất thúng chai, dù ít dù nhiều, dù “nóng” dù “lạnh” của nghề sông nước, của thị trường.

Không quá tấp nập thợ thùng, Phú Mỹ đang có trên 50 hộ với khoảng 150 lao động chính sống bằng nghề thúng chai, chủ yếu giải quyết lao động tại chỗ. Nhiều hộ thực hiện từ A đến Z việc sản xuất thúng, nhưng có hộ chỉ gia công phần vót nan đan mê (dùng làm phần bụng thúng); bởi việc lận bụng, nứt vành thúng khá nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức vóc đàn ông thạo nghề…

Ông Ngô Thanh Hồ, một thợ lận thúng kỳ cựu ở Phú Mỹ, cho hay: Tùy kích cỡ, đường kính thúng từ 1,2 đến trên 3m, giá xuất xưởng bán cho các mối buôn từ 500.000 đến 3 triệu đồng/thúng; thúng Phú Mỹ đang đi khắp nơi, đến tay người mua thì giá phải tăng lên cỡ gấp rưỡi, gấp đôi. Dân làng thúng hiện kiếm được bình quân 80.000-100.000 đồng/ngày công. “Tà tà, tạm đủ sống, nuôi con. Cũng có hồi các mối nhập thất bát nên làng nghề chỉ làm cầm chừng; mười ngày, nửa tháng mới làm xong một cái thúng chai nhưng bán yếu lắm. Năm nào mà biển giã mất mùa thì làng nghề thúng chai cũng… meo râu! Bây giờ chỉ làm theo đặt hàng thôi. Vật tư, ngày công tăng cao nhưng giá thúng không nhích bao nhiêu. Có mấy đầu nậu vừa thúc hối đặt hàng để gom xuất khẩu. Thế nhưng bà con ở đây thấy đó chỉ mới là “ngẫu hứng, mùa vụ” thôi, chứ chưa hứa hẹn… dài hơi” - ông Hồ nói.

Còn “lão đan” Trần Kim Hòa thì băn khoăn: “Mấy năm nay, thúng chai lại đang bị cạnh tranh ráo riết bởi thúng chai… nhựa. Mô phỏng y chang thúng chai (tre) nhưng chất liệu nhựa nên nhẹ và giá rẻ hơn. Thúng chai truyền thống đang mất dần thị phần. Chúng tôi phải tính đường… cạnh tranh lại thúng nhựa nhưng chưa biết làm sao đây…?”.

CHƯA CÓ DOANH THU DU LỊCH?

Làng Phú Mỹ rợp bóng tre bên dòng sông Ngân Sơn. Vài tiếng “lục cục” của người chặt tre, đục đẽo. Những dáng người nam-phụ-lão-ấu túc tắc thanh bình với nghề vót nan, đan thúng chai. Từng nhóm bò thong dong nhai nhai, ngẫm ngợi…

Thật nhiều trải nghiệm lạ lẫm, thú vị khi “đột nhập” làng nghề Phú Mỹ, chứng kiến đầy đủ các công đoạn của nghề sản xuất thúng chai. Từ hạ tre, vót cật vành, chẻ nan bụng thúng, đan phên, đào hố “nắn bụng, bẻ miệng”, phết phân bò, đánh dầu chai… Phần lớn người đan thúng chai là dân ruộng thứ thiệt nhưng có “máu” ngư dân, bởi họ đều khá am hiểu nghề sông nước, và đặc biệt là cả làng đều biết lắc thúng chai, kể cả mấy cô cậu lên mười…

Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hiệp đang ngồi vót nan: “Thấy có nhiều khách du lịch tới tham quan, mình có bán gì cho họ không?”. Chị Hiệp ngẩng lên: “Hồi trước, một số người có làm mấy cái thúng chai bằng bàn tay, cho con cái chơi, nhưng có khách du lịch hỏi mua. Tụi tui ở đây làm không hết việc, cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện kinh doanh phục vụ khách du lịch, chỉ trò chuyện chơi thôi…”.

Phú Mỹ thuần hậu đến nỗi đi dọc con “phố” thúng chai, tôi chẳng nhận ra một quán giải khát nào ra vẻ bề thế. Tôi hỏi một cán bộ lãnh đạo xã An Dân về câu chuyện gắn kết làng nghề thúng chai với du lịch, thì nhận được câu trả lời: Trước mắt, chính quyền tập trung tìm nguồn tài trợ vốn vay để bà con Phú Mỹ đầu tư phát triển sản xuất, giữ nghề; còn chuyện du lịch thì… nằm ngoài tầm tay cấp xã!

Tôi nhớ từng đọc một đoạn văn bản của Sở VH-TT-DL Phú Yên nói về “định hướng du lịch”, có nhắc đến việc đầu tư tạo tour tuyến du lịch, giới thiệu về các làng nghề thúng chai Phú Yên. Thế nhưng mọi chuyện vẫn còn đang nằm trên… giấy! Thi thoảng, một số trung tâm lữ hành tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có đưa từng nhóm khách đi tham quan Phú Mỹ, cho khách tập đan thúng, lắc thúng chai… theo kiểu “một ngày làm nông dân”. Nhiều du khách cho biết: “Thú vị, thú vị lắm…!”.

Thực tế, chưa có nhiều “bàn tay” của giới chức nhưng vài năm nay, Phú Mỹ bỗng chốc trở thành một điểm đến thú vị của nhiều đoàn khách du lịch, cả Ta lẫn Tây. Nằm kề quốc lộ 1, một làng nghề với những đường nét sắc cạnh, độc đáo, đặc  trưng của hậu cứ vùng sông nước, tại sao chưa có doanh thu gì về du lịch?

 

Thung-chai-2130202.jpg
Thúng chai thu hút các nhà nhiếp ảnh - Ảnh: HÙNG PHIÊN

TỪ “NGHĨA VỤ QUỐC TẾ” ĐẾN “ĐẠI SỨ VĂN HÓA”

Một loại thuyền “tròn xoe” lại linh hoạt nên rất lạ trong mắt nhiều cư dân thế giới. Thúng chai đắc dụng hơn thuyền dài trong việc xoay trở những chặng ngắn trên nước, đặc biệt là “len lách” trong khu dân cư bị lũ lụt. Thúng chai hiện diện lần đầu tiên trên đất Thái Lan cuối năm 2011, trong đợt lũ lụt kéo dài lịch sử ở nước này. Và hiện tại, thúng chai lại đang chuẩn bị “vi vu” Thụy Sĩ…

Tròn năm rồi nhưng ông Võ Văn Kin (Năm Kin, 55 tuổi, ởphường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn còn “lâng lâng” với chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời; đi Thái Lan, mà đi để làm thầy hẳn hoi! Ấy là trong 3 ngày từ 9 đến 11/11/2011, ông bay sang Thái Lan để dạy cách “xài” thúng chai, một sản phẩm “chơn chất” của quê ông.

Nguyên cớ đi Thái của ông Kin là từ một người thông gia trong họ, thạc sĩ Ngô Văn Thanh (tư vấn Công ty Đông Dương, TP HồChí Minh). Ông Thanh cũng là người Phú Yên, từng nhiều năm du học tại Thái Lan và hiện có nhiều người bạn là trí thức, doanh nhân Thái đang làm việc tại Việt Nam. Ai cũng biết, 2011 là năm đất Thái lũ lụt ngất trời; trong một dịp về Phú Yên du lịch, những người bạn Thái của ông Thanh tỏ ra “kính nể” công dụng của chiếc thuyền thúng, thế là họ nảy ý nhập khẩu. Và ông Kin được chọn làm “giảng viên” dạy cách sử dụng thúng chai.

Theo ông Kin, thực ra, nhóm doanh nhân người Thái này đã dự định nhập khẩu “đặc sản” thuyền thúng trước khi quê nhà bị lụt hơn nửa năm, để đặt tại các khu du lịch. Thế nhưng cứ“lu bu” suốt, rồi khi đất Thái “đầy” nước, họ quyết tâm “xoay sang” đưa thuyền thúng vềcho dân mình góp phần chống lũ. Thế là từ“đại sứ du lịch”, thúng chai làm “nghĩa vụ quốc tế”.

Có mặt tại thủ đô Bangkok, Năm Kin bắt tay ngay vào việc “biểu diễn” thúng chai tại Cơ quan Đăng kiểm Thái Lan, sau đó là tại Hội Chữ thập đỏ Bangkok, “cầm tay chỉ việc” cho hàng loạt “cán bộ” và ngư dân Thái... Lúc nào thúng chai và Năm Kin xuất hiện là người xem như hội, cổ vũ như… bóng đá quốc tế! Nhiều nhân viên chính phủ và người dân Thái đã lần lượt leo lên… thử thúng và xin chụp ảnh với “ngôi sao” ngư dân Việt! Riêng cái vụ… lắc là khó à nghen (!), ông phải tập đi tập lại nhưng chỉ một số ngư dân mới làm theo “tạm ổn”. Thế là sau đó, thúng chai vào cuộc chống lũ lụt trên đất Thái…

Mới đây, thúng chai lại được dịp “thăng hoa” khi có người đặt hàng cùng lúc 200 chiếc để đi Tây Âu. Bà Nguyễn Kim Thoa, một người làm du lịch tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Cũng là cái duyên khi thành người “mai mối” cho thương vụ thúng chai đi Thụy Sĩ, khi một người bạn ở châu Âu “am hiểu sông nước” đã nhờ tìm mua thúng chai cho một… triển lãm văn hóa.

Theo bà Thoa, cơ duyên bắt đầu khi giữa tháng 9/2011, Thụy Sĩ và Việt Nam cùng tổ chức Kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2011). Dịp này, ở TP Zürich (Thụy Sĩ) có tổ chức một Hội chợ làng nghề thế giới; và “đại biểu” thúng chai Việt đã được mời tham gia. Tại đây, một nghệ nhân Việt Nam đã biểu diễn sản xuất và lắc thúng chai. “Thế là bỗng nhiên khách khứa tại hội chợ đều “mê tít” từng chi tiết của việc làm ra và sử dụng loại “thuyền tròn” kỳ diệu này. Và đợt đặt hàng này là kết quả của ý tưởng nhiệt huyết của những người bạn Thụy Sĩ làm văn hóa, du lịch…” - bà Thoa nói.

Bà Trương Thị Bích Kiều, chủ một cơ sở kinh doanh thúng chai tại làng nghề Phú Mỹ (An Dân, Tuy An) cho biết: Thông qua bà Thoa, gia đình bà vừa có hợp đồng đặt hàng 200 thúng chai xuất sang Thụy Sĩ để cung cấp cho các công ty du lịch. Hiện tại, bà Kiều đang đốc thúc các gia đình chuyên nghề thúng chai để đặt mua gom từ1,5-3 triệu đồng/chiếc, tùy kích cỡ.

THÚNG CHAI… KHẤP KHỞI

Vậy là các làng nghề sản xuất thúng chai ở Phú Yên đang khấp khởi vì cơ hội “xuất ngoại từ Á sang Âu”. Một số gia đình tự hào ra mặt khi cùng lúc được đặt mua hàng chục thúng để đi Thái, đi Thụy Sĩ. Theo ông Lê Hoàng Sang, Bíthư Huyện ủy Tuy An, việc xuất khẩu thúng chai sẽ góp phần tăng nguồn thu nhập ổn định cho dân làng nghề, quảng bá hàng hóa - văn hóa Việt ra với thế giới; các làng thúng chai ở huyện đang tổ chức lại để đáp ứng thị trường mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Thanh cho hay: “Chuyến hàng xuất khẩu thúng chai sang Thái năm rồi chỉ có mục đích hữu nghị và nhân đạo, hoàn toàn không có mục tiêu thương mại. Thúng chai Việt có tiềm năng xuất khẩu; mục tiêu là các resort biển, du lịch sông nước. Chính quyền PhúYên nên vào cuộc và mời doanh nghiệp thực hiện. Phát triển xuất khẩu phải kết hợp Nhà nước và doanh nghiệp. Khi thành công, người dân làm thúng chai có thu nhập thường xuyên hơn và dĩ nhiên đời sống sẽ cao hơn…”.

Một doanh nhân của tỉnh Phú Yên nhận định: Vui cho thúng chai thì đã đành nhưng các chuyến hàng thúng chai đãđi Thái Lan và chuẩn bị xuất sang Thụy Sĩ, mới chỉlà những tín hiệu “lẻ tẻ” mang tính giới thiệu văn hóa, của những cá nhân thiện ý. Để thúng chai Việt có được một “đường dây” xuất khẩu dồi dào, ổn định thì rất cần có sự nhập cuộc của chính quyền và các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là việc đầu tư quảng bá ngay tại mỗi nước mà thúng chai cần “đánh” đến, đó là sự hoạch định chiến lược sản xuất, “cắt đặt” vốn liếng để người làm thúng chai thêm tâm huyết tạo tác thúng chai, tạo thêm một dòng sản phẩm “ăn nói” với thiên hạ…

HÙNG PHIÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
"Con người mới” trong nông thôn mới
Chủ Nhật, 17/02/2013 07:00 SA
Thương hiệu nào cho mai vàng Phú Yên?
Thứ Sáu, 15/02/2013 07:20 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek