Thứ Hai, 06/05/2024 13:42 CH
Dấu ấn người Ấn trên vùng đất trù mật
Thứ Năm, 14/02/2013 11:00 SA

Giờ thì đã xa rồi một vùng đất nghèo, “nghèo như một dải khoai” như câu ví của những người dân tộc thiểu số ở miền sơn cước Sơn Hòa, Ðồng Xuân. Chỉ hơn 10 năm đầu tư, những doanh nhân, cán bộ kỹ thuật thuộc Tập đoàn KCP Ấn Ðộ đã làm nên kỳ tích, “khai sinh” vùng mía vào loại lớn nhất ở khu vực Nam Trung Bộ.

 

an-do.jpg

Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam K.V.S.R.Subbaiah giới thiệu sản phẩm đường tinh luyện cao cấp do công ty ông sản xuất với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Ảnh: N.TRƯỜNG

VÙNG MÍA TRÙ MẬT 

 

Chiều cuối năm se sắt nắng vàng. Những dải mây mềm mại như tấm voan mỏng là đà vắt qua những cánh đồng mía xanh bạt ngàn trên núi đồi, thung sâu. Thú quá. Qua khỏi vùng thủy điện Sông Ba Hạ, buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang) hiện ra sầm uất giữa thung lũng mía chín. Nhìn đoàn xe nối đuôi nhau chở mía, người chặt, kẻ vác mía, lão nông Ma Thanh - Trưởng buôn Kiến Thiết, khoe: “Mía trồng ở buôn này đạt sản lượng mía cao nhất trong các thôn, buôn ở huyện Sơn Hòa vừa được Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP VIL, 100% vốn Ấn Độ) “thưởng nóng” đấy! Những người dân Chăm H’Roi, Ê Đê, Tày… ở đây vốn chỉ biết trồng lúa bên khe, trấp bấp bênh, không đủ no cái bụng, giờ thì đời sống của bà con “lột xác” nhờ cây mía rồi. Trong số 340 hộ trong buôn, nổi lên nhiều triệu phú trồng 5-7ha mía, thu lãi mỗi năm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, như anh Ma Mới, Ma Hồng, Ma BLưng…”. Đồng hành và cùng giúp đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu, những người Kinh lập nghiệp ở xã Ea Chà Rang lập nên những trang trại mía hàng chục héc ta. Hà Châu Ánh - nông dân chân đất, không “hợp gu” nhịp sống ở “phố núi” Củng Sơn, đã tìm đến Ea Chà Rang khai thác và mua đất trồng hơn 36ha mía. Ông Ánh biết cách tận dụng lợi thế từ hỗ trợ đầu tư vốn, giống, phân bón của KCP VIL để vun trồng cho cây mía tươi tốt và đạt năng suất rất cao. Và rồi ông Ánh đã gặt hái những mùa mía bội thu, mỗi năm lãi hơn 1 tỉ đồng.

 

Tôi còn nhớ, hơn mười năm trước về miền sơn cước huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, đâu đâu cũng là buôn, làng thưa thớt trong hoàng hôn nôn nao buồn. Dân nghèo sống trên vùng đất “nghèo như một dải khoai” như câu ví của những người dân tộc thiểu số! Khi ấy, thu nhập của bà con quá thấp vì sản xuất manh mún, chưa xác định được cây trồng chủ lực vì không nước tưới, không có đầu ra. Việc trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển sản xuất, để “giải hạn” cơn đói cho dân miền núi là “bài toán khó” luôn đặt lên bàn các chương trình nghị sự của tỉnh và huyện. Và thành công ngoài mong đợi, làm nức lòng người dân, khi tỉnh Phú Yên mời gọi và “kéo” được những nhà đầu tư Ấn Độ chuyển nhà máy đường từ tỉnh Thừa Thiên - Huế về đặt tại vùng núi Sơn Hòa vào năm 2001. Có nhà máy, nông dân quay lại khôi phục cây mía và cuộc sống dần ổn định, “ăn nên làm ra” từ cây mía. Bây giờ thì cây mía đã ăn sâu vào “máu thịt” của bà con, với những “mùa vàng”  không chỉ ở miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân, mà còn lan rộng khắp các huyện Phú Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu. Hàng trăm người dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa… đến Sơn Nguyên lập nghiệp có cuộc sống khấm khá khi phong trào trồng mía ở đây phát triển với diện tích, sản lượng cao nhất huyện Sơn Hòa. Trong đó có những hộ trồng mía như ông Đinh Văn Nhân, Trần Văn Bàng, Đoàn Đắc Miên… thu lãi 300-400 triệu đồng/năm; cá biệt có hộ thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm từ cây mía. Mỗi năm tỉnh Phú Yên có đến hàng trăm nông dân được bình chọn sản xuất giỏi cấp quốc gia, mà phần lớn “xuất thân” từ vùng mía trù mật Phú Yên.

 

Mia.jpg

Thu hoạch mía ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: N.LƯU

DẤU ẤN NGƯỜI ẤN

 

“Nông dân trồng mía giàu, tôi giàu!” - câu nói cởi mở mỗi khi gặp nông dân, cũng là “phương châm” để ông K.V.S.R.Subbaiah - Tổng giám đốc KCP VIL, triển khai các hoạt động của công ty. Từ bài học cay đắng do thiếu nguyên liệu mía làm nhà máy “đứng bánh” ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngay khi lắp đặt Nhà máy đường Sơn Hòa năm 2001, ông K.V.S.R.Subbaiah cùng 20-25 cán bộ, kỹ sư người Ấn Độ ra sức xây dựng vùng nguyên liệu mía dựa trên cơ sở tôn trọng lợi ích lâu dài của người trồng mía gắn với lợi ích của nhà máy. Công ty kích thích cho nông dân trồng mía thâm canh bằng nhiều chính sách ưu đãi. Chỉ riêng năm 2012, nhà máy “bơm” hơn 220 tỉ đồng hỗ trợ bà con đầu tư phân bón, mía giống chất lượng cao. công chăm sóc; đầu tư máy cày chảo để cày sâu, máy đánh luống, máy rạch hàng, máy trồng mía, máy cày phun thuốc cỏ… mà không tính lãi.

 

Giờ thì hơn 8.000 hộ nông dân trong tỉnh “bắt tay” cùng KCP VIL phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định hơn 17.600ha. Ngoài Nhà máy đường Sơn Hòa công suất hơn 5.000 tấn/ngày, KCP VIL mua và nâng công suất Nhà máy đường Đồng Xuân 1.000 tấn/ngày, đảm bảo thu mua hết nguyên liệu mía cho nông dân. Niên vụ mía 2011-2012, KCP đã trả tiền mua mía đến 950 tỉ đồng. Theo tính toán của nhà máy, người trồng mía thu lãi khoảng 40% số tiền trên. Ông K.V.S.R.Subbaiah cho biết: Công ty đang đầu tư giống, kỹ thuật canh tác, giúp một số nông dân phát triển cánh đồng mía kiểu mẫu có năng suất cao để nhân rộng toàn vùng. Trước mắt công ty du nhập giống mới nước ngoài từ Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát ở miền Nam để canh tác 5.000ha mía cao sản. Ông K.V.S.R.Subbaiah tâm sự: “Ngành mía đường Phú Yên nói riêng, Việt Nam nói chung còn non trẻ, giống như “cậu bé” đang phát triển. Vì thế, ngoài đầu tư của doanh nghiệp, nông dân trồng mía rất cần Nhà nước có chiến lược đầu tư dài hơi, có chiều sâu, chẳng hạn như việc trợ giá mía đường, xây dựng công trình nước tưới, cơ giới hóa đồng mía, nhất là có chính sách đào tạo quy trình khoa học kỹ thuật thâm canh mía hiện đại…”.

 

Vậy là chỉ hơn 10 năm, những doanh nhân, kỹ sư nông nghiệp người Ấn Độ với bao công sức và mồ hôi đã giúp nông dân nghèo miền núi Phú Yên phát triển một vùng mía lớn, năng suất cao, với nhiều nông dân nghèo trở thành triệu phú, tỉ phú.

 

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc không giấu niềm vui, khi phát biểu tại buổi khai trương vụ ép năm 2012-2013, rằng: “Vụ thu hoạch nào tôi cũng về “thủ phủ” mía Sơn Hòa. Tôi theo dõi từng chiến lược phát triển của KCP VIL đã làm đổi thay cuộc sống nông dân trồng mía với những “mùa vàng” bội thu. Đây là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tại tỉnh Phú Yên thành lập Chi bộ Đảng, phát triển được 15 đảng viên, đang phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng với ban giám đốc công ty làm nên thương hiệu sản phẩm đường Varella có uy tín trong nước và xuất khẩu, KCP VIL đang góp phần xây dựng nông thôn mới, thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ!”.

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek