Báo Phú Yên phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn về những kết quả đạt được của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong năm 2012 và công tác bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
* Đồng chí đánh giá như thế nào về chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2012?
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn - Ảnh: N. MINH
- Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là một hoạt động thiết thực của ngành Công thương tỉnh nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mục đích chính của chương trình này là thông qua việc bán hàng Việt để tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; đồng thời khuyến khích, định hướng và vận động người dân sử dụng hàng Việt.
Từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại địa phương, năm 2012, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương tổ chức 13 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với 30 doanh nghiệp, 64 gian hàng, tổng kinh phí 113 triệu đồng, doanh số bán hàng đạt gần 4 tỉ đồng. Riêng tháng 11 và 12/2012, từ kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia hỗ trợ 350 triệu đồng, ngành Công thương tổ chức 5 đợt đưa hàng Việt về các huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa và Tuy An, với 60 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, doanh số bán hàng 1,4 tỉ đồng. Hàng hóa đưa về phục vụ người dân có chất lượng tốt, mẫu mã phong phú, giá cả hợp lý, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng của người dân.
* Có ý kiến cho rằng, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hàng hóa chưa thực sự phong phú. Thời gian tới, tỉnh có giải pháp gì để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình này?
- Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song có thể nói chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp tham gia. Nguyên nhân chính là do phần lớn doanh nghiệp chưa mặn mà về cơ chế hỗ trợ. Có doanh nghiệp đồng ý tham gia chương trình, nhưng lại yêu cầu tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, kinh phí vận chuyển, bốc dỡ… Hơn nữa, kinh phí và điều kiện phục vụ việc triển khai chương trình còn hạn hẹp, kế hoạch triển khai chưa đồng bộ, nên khó thu hút doanh nghiệp tham gia.
Trong thời gian tới, để thu hút nhiều doanh nghiệp cùng tham gia chương trình, đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa để thu hút doanh nghiệp tham gia, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể sát với điều kiện thực tế trong lộ trình đưa hàng Việt về tiêu thụ tại các vùng nông thôn; đề xuất với Bộ Công thương có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho phù hợp hơn. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống chợ, UBND tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp thuê mặt bằng hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cuộc vận động tại một số địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phổ biến cách làm hay của các địa phương và doanh nghiệp.
Người dân xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) hào hứng tham gia 1 phiên chợ hàng Việt - Ảnh: N.XUÂN
* Việc triển khai bán hàng bình ổn giá có điểm gì mới không?
- Năm 2012, từ 20 tỉ đồng của ngân sách địa phương, tỉnh hỗ trợ không tính lãi trong 6 tháng để Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Sài Gòn - Phú Yên (Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa) và Công ty cổ phần thương mại miền núi Phú Yên dự trữ hàng hóa thiết yếu góp phần bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá đã chuẩn bị 220 tấn gạo các loại, 300 tấn đường RE, 136.000 lít dầu ăn, 62,8 tấn bột ngọt, 50 tấn thịt heo, 50 tấn thịt gia cầm, 43 tấn rau củ quả, 50 tấn muối iốt tinh chế, 15.000 thùng mì ăn liền, 210 tấn phân bón hóa học và kết hợp với các mặt hàng kinh doanh của mình đã tổ chức bán ra thị trường từ ngày 1/10 tại 26 điểm bán trên địa bàn tỉnh. Giá bán các mặt hàng trong diện bình ổn giá do các doanh nghiệp này cung cấp thấp hơn giá các sản phẩm cùng chủng loại bán trên thị trường từ 5-10 %.
Điểm mới của chương trình bình ổn giá năm này là các doanh nghiệp tham gia mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến các huyện vùng sâu, vùng xa, kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tỉnh có bổ sung thêm mặt hàng phân bón để phục vụ bà con nông dân sản xuất vụ đông xuân 2012-2013.
* Xin cảm ơn Phó chủ tịch!
NGÔ XUÂN (thực hiện)