Bảo hiểm các công trình xây dựng là một trong những sản phẩm mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt đầu tư công, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải tìm mọi cách để cạnh tranh, mở rộng thị phần nhằm đảm bảo doanh thu và mục tiêu tăng trưởng.
Các công trình xây dựng được bảo hiểm sẽ hạn chế thiệt hại khi có rủi ro. Trong ảnh: Thi công đoạn đường từ nam cầu Hùng Vương đến bắc Khu công nghiệp Hòa Hiệp - Ảnh: T.HOÀI
GIÚP CHỦ ĐẦU TƯ HẠN CHẾ RỦI RO
Tuy bảo hiểm xây dựng không nằm trong danh mục các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc nhưng theo quy định của Luật Xây dựng, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm cho công trình; tư vấn thiết kế phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho sản phẩm; nhà thầu phải mua bảo hiểm cho lao động, vật tư, xe máy thiết bị thi công được sử dụng trong quá trình xây dựng. Hiện hầu hết các chủ đầu tư đều ý thức được việc phải mua bảo hiểm cho công trình để chia sẻ rủi ro, giải quyết tổn thất trong trường hợp các sự cố có liên quan bất ngờ xảy ra. Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông Phú Yên cho biết: Số tiền bỏ ra mua bảo hiểm xây dựng tương đối nhỏ so với những rủi ro có thể xảy ra. Đối với các dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách, tiền mua bảo hiểm đã được đưa vào dự toán công trình với mức phí do Bộ Tài chính quy định. Nếu không mua bảo hiểm, khi xảy ra rủi ro, sự cố, chủ đầu tư phải bỏ tiền để khắc phục. Vì vậy, các chủ đầu tư đều mua bảo hiểm xây dựng. Trước đây, chủ đầu tư thường trực tiếp mua bảo hiểm cho các gói thầu, còn nay thì giao nhà thầu tự mua. Nhà thầu nào chưa trình hợp đồng bảo hiểm, chủ đầu tư sẽ nhắc nhở và buộc phải thực hiện theo đúng quy định chung.
Theo đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm, dịch vụ bảo hiểm xây dựng mang lại doanh thu nhiều hơn các dịch vụ khác. Ông Lê Đức Dũng, Phó giám đốc Bảo Long Phú Yên phân tích: Tại Phú Yên, các công trình xây dựng cơ bản gặp rủi ro thường do mưa bão, lũ lụt và chủ yếu là ở khu vực miền núi. Năm 2010, công trình đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An – Sơn Hòa (ĐT 643) do Ban quản lý dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh làm chủ đầu tư bị mưa bão làm sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến hoa màu của người dân trong vùng; Bảo Long Phú Yên bồi thường hơn 330 triệu đồng. Trong năm 2011, đơn vị cũng đã giải quyết bồi thường cho những thiệt hại của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25. Theo ông Dũng, doanh thu của dịch vụ bảo hiểm xây dựng có thể lên tới 20-30% tổng doanh thu của các doanh nghiệp. Còn ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Bảo Việt Phú Yên thì cho biết: Trận lụt cuối năm 2010 khiến công trình nâng cấp đoạn đường từ nam cầu Hùng Vương đến bắc Khu công nghiệp Hòa Hiệp thuộc dự án Xây dựng tuyến đường ven biển từ nam cầu Hùng Vương đến bắc cầu Đà Nông do Sở GTVT làm chủ đầu tư bị thiệt hại. Bảo Việt Phú Yên đã bồi thường hơn 1,15 tỉ đồng tổn thất công trình và trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba. Năm 2011, đơn vị cũng bồi thường 374 triệu đồng cho sự cố kè bờ nam hạ lưu sông Đà Rằng do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. “Thời gian bảo hiểm kéo dài từ khi công trình được khởi công đến khi hoàn thành, năm nào không có mưa lũ, thiên tai thì năm đó công ty bảo hiểm được lợi nhiều hơn”, ông Thanh nói.
QUYẾT LIỆT GIÀNH THỊ PHẦN
Từ cuối năm 2011 đến nay, Chính phủ thắt chặt đầu tư công nên các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách đều giảm. Chính vì vậy, “cuộc đua” để khai thác những hợp đồng bảo hiểm mới trong lĩnh vực này càng trở nên quyết liệt hơn. Theo Giám đốc Bảo Việt Phú Yên Nguyễn Hữu Thanh, những tháng đầu năm 2012 không có nhiều công trình khởi công, chỉ có công trình chuyển tiếp và một vài công trình nhỏ được triển khai. Doanh thu của dịch vụ bảo hiểm xây dựng của Bảo Việt Phú Yên giảm 20% so với cùng kỳ. Ở Bảo Long Phú Yên, tỉ lệ giảm lên đến 30%. “Vốn đầu tư của Nhà nước và địa phương giảm, số lượng công trình ít; trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nên thị phần bị chia nhỏ, doanh thu bảo hiểm xây dựng của từng đơn vị cũng vì thế mà giảm đi”, Phó giám đốc Bảo Long Phú Yên Lê Đức Dũng nói.
Tuy nhiên, hiện bảo hiểm xây dựng vẫn là dịch vụ mang lại lợi nhuận. Do đó, hầu hết các công ty bảo hiểm ở Phú Yên đều cố gắng khai thác tối đa lĩnh vực này. Để tranh giành thị phần, một số doanh nghiệp đã giảm chi phí kỹ thuật, tăng mức giữ lại quá quy định, thậm chí mở rộng phạm vi bảo hiểm, sửa đổi điều khoản bổ sung, tăng chi phí khai thác và môi giới… Theo ông Nguyễn Hữu Thanh, cách cạnh tranh như vậy sẽ dẫn đến việc các hãng tái bảo hiểm từ chối chi trả bồi thường nếu xảy ra sự cố. Ông Thanh cũng cho biết, thay vì cạnh tranh “giảm phí”, Bảo Việt Phú Yên tăng cường các sản phẩm bán lẻ; củng cố và phát triển các mối quan hệ với chủ đầu tư để ký được những hợp đồng bảo hiểm mới.
Theo ông Lê Đức Dũng thì hiện Phú Yên có hơn 15 chi nhánh, văn phòng đại diện cùng chia sẻ thị phần bảo hiểm xây dựng. Ngoài việc cạnh tranh với các doanh nghiệp trong tỉnh, các đơn vị ở Phú Yên còn phải “so găng” với các công ty bảo hiểm ngoài tỉnh. Để tiếp tục tăng doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm xây dựng, doanh nghiệp sẽ tăng cường mối quan hệ với các chủ đầu tư trong tỉnh; tăng cường vươn xa nhằm tìm kiếm các hợp đồng bảo hiểm xây dựng ngoài tỉnh. Công ty cũng sẽ chăm sóc tốt khách hàng và thực hiện giải quyết bồi thường nhanh chóng. Dịch vụ bảo hiểm xây dựng có mối quan hệ gắn kết với các dịch vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm xe cơ giới, con người… nên nếu phát triển tốt sẽ tăng thêm doanh thu cho các đơn vị bảo hiểm.
VIỆT AN