Nói đến công tác an toàn vệ sinh lao động là nói đến việc bảo vệ tính mạng con người và bảo vệ thiết bị máy móc trong sản xuất công nghiệp. Trong những năm gần đây công tác an toàn vệ sinh lao động được các ngành chức năng và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây lắp công trình chú trọng.
Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp ở TP Tuy Hòa - Ảnh: N.HÂN
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là một trong những điều kiện quan trọng để người lao động có sức khỏe tốt, yên tâm làm việc, mang lại năng suất cao, sản phẩm nhiều cho các doanh nghiệp. Đánh giá về công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Phổ, Trưởng phòng Việc làm - an toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH), nhận xét: “Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN và ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động. Các đợt kiểm tra liên ngành của LĐLĐ tỉnh cùng các sở, ban, ngành hữu quan cũng cho thấy, hầu hết các đơn vị này đều đảm bảo các thông số kỹ thuật và quy trình sản xuất an toàn, thực hiện bảo hộ lao động, chế độ trợ cấp độc hại cho người lao động, bảo đảm các trang thiết bị cần thiết trong PCCN. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác ATVSLĐ theo đúng quy định, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện các chế độ bảo hộ lao động cho người lao động như cung cấp nước uống sạch, bố trí hệ thống vệ sinh đầy đủ, xây dựng nhà ăn tập thể, phụ cấp độc hại, thực hiện đầy đủ chế độ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi cho người lao động”.
Các doanh nghiệp đã đăng ký, kiểm định các máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo định kỳ tại các cơ quan có thẩm quyền. Ông Phan Văn Nhơn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng (Khu công nghiệp An Phú, TP Tuy Hòa) cho biết: “Phương châm làm việc của chúng tôi là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Với tiêu chí đảm bảo sức khỏe để làm việc hiệu quả, hiện các phân xưởng đều được quy hoạch bài trí rộng rãi, thông thoáng bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, phòng y tế và cán bộ y tế luôn túc trực để sơ cứu khi xảy ra sự cố trong sản xuất. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên thực hiện đăng kiểm, đo đạc các tiêu chuẩn về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, tiếng ồn, bụi… trong phân xưởng và nơi có người lao động làm việc. Đồng thời, công ty cũng thực hiện tốt việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động như quần áo, mũ, giày, găng tay, khẩu trang kính… cho người lao động”. Anh Lê Văn Bản, công nhân bộ phận mài bong, Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng, vui vẻ nói: “Nơi tôi làm việc rất tốt, đảm bảo an toàn. Do đặc thù công việc, công nhân thường xuyên tiếp xúc những khối đá lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động rất cao nên công ty có phụ cấp tiền độc hại và được đóng bảo hiểm tai nạn cho anh em”.
Nhiều doanh nghiệp chú trọng đến công tác ATVSLĐ - PCCN. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại khu công nghiệp An Phú - Ảnh: N.HÂN
Bên cạnh đó, để nâng cao hiểu biết về công tác ATVSLĐ với chủ đề chính của Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 14 năm 2012 là “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động”, các cấp công đoàn đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người lao động định kỳ hàng năm, phát động các cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ, thi nâng bậc hoặc gửi cán bộ tham gia tập huấn về ATVSLĐ tại Sở LĐ-TB-XH. Việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe của người lao động cũng được các doanh nghiệp thực hiện tốt. Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Bá Hải (Khu công nghiệp Hòa Hiệp) cho biết: “Hàng năm công ty đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Công ty cũng có tủ thuốc, phòng y tế nên mỗi khi công nhân đau bệnh nhẹ đều được cấp thuốc tại chỗ”.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này, vẫn còn một số doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước như thành lập hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và phân công trách nhiệm cán bộ phụ trách công tác bảo hộ lao động chưa đúng quy định. Ở một số doanh nghiệp, người lao động nhất là lao động tự do, chưa có ý thức chấp hành tốt các quy định về ATVSLĐ; công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ còn hạn chế. Ông Đinh Khắc Đô, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH Phú Yên thừa nhận: “Hàng năm, ngoài việc kiểm tra trong tuần lễ quốc gia VSATLĐ-PCCN, ngành cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên và giải quyết các ý kiến, kiến nghị từ người lao động nhưng vẫn không xuể”. Cũng theo ông Đô, để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc kiểm tra giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp (buộc doanh nghiệp ký cam kết về bảo đảm ATVSLĐ tại chỗ, khi xảy ra sự cố phải báo cáo ngay), tự thân người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động cần phải nâng cao nhận thức về ATVSLĐ-PCCN. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” mà phải thực hiện theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
THÁI NGỌC