Sau những năm sống ở vùng thiên tai, vùng khó khăn, mới đây 157 hộ dân ở các xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Xuân Long (Đồng Xuân) và xã Hòa Hội (Phú Hòa) được di dời đến sinh sống ở khu đất mới. Mùa mưa đến, người dân không còn cảnh nơm nớp chạy lũ, nhiều hộ có cuộc sống sung túc.
Khu dân cư thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) - Dự án di dời dân vùng thiên tai có khá đông người dân đến ở - Ảnh: H.NAM
KHÔNG LO CHẠY LŨ
Bằng nguồn vốn của Trung ương, từ đầu năm đến nay Sở NN-PTNT Phú Yên đã đầu tư gần 1,3 tỉ đồng thực hiện 5 dự án di dời 157 hộ dân ở các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn tới khu ở mới. Trong đó, khu kinh tế mới Gò Đạo thuộc thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội (Phú Hòa) đã tiếp nhận 50 hộ dân. Vùng thiên tai, các xã Xuân Quang 3, Xuân Quang 2 và xã Xuân Long (Đồng Xuân) có 107 hộ dân di dời đến nơi ở mới.
Tại khu tái định cư thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), nhiều ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc mới, khang trang, các vật dụng sinh hoạt được mua sắm mới. Đây là khu tái định cư di dời dân từ vùng lũ xóm Soi đến sinh sống ổn định. Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân ở khu dân cư thôn Thạnh Đức bày tỏ: “Về đây ở, tôi hết lo cảnh đến mùa mưa đùm túm chạy lũ nữa rồi”. Hồi còn ở nhà cũ xóm Soi, cuối năm 2009 một trận lũ lớn ập đến, nửa đêm ông nghe nhà bên hàng xóm kêu cứu, lúc đó ông ra cửa thấy nước đến bậc thềm. Quýnh quáng, ông vác bao lúa vô xóm Gò gửi, khi về đến nhà nước ngập ngang thắt lưng, ông vội hối thúc đưa vợ đi tránh lũ, lúc quay trở lại thì thấy nhà khóa cửa, nước lũ ngang cổ. Cạnh đó, nhà bà Nguyễn Thị Sô, xây cất trên nền đất cao ráo, nói về cảnh chạy lũ bà chưa hết bàng hoàng: “Mấy mươi năm qua sống chung với lũ, nay mới thoát lũ”. Bà Sô nhớ lại, có những năm mưa to, lũ lớn nhanh không kịp trở tay, khi nước còn nằm dưới bậc thềm thì bà vội bê ti vi bỏ lên trần, nhìn xuống thấy nước tràn vào nhà. Hoảng quá, bà vác nửa bao gạo lên vai, dắt con đi tránh lũ. Khi lũ rút, bà Sô quay về thì mọi vật dụng như nồi xoong, rổ rá để ngoài hiên đã trôi đi hết.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, ở xóm Gò Cốc - vùng hàng năm bị ngập lụt được di dời đến nơi ở mới thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2. Ông thở phào nhẹ nhõm: “Trước đây ở vùng trũng xóm Gò Cốc, cứ đến mùa mưa, lũ nhỏ thì đường bị cắt, lũ lớn thì ngập lụt, nhà cửa nhơ nhớp bùn đất. Cả xóm ngập lụt không biết đi đâu nên đã dọn đến nhà những người quen để ở. Có năm lũ lớn, các vật dụng trong nhà trôi sạch”.
Ông Nguyễn Đức Thi, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết: “45 hộ dân ở xóm Gò Cốc đã di dời vào khu dân cư Triêm Đức ổn định cuộc sống trước mùa mưa lũ”.
RA KHỎI VÙNG KHÓ KHĂN
Từ cầu Trà Ô, xã Xuân Lãnh đi bộ 3 cây số đường đèo dốc, vượt qua hai khúc sông mới đến thôn Long Nguyên, xã Xuân Long (Đồng Xuân). Trước đây, thôn này có 14 ngôi nhà, sống biệt lập giữa núi rừng, từ nhà đầu thôn đến được nhà cuối thôn mất gần cả tiếng đồng hồ. Bây giờ khu tái định cư Long Nguyên được xây dựng cạnh trục giao thông phía Tây Phú Yên (đoạn qua xã Xuân Long) khang trang, đi lại thuận lợi. Chị Chế Thị Nhung, ở thôn Long Nguyên (cũ) - một trong những người sống ở đây kể, tối đến, cả xóm tối đen như mực, không gian im lặng đáng sợ. Đèn dầu không xua được bóng tối ở rừng sâu. “Về nơi ở mới gần đường thuận lợi đi lại, con cái học hành gần nhà không như trước đây phải gởi con về quê nội, ngoại đi học” chị Nhung nói.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Xuân Huỳnh Trọng Khuê cho biết, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Long Nguyên sau một thời gian thi công mặt bằng, gần đây nhân dân di dời đến xây dựng nhà, hệ thống lưới điện đang lắp đặt phục vụ đời sống sinh hoạt nhân dân”.
Còn ở khu kinh tế mới Gò Đạo thuộc thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội (Phú Hòa) cũng đã tiếp nhận 50 hộ dân. Ông Hà Trung Kháng, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, đến nay đã có gần 50 hộ dân đến nơi ở mới. Mục tiêu của huyện là bố trí, sắp xếp ổn định lại dân cư ở vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn được ổn định đời sống.
MẠNH HOÀI NAM