Phú Yên có diện tích đất ngập nước ven biển khoảng 12.255ha, chủ yếu thuộc địa bàn huyện Tuy An và TX Sông Cầu, là khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ và khôi phục vùng đất này.
Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở đầm Ô Loan, huyện Tuy An - Ảnh: P.NAM
Theo Sở NN-PTNT, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 3.000ha và gần 32.000 lồng nuôi tôm hùm, cá biển với sản lượng năm 2011 đạt hơn 9.800 tấn. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, những năm gần đây giá trị sản xuất của nghề nuôi trồng hàng năm chiếm từ 45% đến 60% giá trị sản xuất của ngành thủy sản.
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 35.000 tấn, chiếm 50% sản lượng thủy sản. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đang thực hiện ba giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ và khôi phục vùng đất ngập ven biển. Đó là quản lý môi trường nước, khai thác hợp lý theo hướng bền vững và khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản sinh học.
Trong quản lý môi trường nước, bên cạnh hoạt động quan trắc và xét nghiệm mẫu nước các vùng nuôi trồng thủy sản hàng tháng, chính quyền các xã ven đầm, vịnh chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân không xả nước thải chăn nuôi, rác sinh hoạt ra đầm, vịnh bừa bãi. Về lâu dài, tỉnh đang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân xây dựng nhà vệ sinh, vì hiện tại mới chỉ có khoảng 40% số hộ trong vùng sử dụng nhà vệ sinh. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm ô nhiễm môi trường và tăng mật độ vi khuẩn gây bệnh, nhất là vào mùa mưa.
Trong hoạt động khai thác thủy sản theo hướng bền vững, tỉnh xác định yếu tố quan trọng nhất là phải dựa vào cộng đồng dân cư. Qua điều tra phỏng vấn 43 hộ dân sống ven đầm, vịnh, có 87% số hộ đề nghị quy hoạch lại vùng nuôi và 71% đồng thuận việc chuyển đổi nuôi trồng thủy sản theo phương thức thân thiện với môi trường. Đây là cơ hội tốt để chính quyền và người dân cùng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững. Hiện các địa phương đang khôi phục lại những tổ quản lý đầm, vịnh do nhân dân tự nguyện thành lập theo từng nhóm nghề cụ thể, kết hợp với thiết lập địa giới ngư trường theo từng xã và hoạt động khai thác dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Qua đó, chính quyền mỗi địa phương kiểm soát được số lượng ngư cụ cũng như hộ khai thác để vận động ngư dân không sử dụng các loại ngư cụ khai thác có tính hủy diệt.
TX Sông Cầu là địa phương có vùng đất ngập nước ven biển lớn nhất, đồng thời là địa bàn có nghề nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh, bước đầu cũng đã quy hoạch chi tiết tạm thời 150ha mặt nước thuộc địa bàn xã Xuân Thịnh và ra quyết định giao cấp mặt nước cho 40 tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Hiện TX Sông Cầu xác định 628ha vùng mặt nước ở xã Xuân Cảnh để đưa vào quy hoạch nuôi thủy sản bằng lồng, bè…
Tỉnh đang triển khai dự án khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển. Theo đó, đến năm 2015, Phú Yên sẽ có hơn 191ha rừng ngập mặn được phục hồi với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10 tỉ đồng.
PHƯƠNG NAM