Đoàn công tác liên ngành của UBND tỉnh vừa tiến hành kiểm tra một số thủ tục hoạt động của những doanh nghiệp khai thác, chế biến lâm sản ở ba huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh. Theo kết quả kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện các điều kiện để kinh doanh theo quy định.
Một cơ sở chế biến gỗ ở xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa đã dừng hoạt động - Ảnh: P.NAM
Trong số những đơn vị được kiểm tra lần này, 36 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động khai thác, chế biến lâm sản; 1 doanh nghiệp chỉ đăng ký mua bán gỗ. Tất cả các doanh nghiệp này đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trước đây là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Tuy nhiên, qua kiểm tra thì chỉ có 11 doanh nghiệp đang sản xuất, chế biến lâm sản; 6 doanh nghiệp còn hoạt động nhưng không đúng ngành, nghề đăng ký; 1 doanh nghiệp chỉ mua bán gỗ; 3 doanh nghiệp đã giải thể; 3 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 13 doanh nghiệp bỏ trụ sở làm việc.
Theo kết quả kiểm tra liên ngành, 11 doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Sông Hinh đều có cơ sở sản xuất nhưng chỉ là lán trại tạm để đặt máy cưa xẻ gỗ; chưa có doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ thủ tục đất đai. Cụ thể, hai doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Sông Hinh cấp nhưng mục đích sử dụng là đất nông nghiệp. Một doanh nghiệp mua tài sản trên đất của Nông trường Ea Bá, có giấy cam kết bảo vệ môi trường, đang lập thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất. Bốn doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất trên đất nông nghiệp được thuê, mua bằng giấy tay; các đơn vị còn lại chỉ có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất. Ngoài Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Vân có công văn thỏa thuận địa điểm xây dựng xưởng chế biến gỗ của Phòng Hạ tầng Kinh tế huyện Sông Hinh và có sự đồng ý cho xây dựng xưởng của Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, các doanh nghiệp còn lại không có các thủ tục liên quan. Đa số doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ được mua từ Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, trung tâm bán đấu giá, các doanh nghiệp có chỉ tiêu khai thác gỗ thuộc tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk…; sản phẩm doanh nghiệp chế biến đa số là gỗ dùng cho xây dựng, một số để hàng thủ công mỹ nghệ.
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản của các doanh nghiệp được kiểm tra chưa thực hiện và hoàn tất các điều kiện theo quy định để được hoạt động nhưng vẫn sản xuất kinh doanh; có doanh nghiệp sản xuất tại nhà ở thuộc khu dân cư gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân quanh vùng. Nguyên nhân là do những doanh nghiệp này chưa nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản liên quan. Mặt khác, các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và cơ sở sản xuất cũng thiếu sự phối hợp kiểm tra, hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục trước khi tiến hành sản xuất kinh doanh...
Ông Trần Thiện Kim, Phó giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu 6 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề sản xuất, chế biến lâm sản nhưng không và chưa hoạt động thực hiện thủ tục xóa ngành nghề, khi nào có đủ điều kiện kinh doanh sẽ đăng ký bổ sung. Các doanh nghiệp ngưng hoạt động, bỏ trụ sở phải làm thủ tục giải thể; 3 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trước khi hoạt động trở lại. Đoàn kiểm tra đề nghị 11 doanh nghiệp đang hoạt động liên hệ với địa phương và các cơ quan chức năng để thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định. Riêng các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất trong khu dân cư thuộc thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) phải di chuyển vào điểm công nghiệp của huyện.
Để từng bước nâng cao chất lượng quản lý doanh nghiệp, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, đôn đốc, giúp doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trước, trong và sau khi đăng ký doanh nghiệp.
VIỆT AN