Thứ Hai, 07/10/2024 21:28 CH
Sản xuất mía đường:
Chung tay vượt khó
Thứ Tư, 21/03/2012 07:50 SA

Đang vào chính vụ nhưng mía có chữ đường quá thấp, giá đường liên tục hạ, sức tiêu thụ lại chậm; trong khi đó, đường nhập lậu gia tăng, tràn ngập thị trường khiến các doanh nghiệp sản xuất đường khó chồng thêm khó.

 

mia120321.jpg

Mía về Nhà máy đường Tuy Hòa - Ảnh: N.XUÂN

TIÊU THỤ KHÓ KHĂN

 

Niên vụ 2011- 2012, tổng diện tích mía toàn tỉnh gần 20.000ha, tăng hơn 1.500ha so với quy hoạch, sản lượng ước hơn 1 triệu tấn, tăng 18,8% so với vụ trước. Dự kiến sản lượng đường chế biến công nghiệp đạt hơn 90.000 tấn, tăng hơn 10% so niên vụ trước. Từ đầu tháng 12/2011, giá đường liên tục giảm mạnh, sức tiêu thụ chậm và chưa có dấu hiệu phục hồi làm cho các doanh nghiệp mía đường gặp không ít khó khăn. Đến thời điểm này, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam sản xuất hơn 23.000 tấn đường RE, gần 4.000 tấn đường RS nhưng cũng chỉ mới tiêu thụ khoảng 8.500 tấn đường RE và 2.000 tấn đường RS; Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã sản xuất hơn 8.252 tấn đường nhưng cũng chỉ tiêu thụ hơn 1.500 tấn. Như vậy lượng đường tồn kho của hai doanh nghiệp mía đường trong tỉnh là rất lớn. Ông Lê Tấn Đàm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: “Hiện nay sức tiêu thụ đường hầu như không có. Đường sản xuất ra hàng ngày đã nhập đầy các kho nên chúng tôi phải vào Vũng Rô thuê kho chứa hàng”.

 

Việc tiêu thụ của các nhà máy đường trong nước khó khăn có nguyên do đường nhập lậu từ Thái Lan gia tăng. Hiện đường nhập lậu với giá dưới 16.000 đồng/kg nên đường trong nước càng khó tiêu thụ. Trong khi đó, các nhà máy vẫn phải mua giá đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Tình trạng này làm cho các nhà máy đường lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Theo ông Lê Tấn Đàm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, giá đường RS tại các nhà máy đã xuống dưới 15.000 đồng/kg (trước thuế) trong khi chi phí sản xuất không ngừng tăng cao, chưa tính đến lãi suất ngân hàng. Do vậy, một số doanh nghiệp sản xuất đường không thể cầm cự trước áp lực thanh toán nợ ngân hàng, tiền mua mía của nông dân được phải chấp nhận bán đường với giá thấp.

 

Bên cạnh đó, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, mưa nhiều nên chữ đường thấp.

 

Hiện chữ đường trong mía ở vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa chỉ khoảng 8,4-8,5 CCS, chữ đường vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam ở mức dưới 8 CCS, trong khi mọi năm đến thời điểm này chất lượng đường có thể lên đến 10-11 CCS. Chất lượng mía thấp đã làm tăng chi phí và thời gian sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh.

 

duong120321.jpg

Nhà máy đường Tuy Hòa đang hoạt động với công suất 1.400 tấn/ngày để cố gắng tiêu thụ mía kịp thời cho nông dân - Ảnh: N.XUÂN

CHIA SẺ KHÓ KHĂN

 

Điều đáng mừng là trong khi các nhà máy đường khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đồng loạt giảm giá thu mua mía nguyên liệu từ 50.000-100.000 đồng/tấn đã khiến nhiều nông dân phá bỏ diện tích mía thì tại Phú Yên, giá mía vẫn ổn định. Ông K.V.S.R. Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết: “Mặc dù giá đường xuống thấp, tiêu thụ khó khăn nhưng công ty vẫn giữ giá thu mua mía nguyên liệu ổn định. Hiện nay, công ty vẫn thu mua mía như giá đầu vụ. Tuy nhiên, nếu giá đường tiếp tục xuống nữa, có lẽ chúng tôi phải hạ giá mua mía nguyên liệu để tránh thua lỗ”.

 

Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương, Phó trưởng ban Điều hành chương trình mía đường, sắn Phú Yên cho biết: “Ngành Công thương động viên các nhà máy giữ ổn định giá mua mía cho nông dân, có thể các nhà máy sẽ chịu thiệt hại nhưng đảm bảo thu nhập cho người trồng mía, từ đó tạo được niềm tin của họ đối với nhà máy, tránh được tình trạng nông dân chán nản, ào ạt bỏ mía trồng cây khác, có thể phá vỡ quy hoạch mía đường của tỉnh”.

 

Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng nhắc nhở các nhà máy đường tổ chức hợp lý hóa trong sản xuất, tăng thời gian sản xuất nhằm tăng sản lượng ép tối đa của nhà máy. Hiện nay, một vấn đề rất đáng quan tâm là đang thời điểm chính vụ, nông dân tập trung thu hoạch mía, trong khi công suất các nhà máy có hạn nên dễ xảy ra tình trạng thu mua mía không kịp. Do vậy, các nhà máy cần tăng hiệu suất hoạt động, đảm bảo thu mua mía kịp thời cho người nông dân.

 

Giám đốc Sở Công thương Đào Tấn Cam cho biết: “Vừa qua, Bộ Công thương đã tính toán cân đối nhu cầu sử dụng đường trong nước, đề xuất cho xuất khẩu trên 200.000 tấn đường để gỡ khó cho ngành sản xuất mía đường. Dự đoán tình trạng khó khăn sẽ không kéo dài lâu. Vấn đề hiện nay là cả nhà máy và người nông dân phải đoàn kết, cùng chia sẻ khó khăn để hợp tác lâu dài”.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek