Thứ Hai, 07/10/2024 23:31 CH
Miễn giảm thủy lợi phí trong nông nghiệp:
Cần sửa đổi để phù hợp với thực tế
Thứ Ba, 20/03/2012 10:30 SA

Qua bốn năm triển khai, Nghị định 115 ngày 14/11/2008 của Chính phủ về miễn giảm thủy lợi phí và quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi đã đạt được những thành công nhất định.

Trước hết, nhiều hệ thống công trình thủy lợi được kịp thời tu sửa, kênh mương được thường xuyên nạo vét, hiệu quả phục vụ tưới, tiêu của các công trình thủy lợi được tăng lên rõ rệt so với trước. Tình trạng nợ thủy lợi phí kéo dài cũng được giải quyết ổn thỏa, các đơn vị thủy nông không phải vất vả đi thu thủy lợi phí như trước. Quan trọng hơn cả là hầu hết hộ xã viên tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ để có thêm vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc thực hiện chính sách trên đã nảy sinh nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của HTX và hộ xã viên. Ở những địa phương hệ thống thủy lợi không đến được, người dân phải tự xoay xở việc bơm tưới lại không được miễn giảm thủy lợi phí. Bên cạnh đó, việc bơm tưới bằng nước giếng khoan hay lấy nước từ đê bao không thực sự hiệu quả, thiếu đảm bảo an toàn vào mùa mưa bão.

Tại khu vực miền núi, các hệ thống thủy lợi kéo dài trên địa bàn rộng, có độ dốc lớn, cách xa khu dân cư nên thường xuyên bị hỏng hóc, hằng năm phải đầu tư kinh phí lớn để sửa chữa, nhưng khó tìm được nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, bởi theo quy định mức thu phí tại khu vực này không hề cao hơn mức phí tại khu vực đồng bằng. Bên cạnh đó, từ khi Nghị định 115 của Chính phủ triển khai đến nay, mức giá hỗ trợ vẫn chưa được điều chỉnh, trong khi giá điện liên tục tăng cao khiến HTX và xã viên phải gánh luôn phần phí dôi ra. Các đơn vị thủy nông, nhất là các HTX nông nghiệp phục vụ bơm tưới, tiêu cũng gặp một số khó khăn khi kinh phí hỗ trợ thường đến cuối mùa mới được nhận, dẫn đến việc HTX phải vay tiền từ bên ngoài để thanh toán tiền điện, đồng thời phải cắt giảm mức đầu tư tu sửa máy móc, nạo vét kênh mương… Hằng năm, HTX phải cử cán bộ đi khảo sát tình hình thực tế, ký lại hợp đồng thủy lợi với từng hộ xã viên. Trong khi đó nhiều xã viên lại mang tư tưởng “có ký lại hay không thì vẫn được Nhà nước miễn giảm” nên không chịu hợp tác, cán bộ HTX phải thuyết phục nhiều lần mới chịu làm hợp đồng. Đây cũng là hạn chế góp phần ảnh hưởng đến quá trình cấp kinh phí hỗ trợ.

Để chính sách miễn giảm thủy lợi phí trong nông nghiệp tiếp tục phát huy tác dụng, các sở, ngành cần xem xét, kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 115 theo hướng căn cứ vào điều kiện từng vùng miền, quy mô công trình, tình hình biến động giá cả để xác định mức thủy lợi phí hỗ trợ cho phù hợp. Bên cạnh đó, hộ xã viên cần thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tích cực hợp tác hơn nữa với cán bộ HTX để kinh phí phụ cấp nhanh chóng đến được với HTX, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

BẢO PHƯỚC

(Liên minh HTX Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek