Du lịch văn hóa tâm linh là xu hướng phát triển du lịch trong bối cảnh đương đại và đã, đang trở thành một ngành dịch vụ mang lại hiệu quả cao về kinh tế lẫn hiệu ứng về văn hóa, tâm linh. Phú Yên là vùng đất Phật đầy tiềm năng nếu biết cách khai thác thì sẽ có cơ hội để phát triển du lịch văn hóa gắn với đời sống tâm linh của người dân và khách tham quan.
Phú Yên được mệnh danh là vùng đất Phật, nơi sinh ra vị thiền sư dòng Lâm Tế đầu tiên của người Việt: dòng thiền Liễu Quán và hàng loạt các vị danh sư đạo hạnh có công hưng thịnh Phật giáo. Dân gian có câu: “Muốn tu Phật thì về Phú Yên/ Muốn tu Tiên thì về Bảy Núi” để viện dẫn cho những thành tựu của di sản văn hóa Phật giáo Phú Yên, cũng như khẳng định sựchính danh của vùng đất mộ đạo, sản sinh những danh tăng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Đoàn khảo sát của Sở VH-TT-DL Phú Yên và CLB Di sản UNESCO Phú Yên khảo sát quần thể mộ tháp ở chùa Cổ Lâm trên núi A Man (An Thạch, Tuy An)- Ảnh: T.QƯỚI
TIỀM NĂNG
Phật giáo Phú Yên qua 400 năm đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử vùng đất đã để lại một hệ thống di sản văn hóa Phật giáo đa dạng, phong phú và cũng không kém phần đặc trưng, tạo nên một tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo với những điểm nổi bật.
Hệ thống chùa ở Phú Yên đa dạng: Chùa làng (được người dân trong làng quyên góp xây dựng), Chùa chư tăng (do các bậc cao tăng chấn tích khai sơn, truyền bá đạo pháp), Chùa họ tộc (hình thành do sự vận động một dòng họ), Chùa gia đình (một dạng cải gia vi tự). Với hơn 200 ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó đa số các chùa đều tọa lạc ở những vị thế phong thủy đắc địa, “sơn bao thủy bọc” toát lên sự u tịnh, bình dị hướng về thiên nhiên. Một số chùa có lịch sử lâu đời và gắn liền với sựhình thành, phát triển của Phật giáo Phú Yên với các vị danh tăng khai sơn như: Chùa Bảo Sơn Thiên Hải, Thiên Hưng, Châu Lâm, Viên Quang, Bửu Tịnh, Bát Nhã, Linh Quang, Kim Cương…
Kiến trúc các chùa ở đây được xây dựng theo lối kiến trúc đơn giản, biểu lộ tư tưởng thoát tục gần với thiên nhiên núi rừng, hòa mình trong cảnh trí thiên nhiên sơn thủy hữu tình, tạo sựthanh tịnh và bình dị một cách lạ thường. Khoảng từ thập niên 70 thế kỷ XX trở lại đây, do những chuyển biến và tác động của xã hội lẫn nhu cầu sinh hoạt của người học Phật, các chùa xây dựng theo lối mới nhằm tranh thủ diện tích sinh hoạt cho tín đồ tu học và lễ bái. Bắt đầu từ đây, các chùa dần thay đổi kiểu kiến trúc từ dạng kiến trúc bình thường sang dạng kiến trúc tầng lầu bằng bê tông cốt sắt, mái ngói uốn cong vút, hai bên là hai lầu chuông trống, chính giữa là Phật điện với không gian rộng lớn… Ngoài ra, có một số chùa có kiến trúc đơn giản nhưng khá độc đáo.
Hệ thống tháp mộ cũng được xây dựng trong một không gian phù hợp với tổng thể kiến trúc chùa, quy mô tháp tùy thuộc vào công hạnh. Đặc biệt ở nền chùa cổ Cổ Lâm, trên núi A Man vẫn còn hiện diện 10 ngôi tháp cổ, đứng lưng chừng núi, bia mộ mờ nét rêu phong, chứng tích của một thời phát triển hưng thịnh của Phật giáo Phú Yên.
Lễ hội, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Phật giáo cũng rất đặc trưng, phong phú và sinh động thể hiện nét độc đáo riêng có gắn liền với các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân Phú Yên trong mối tích hợp văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Lễ hội Phật giáo chủ yếu được diễn ra vào các ngày lễ lớn như: lễ Phật Đản, Vu Lan, lễ hội Quán Âm (chùa Thanh Lương), lễ hội chùa Từ Quang, lễ giỗ tổ Liễu Quán,… luôn thu hút được lượng tín đồ, người dân lẫn khách tham quan đến tham dự.
Nhiều du khách tham quan chùa Bảo Lâm (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.NGUYỆT
HƯỚNG TIẾP CẬN KHAI THÁC
Việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở Phú Yên là hướng đi cần thiết và phù hợp với xu hướng đa dạng hóa các loại hình du lịch. Hướng tiếp cận để vận hành tốt loại hình du lịch này là cần nhận định được tầm quan trọng giá trị di sản văn hóa Phật giáo, cùng với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan trong đời sống người dân làm phong phú nội dung của tour du lịch. Việc xây dựng, thiết kế tour du lịch tâm linh Phật giáo và kết nối của các tour du lịch khác chính là động lực thúc đẩy và quảng bá loại hình du lịch này. Trong hướng tiếp cận này cũng cần hạn chế những mặt trái của niềm tin tâm linh đó là mê tín, dị đoan không đúng với bản chất của Phật giáo, cũng như cho môi trường du lịch lành mạnh.
Tiếp cận và phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo cần sự đầu tư khoa học nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt này với những bước đi thận trọng, cách thức hợp lý, hướng đến đảm bảo lợi ích cộng đồng và đặc biệt là sự nhạy cảm của vấn đề tâm linh tôn giáo trước những tác động của hoạt động du lịch. Trên cơ sở đó, tour du lịch văn hóa tâm linh Phật giáo có thể nhắm đến bốn sản phẩm tour: Tour du lịch tham quan các chùa kết hợp với du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa, Tour du lịch từ các lễ hội Phật giáo, Tour du lịch tâm linh Thánh địa Quán Âm (chùa Thanh Lương) đến quê hương thiền sư Liễu Quán và những ngôi chùa gắn với hành trạng của ngài, Tour du lịch thiện nguyện.
Khai thác du lịch tâm linh Phật giáo ở Phú Yên bằng hướng tiếp cận các di sản văn hóa Phật giáo là cần thiết, góp phần hình thành sản phẩm du lịch phong phú. Tuy nhiên, mọi thứ còn ở dạng tiềm năng. Để khai thác có hiệu quả loại hình du lịch khá mới này, chúng ta cần phải có hướng tiếp cận, cách thức tổ chức và vận hành một cách hợp lý, nhằm phát huy tối đa “cái đẹp” trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng và hạn chế những tác động của “mặt trái” không nên có.
ThS LÊ THỌ QUỐC
(Phân viện VHNT Việt Nam tại Huế)
TRẦN QUỚI (lược ghi)