Thứ Ba, 08/10/2024 01:25 SA
Sông Hinh: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng
Thứ Bảy, 17/03/2012 10:00 SA

Những năm gần đây, huyện Sông Hinh thực hiện khá thành công chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, chủ động mở rộng vùng cây công nghiệp quy mô lớn.

cao-su120317.jpg

Cao su đang là cây công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế ở huyện Sông Hinh - Ảnh: P.NAM

MỞ RỘNG DIỆN TÍCH LÚA NƯỚC

Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại, UBND huyện Sông Hinh cho phép Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) tiến hành xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Ea Bar có công suất 5.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2012. Để đáp ứng vùng nguyên liệu, Sông Hinh phấn đấu đến năm 2015 nâng diện tích cây cao su lên 6.000ha; dự kiến đến năm 2015, diện tích cây ca cao ở Sông Hinh sẽ tăng lên 1.000ha.

Với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, bảy năm trở lại đây, Sông Hinh đã mở rộng diện tích lúa nước lên gấp 2,5 lần, nâng tổng diện tích hiện nay lên hơn 1.200ha, mỗi xã có từ 15-110ha lúa nước.

Huyện Sông Hinh đã thành công trong việc mở rộng diện tích canh tác lúa nước bằng giải pháp xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, chuyển đổi những vùng trồng lúa rẫy năng suất thấp sang làm lúa nước, huyện cũng đã tận dụng những diện tích đất ven sông, suối chủ động được nguồn nước, đồng thời chú trọng mở rộng diện tích lúa nước theo từng vùng, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vận động bà con tự nguyện sang nhượng đất làm lúa nước. Việc sang nhượng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được lãnh đạo huyện Sông Hinh đặt vấn đề từ đầu năm 2000 theo phương châm, tiến hành trong các hộ cùng họ tộc trước, sau đó nhượng lại cho các hộ trong buôn, rồi đến các hộ ở buôn khác.

Theo đó, những hộ có diện tích lúa rẫy lớn chủ động được nguồn nước chuyển sang làm lúa nước và nhượng lại cho các hộ khác theo tỉ lệ dưới 1ha lúa rẫy đổi lấy 3 sào lúa nước. Nhờ vậy, từ chỗ chỉ có vài chục ha lúa nước, đến nay toàn huyện Sông Hinh đã phát triển lên hơn 1.200ha. Nhiều cánh đồng lúa nước ở các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Trol cho năng suất từ 50-60 tạ/ha. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lúa nước cũng đạt năng suất từ 40-55 tạ/ha, tăng từ 2 đến 3 lần so với trồng lúa rẫy. Năm 2011, huyện Sông Hinh đạt sản lượng lương thực hơn 14.000 tấn. Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lê Tấn Hổ cho biết, dựa vào phong tục, tập quán canh tác, Đảng bộ huyện đã đề ra chủ trương làm sao mỗi hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải có đất làm lúa nước để chủ động cái ăn tại chỗ, có điều kiện phát huy tiềm năng đất đai, hình thành vùng cây công nghiệp như sắn, mía, cao su và chăn nuôi bò.

PHÁT TRIỂN VÙNG CÂY CÔNG NGHIỆP

Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại, nhờ đảm bảo lương thực nên những năm qua, huyện đã tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng diện tích cây công nghiệp, từng bước hình thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến. Hiện nay, huyện đã hình thành các vùng cây công nghiệp chủ lực như mía, cao su, ca cao và sắn.

Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2015, Sông Hinh phấn đấu mở rộng diện tích lên 8.000ha, gắn với việc đề nghị Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa xây dựng thêm một nhà máy đường tại xã Ea Ly với công suất ép 2.500 tấn mía/ngày. Hiện nay, Sông Hinh có hơn 2.800ha cao su, trong đó 36% diện tích đã bắt đầu cho khai thác mủ với năng suất đạt từ 1,2-1,5 tấn/ha. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết, trong số các hộ trồng cao su, có hộ ông Cao Nguyên Lâm ở xã Ea Bar trồng được gần 8ha, năng suất đạt từ 1-1,5 tấn mủ khô/ha/năm, thu nhập bình quân hàng năm từ 300-400 triệu đồng.

Riêng đối với cây sắn, do mấy năm gần đây được giá nên bà con mở rộng diện tích lên gần 6.000ha, năng suất bình quân 18,5 tấn/ha. Tuy nhiên, huyện Sông Hinh không khuyến khích mở rộng diện tích loại cây trồng này vì làm đất dễ bạc màu, đồng thời ra chủ trương giảm diện tích xuống 5.000ha, đủ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy tinh bột sắn. Số diện tích sắn cắt giảm sẽ được chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác.

Trong phát triển chăn nuôi, nghề chăn nuôi bò cũng là thế mạnh của huyện Sông Hinh. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh, huyện cũng đã thành công bước đầu trong lai tạo đàn bò và đến nay tổng đàn bò đã lên đến hơn 20.000 con, trong đó bò lai chiếm 23%. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh khẳng định, nghề chăn nuôi bò đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn như Sông Hinh, Ea Lâm, Ea Bar, Ea Trol, Ea Ly... Hiện nay, mỗi địa phương có từ 1.200 đến hơn 1.800 con bò.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nguy cơ phát triển mạnh
Thứ Bảy, 17/03/2012 07:30 SA
Doanh nghiệp “đau đầu” vì lãi suất
Thứ Sáu, 16/03/2012 14:00 CH
Hơn 81% vốn từ người dân
Thứ Sáu, 16/03/2012 07:30 SA
Cần cải thiện môi trường đầu tư
Thứ Sáu, 16/03/2012 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek