Thứ Ba, 08/10/2024 01:29 SA
Trừ tạp chất trong sắn quá cao:
Nông dân bị thiệt
Thứ Bảy, 17/03/2012 14:10 CH

Hiện nay, người trồng sắn huyện Đồng Xuân đang đối mặt với giá thu mua rớt giá. Trong khi đó, trữ bột đạt thấp, nhà máy trừ tạp chất quá cao, khiến nhiều người “dở khóc, dở cười”.

san120317.jpg

Xe sắn sắp hàng chờ nhà máy - Ảnh: P.NAM

Đến thời điểm này, nông dân huyện Đồng Xuân đã thu hoạch được khoảng 2.500/3.700ha sắn, năng suất bình quân đạt hơn 18 tấn/ha. Tiến độ thu hoạch nhanh là do hầu hết các rẫy sắn đã già tuổi và gặp mưa. Hiện người dân đang tiếp tục ồ ạt nhổ sắn, trong khi đó nhà máy tiêu thụ không kịp, thu mua với giá thấp nên tình trạng ứ đọng sắn diễn ra ở hầu hết các cánh đồng, khiến nhiều nông dân lo lắng sợ trời mưa, sắn sẽ bị thối hàng loạt.

Vụ trước, giá sắn dao động từ 2.300-2.500 đồng/kg, trữ bột từ 28-30%, thì hiện tại sắn rớt giá chỉ còn trên dưới 1.400 đồng/kg với trữ bột từ 23-25%. Giá thấp, trữ bột hạ, trong khi đó Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân lại trừ tạp chất quá cao, làm nhiều nông dân lâm vào cảnh lao đao. Ông Huỳnh Long Vũ, ở thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) bức xúc: “Sau khi trừ bì, tôi còn gần 9,5 tấn sắn, bị nhà máy trừ tạp chất 40% (tương đương hơn 3,7 tấn), còn lại gần 5,7 tấn. Với trữ bột 25,2%, áp giá 1.438 đồng/kg, chỉ được gần 8,2 triệu đồng mà không hiểu nguyên nhân vì sao?”.

Tuy bị trừ tạp chất ít hơn nhưng ông Trịnh Minh Tiền cũng ở thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) tỏ ra không hài lòng, cho biết: “Sau khi trừ bì, tôi còn hơn 7,3 tấn, bị trừ tạp chất 16% (tương đương gần 1,4 tấn). Nhà máy giám định 25,5% trữ bột, áp giá 1.370 đồng/kg nên cũng chỉ thu được hơn 10 triệu đồng”. Theo ông Tiền, nhiều xe sắn bị nhà máy đánh giá tạp chất tới 65-80%, người dân tá hỏa nhưng không biết làm gì hơn, đành bấm bụng chở sắn đi đổ hoặc bán lại cho tư thương với giá “bèo”. Cụ thể như hộ ông Nguyễn Mẫu ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cân được 8 tấn sắn, nhà máy đánh giá tỉ lệ tạp chất 65%. Nhiều người dân cho biết, năm ngoái nhà máy chỉ trừ tạp chất từ 6-7%, trữ bột cũng cao hơn, nhưng không hiểu tại sao năm nay sắn già tuổi, được mùa, ít bị ngập úng mà lại bị trừ tạp chất cao đến “chóng mặt”, trữ bột cũng bị hạ thấp thảm hại.

Do ở xa nhà máy và vận chuyển khó khăn nên không ít diện tích sắn của nông dân ở huyện Đồng Xuân được bán cho các tư thương ngay tại ruộng theo giá thỏa thuận, sau đó chở về nhà máy, hoặc vận chuyển đi tiêu thụ ở các nơi. Hiện sắn đã già tuổi, trong khi đó giá và trữ bột quá thấp, trừ tạp chất cao, lại bị thương lái ép giá khiến nhiều hộ lâm vào cảnh lao đao.

Ông Huỳnh Văn Đồng, Phó giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân cho biết: Thời gian gần đây trời có mưa, trong khi đó sắn đã già tuổi, nông dân nhổ tự phát vận chuyển ồ ạt về nhà máy dẫn đến ứ đọng, sắn không đạt chất lượng. Do lượng sắn thối và tạp chất quá lớn nên có ngày nhà máy không thể chạy hết công suất. Vì vậy nếu tỉ lệ sắn thối trên 50% (dưới 20% độ bột) sẽ không nhập. Tuy nhiên, nhà máy vẫn luôn chia sẻ khó khăn với nông dân trong điều kiện cho phép để họ có điều kiện tái đầu tư trồng trọt cung cấp nguyên liệu, có trường hợp, nhà máy phải chi tiền hỗ trợ vận chuyển do sắn bị thối gần như hoàn toàn”.

Hiện nay, giá thu mua sắn tại Nhà máy sản xuất tinh bột sắn huyện Đồng Xuân khoảng 1.600 đồng/kg cho sắn 30% trữ bột, thấp hơn từ 800-900 đồng/kg so với vụ trước. Theo ông Đồng, việc trừ phần trăm tạp chất đều được thỏa thuận với nông dân, trên cơ sở cứ 10 tấn sắn chọn ngẫu nhiên từ 100-200kg, sau khi rửa, phân loại cùi, rễ… mới xác định tỉ lệ tạp chất. Nếu tỉ lệ tạp chất trên 10% đều được làm biên bản thỏa thuận. Từ đầu vụ đến nay có hơn 10 xe sắn bị trừ tạp chất từ 40-50%.

Ông Đồng cho biết thêm, năm ngoái sắn trong vùng nguyên liệu của nhà máy không đủ nên phải thu mua tại nhiều vùng lân cận. Hiện nay, lượng sắn nhập về quá lớn, có ngày lượng sắn nhập về gần 1.000 tấn, trong khi đó công suất của nhà máy quá nhỏ, không thể tiêu thụ kịp, hiện tại nhà máy đã chạy hết công suất 130 tấn bột/ngày, tương đương với 450 tấn sắn củ vẫn không kịp tiêu thụ nguyên liệu cho nông dân. Mặc dù nhà máy đi vào hoạt động từ ngày 18/8/2011, trước 20 ngày so với vụ trước và đến thời điểm này đã tiêu thụ hơn 18.000 tấn sắn nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sắn của nông dân, nên dự kiến đến tháng 7 mới kết thúc vụ mùa, chậm hơn khoảng 1 tháng so với vụ trước. Hiện nhà máy không thể nâng công suất do thiếu mặt bằng, lại dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu và cơ cấu cây trồng của tỉnh. Để hoạt động có hiệu quả, giải phóng tình trạng tồn đọng sắn như hiện nay, công suất của nhà máy phải đạt ít nhất 200 tấn bột/ngày, tương đương với 800 tấn sắn củ.

 

PHƯƠNG NAM - HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek