Mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ từ đầu tháng 2 và có xu hướng tiếp tục giảm khi Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất tiền gửi VND còn 13%/năm. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thể tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng.
Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng - Ảnh: L.HẢO
KHÓ TIẾP CẬN VỐN VAY GIÁ RẺ
Trước khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định hạ lãi suất tiền gửi, nhiều ngân hàng thương mại có tình hình tài chính lành mạnh đều công bố giảm lãi suất đối với những gói tín dụng lớn nằm trong bốn nhóm ưu tiên là cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một số ít doanh nghiệp được đánh giá tín nhiệm cao, có vốn và tài sản đảm bảo lớn mới dễ dàng vay với lãi suất thấp. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi vẫn phải vay với lãi suất cao, thậm chí không thể tiếp cận vốn vay vì điều kiện về báo cáo tài chính, tài sản thế chấp, phương án kinh doanh… của các đơn vị này khó đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng, có thể bị “đánh rớt” ngay từ vòng thẩm định dự án.
Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH chế biến, xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hưng ở TX Sông Cầu cho biết: “Lúc mới thành lập, công ty chưa có nhiều tài sản thế chấp nên rất khó vay vốn. Ngân hàng chỉ mới chấp nhận cho doanh nghiệp vay cách đây hơn nửa năm với lãi suất 17%/năm, tuy nhiên cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu vốn. Là công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản, vào vụ thu mua, có những lúc doanh nghiệp phải vay “nóng” bên ngoài với lãi suất 4-5%/tháng để có tiền trả cho khách hàng”. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên, nghịch lý là doanh nghiệp cần vốn nên mới tìm đến ngân hàng, trong khi đó, ngân hàng lại quá đặt nặng khả năng tài chính của doanh nghiệp. Chính sự lẩn quẩn này khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Trong giai đoạn hiện nay, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất cần thiết. Đặc điểm của đối tượng vay này là có vốn sở hữu thấp, ít tài sản thế chấp, nếu không có sự tài trợ của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khó cầm cự qua cơn bĩ cực. “Ngân hàng cần ưu tiên cho vay các dự án mở rộng quy mô sản xuất với các nguồn vốn trung và dài hạn để doanh nghiệp có thêm thời gian kinh doanh, kiếm tiền trả lãi ngân hàng. Đặc biệt, cần xem xét cho doanh nghiệp vay dựa trên cơ sở phương án sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, không nên cứng nhắc dựa trên tài sản thế chấp, quy mô vốn... Nếu doanh nghiệp xuất trình được hợp đồng bán hàng cho các đối tác có uy tín, thương hiệu lớn, khả năng thanh toán vốn tốt, thì các ngân hàng nên căn cứ vào đó để linh hoạt cho vay với hạn mức hợp lý”, ông Dũng nói thêm.
CHỜ LÃI SUẤT TIẾP TỤC GIẢM
Toàn tỉnh hiện có 1.680 doanh nghiệp đang hoạt động, hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. Khoảng 80% trong số đó được vay vốn ngân hàng với lãi suất phổ biến từ 17-19%. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Với mức lãi suất cho vay như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ dám vay ít để hoạt động cầm chừng, chủ yếu để duy trì sản xuất chứ không dám nghĩ đến lợi nhuận. Hiện chi phí nguyên liệu đầu vào, điện, nước; tiền lương cho công nhân… đều tăng nhưng giá bán sản phẩm vẫn không thay đổi. Nếu doanh nghiệp phải gánh thêm lãi suất cao sẽ khó khăn thêm bội phần.
Từ 13/3, trần lãi suất huy động giảm 1%/năm, dẫn đến việc các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, trong thời gian tới, Ngân hàng Đông Á chi nhánh Phú Yên sẽ giảm 1% lãi suất cho vay các đối tượng ưu tiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Còn khách hàng của Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Phú Yên có thể được vay với lãi suất phổ biến 15-17%. “Việc giảm lãi suất là rất quan trọng nhưng vẫn còn quá cao đối với doanh nghiệp. Mức lãi suất hợp lý mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được vào khoảng 10-12%”, ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến, xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hưng nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, trong thời điểm tiếp cận vốn còn khó khăn thì các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc, sử dụng nguồn vốn tiết kiệm và hiệu quả; trường hợp thật cần thiết mới vay vốn ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần cắt bỏ đầu tư tràn lan, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực chuyên sâu của mình. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo vốn tự có để sản xuất, kinh doanh, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn ngân hàng. Về phần mình, các tổ chức tín dụng sẽ xây dựng đội ngũ thẩm định dự án chuyên nghiệp, chính xác, trung thực để rót vốn đúng chỗ, không ảnh hưởng đến cơ cấu nợ và ngân hàng sẽ mạnh dạn cho vay hơn.
LÊ HẢO