Đúng 14 giờ hôm qua (18/11), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã bắt đầu phiên họp thứ nhất của Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC-14 .
Toàn cảnh phiên họp kín Hội nghị AELM 14 - Ảnh Website Chính phủ
30 phút trước giờ khai mạc, tại Đại sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch APEC 2006, đã chủ trì lễ đón, lần lượt bắt tay chào mừng các Trưởng đoàn thành viên APEC đến dự họp : Thủ tướng Australia John Howard; Quốc vương Brunei Darusalem Haji Hassanal Bolkiah; Thủ tướng Canada Stephen Harper; Tổng thống Chi-lê Michelle Bachelet; Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào; Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc Tăng Âm Quyền; Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; Tổng thống Hàn Quốc Roh Moh-hyun; Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi; Bộ trưởng Kinh tế Mexico Sergio Alejandro Garcia De Alba Zepeda; Thủ tướng New Zealand Helen Clark; Thủ tướng Papua New Guinea Michael Thomas Somare; Phó Tổng thống Thứ nhất Peru Luis Giampietri; Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo; Tổng thống Nga Vladimir Putin; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; Chủ tịch Công ty Sản xuất thiết bị bán dẫn Đài Bắc, Trung Quốc Morris Chang; Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont và Tổng thống Mỹ George W.Bush.
Ngay sau lễ đón, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã tiến hành phiên họp kín thứ nhất, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Với chủ đề “Đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong một thế giới đang thay đổi”, trong phiên họp kéo dài gần hai giờ, các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thảo luận về thúc đẩy vòng đàm phán phát triển Doha, các thỏa thuận tự do thương mại song phương và khu vực (RTAs/FTAs), Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện lộ trình Busan và các biện pháp thúc đẩy mục tiêu Bogor.
Kết thúc phiên họp, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố riêng về Vòng đàm phán
Sau phiên họp kín, các nhà Lãnh đạo đã có phiên đối thoại kéo dài một giờ với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).
Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, Chủ tịch APEC 14 Nguyễn Minh Triết khẳng định “cơ chế đối thoại cởi mở và hợp tác chặt chẽ giữa các vị lãnh đạo và giới doanh nghiệp là một nhân tố không thể thiếu” và “cuộc đối thoại hôm nay là cơ hội quý báu để chúng ta trao đổi sâu thêm nhằm thúc đẩy hợp tác, hình thành tầm nhìn APEC tới 2020”.
Chủ tịch nhấn mạnh, trong 17 năm tồn tại và phát triển, APEC đã tỏ ra là một diễn đàn đầy sức sống, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phồn vinh và hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên nhằm mục tiêu “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, để duy trì được sự phát triển bền vững trong tương lai, các nền kinh tế thành viên cần thắt chặt hơn nữa sự hợp tác về kinh tế và kỹ thuật theo hướng tự do hoá thương mại và đầu tư, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương bình đẳng, cùng có lợi, hoàn thiện hoạt động của APEC.
Ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch ABAC 2006 cho biết, các thành viên của ABAC đã trình bày với các nhà lãnh đạo 6 vấn đề, gồm giải pháp thúc đẩy vòng đàm phán Đôha; Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); an ninh năng lượng; phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển thị trường vốn và hợp tác khoa học kỹ thuật.
Các thành viên ABAC Việt Nam cũng đã đối thoại về những hành động của Chính phủ Việt Nam sau khi tham gia WTO để đẩy nhanh vòng đàm phán Đôha cũng như đẩy nhanh tự do hoá mậu dịch, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại trong khu vực.
Tối qua (18/11), tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, các nhà Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC dự chiêu đãi do Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Phu nhân chủ trì.
Theo TTXVN, VNN