Quy mô chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phú Hòa còn nhỏû bé so với tiềm năng, chất lượng nông sản chưa cao nên khả năng cạnh tranh còn kém, kỹ thuật canh tác còn mang nặng tính sản xuất truyền thống, áp dụng giống mới còn hạn chế. Dự án “Ứng dụng Khoa học công nghệ (KHCN) để xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm” nhằm giải quyết những bất cập đó.
Ong Nguyễn Siêng, Phòng Kinh tế huyện Phú Hòa cho biết: “Qua theo dõi nhiều năm, chúng tôi thấy mô hình lúa đông xuân – đậu xanh xuân hè – lúa hè thu trên đất 2 lúa và mô hình dưa hấu đông xuân – mè xuân hè – ngô lai thu đông cho doanh thu ổn định, sản xuất bền vững, cải thiện được môi trường, nâng cao độ phì của đất, dễ áp dụng và có khả năng nhân ra diện rộng. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình luân canh, xen canh trong nông nghiệp theo mục tiêu cánh đồng doanh thu 50 triệu đồng/ha/năm hiện nay của Phú Hòa nên theo công thức: từ lúa – lúa sang lúa – đậu xanh – lúa”.
Áp dụng KHCN vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng. Trong ảnh: Trồng khổ qua phủ bạt ở Phú Hòa – Ảnh: M.CHÂU
Huyện Phú Hòa đã xây dựng chiến lược “chuyển dịch cơ cấu cây trồng giai đoạn 2006 – 2010” với định hướng nổi bật là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá thế độc canh cây lúa bằng phương án xen canh, luân canh, tăng vụ các loại cây thực phẩm, cây màu có giá trị kinh tế cao nhằm tăng thu nhập trên đơn vị đất canh tác. Tuy nhiên, khi đi vào triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn về các giải pháp thực hiện, trong đó, khó khăn nhất là về giải pháp khoa học công nghệ (KHCN) như chọn thời vụ canh tác nào hợp lý? Đối tượng cây trồng nào? Giống dùng để sản xuất có phù hợp không? Phương thức xen canh gối vụ ra sao?... Vì thế, dự án “Ứng dụng KHCN để xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu/ha/năm” đang được triển khai cho huyện Phú Hòa có thể phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp của cả Phú Yên nói chung.
Mục tiêu của dự án là xây dựng được các mô hình chuyển đổi cơ cấu từ lúa – lúa sang lúa – đậu xanh – lúa theo hướng sản xuất bền vững và đạt doanh thu 50 triệu/ha/năm, lãi ròng từ 20 triệu đồng/ha/năm trở lên, xây dựng được các mô hình chuyển đổi cơ cấu từ mía quản canh sang dưa hấu phủ bạt – mè vàng – ngô lai theo hướng sản xuất bền vững và đạt doanh thu 50 triệu đồng/ha/năm, lãi ròng từ 35 triệu đồng /ha/năm trở lên. Dự án sẽ đào tạo 20 kỹ thuật viên là người địa phương nắm vững kỹ thuật sử dụng giống mới và quy trình thâm canh lúa, đậu xanh, dưa hấu, ngô lai, mè để làm nòng cốt cho địa phương sau khi dự án kết thúc. Đồng thời, dự án còn mở nhiều lớp tập huấn và hội nghị, hội thảo đầu bờ cho bà con nông dân để chuyển giao ứng dụng KHCN trong sản xuất.
1.062 HA ĐẤT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ĐẠT GIÁ TRỊ TRÊN 50 TRIỆU/HA/NĂM Sáng 16/11, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Phú Yên đã tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện nâng cao sản xuất và cánh đồng 50 triệu/ha/năm. Theo báo cáo hội nghị, hiện toàn tỉnh có 1.062 ha đất sản xuất đạt hiệu quả từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên, số hộ nông dân có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm là 2.137 hộ. Nhiều địa phương đã lập dự án, triển khai trên diện rộng chương trình 50 triệu/ha/năm như Phú Hòa, Tây Hòa, TP Tuy Hòa... Tuy nhiên, hiện đầu mối tiêu thụ nông sản không ổn định, thị trường chỉ bó hẹp trong tỉnh đang là những trở ngại cho chương trình này. Trong kế hoạch, năm 2007, ngành nông nghiệp đề ra việc mở rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao như: luân canh rau (trên 100 triệu/ha/năm), hoa cây cảnh (150 – 200 triệu/ha/năm), trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, thuốc lá vàng sấy, luân canh một vụ lúa 2 vụ màu... LY KHA
Phòng Kinh tế huyện Phú Hòa chọn xã Hòa An là xã đồng bằng đại diện cho vùng độc canh cây lúa và xã Hòa Hội có đất màu đại diện cho các xã vùng núi để làm điểm ứng dụng các giải pháp KHCN để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tăng hệ số sử dụng đất nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất canh tác. Ông Nguyễn An một nông dân ở xã Hòa An phấn khởi: “Chúng tôi đã chuyển đổi cây trồng trên đất hai lúa theo hướng xen canh: dưa leo – đậu xanh – khổ qua – lúa… và đã thu được 40 – 50 triệu/ha/năm, tỉ lệ lãi 40 – 50%. Tuy nhiên, việc áp dụng KHCN vào sản xuất chưa có nên việc duy trì mô hình còn khó. Tham gia dự án này, chúng tôi rất mừng và hy vọng sẽ thu lại kết quả cao”.
Thực hiện dự án sẽ giúp giảm độc tố trong đất do độc canh cây lúa gây ra, trồng những cây họ đậu cải tạo đất, tăng độ phì của đất, sản xuất bền vững hạn chế được sử dụng thuốc hóa học trong nông nghiệp, giảm được sâu bệnh và cải thiện môi trường.
Với các mô hình luân canh, xen canh, tăng vụ ngoài việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững theo hướng lâu dài còn mang lại lợi ích kinh tế: tăng thu nhập bình quân 1 ha từ 25 triệu đồng lên 50 triệu đồng, góp phần phát huy nội lực, từng bước làm giàu tại chỗ của nông dân, khơi dậy tiềm năng đất đai, lao động, vốn, kỹ thuật và tạo được khuôn mẫu để đông đảo nông dân làm theo.
Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Nguyễn Văn Dũng cho rằng: “Dự án ứng dụng các giải pháp KHCN xây dựng mô hình cánh đồng đạt doanh thu 50 triệu đồng/ha/năm tại huyện Phú Hòa là dự án có tính khả thi cao và có khả năng nhân rộng trên địa bàn huyện Phú Hòa nói riêng và cả Phú Yên nói chung”.
MINH CHÂU