Sáng 17/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC 2006 (CEO Summit) chính thức khai mạc và diễn ra đến ngày 18/11. Chủ đề chính của hội nghị năm nay là “Hướng tới một cộng đồng: Tạo những cơ hội mới để cùng phát triển”.
Theo VOV, đây là hội nghị CEO Summit lớn nhất trong lịch sử APEC với số lượng đại biểu lên đến hơn 1.100 người, trong đó nhiều lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC 2006 thu hút hơn 1.100 đại biểu là doanh nhân khu vực châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh: VOV
TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THÔNG THOÁNG NHẤT CHO CÁC DOANH NGHIỆP
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết có bài phát biểu khai mạc hội nghị với chủ đề “Xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương: Những thách thức đối với APEC”. Trong bài phát biểu này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Với 2,6 tỉ dân, chiếm khoảng gần 60% sản lượng và gần 50% thương mại toàn cầu, sự phát triển của kinh tế khu vực APEC tác động sâu sắc nếu như không nói là có ý nghĩa quyết định tới nền kinh tế thế giới. Chúng ta có đầy đủ căn cứ để hài lòng rằng, trong những năm qua kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chẳng những đã phục hồi, lấy lại được phong độ vốn có của mình mà còn tăng trưởng rất khả quan. Một trong những nhân tố tạo nên sự năng động ấy là sự hợp tác ngày càng gia tăng trong khuôn khổ APEC về thương mại, đầu tư, kinh tế, kỹ thuật vv… mà các nhà doanh nghiệp đứng đầu ở vị trí trung tâm”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, các nền kinh tế của APEC cũng đang đứng trước thách thức và đòi hỏi phải thắt chặt hợp tác, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để ứng phó, duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững.
Với tư cách là lãnh đạo nước đăng cai Hội nghị APEC 14, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói rằng, nhờ đường lối đổi mới về mọi mặt được phát động đúng vào 20 năm trước đây, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, xã hội ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt, ngày 7/11 vừa qua, Việt
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC KINH TẾ GIỮA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG KHU VỰC
Theo TTXVN, trong ngày làm việc đầu tiên, một số lãnh đạo các nền kinh tế đến tham dự và phát biểu tại hội nghị. Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào có bài phát biểu với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương: APEC có thể làm gì để cùng phát triển?”. Bài phát biểu của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono có nhan đề “Những giải pháp hiện tại có phù hợp với những đe dọa an ninh kinh tế trong tương lai?”. Tổng thống Chile Michelle Bachelet và Thủ tướng New Zealand Helen Clack cùng tham gia đối thoại về chủ đề “Duy trì cải cách kinh tế: Những thách thức đối với Chính phủ và doanh nghiệp”. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có bài phát biểu với chủ đề “Thu hút thành công đầu tư trực tiếp nước ngoài” và Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont có bài phát biểu với chủ đề “Thách thức của đầu tư trực tiếp nước ngoài: góc nhìn từ Thái Lan”.
Sau phiên khai mạc, APEC CEO Summit có 15 phiên thảo luận về các vấn đề hợp tác kinh tế, đầu tư, xây dựng môi trường kinh doanh, về sáng tạo, các khó khăn thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển. CEO Summit lần này tiến hành bàn thảo và xác định 7 ưu tiên là: Tăng cường hợp tác để thúc đẩy thương mại và đầu tư, ủng hộ vòng đàm phán Doha, thực hiện lộ trình Busan; Nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nâng cao năng lực hội nhập thông qua phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin và thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển; Nâng cao an ninh con người; Chống tham nhũng; Liên kết các thành viên APEC thông qua du lịch và văn hoá; Cải cách APEC hướng tới một cộng đồng năng động và hiệu quả.
HOÀI THƯƠNG (tổng hợp)