* Bài 2: Phân xưởng cồn Nhà máy Đường Tuy Hòa: Mới sản xuất thử nghiệm đã phải điều chỉnh
* Bài 3: Bất an môi trường xung quanh hai nhà máy sắn
Hiện chỉ có mỗi một KCN Hòa Hiệp xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, còn lại hầu hết các cơ sở sản xuất, gồm các KCN, các cụm công nghiệp đều chưa có hệ thống xử lý nước thải theo đúng qui định.
QUÁ NHIỀU CƠ SỞ SẢN XUẤT CHƯA CÓ HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI
Phú Yên đã và đang xây dựng 8 cụm công nghiệp (CCN) Hòa An, Tam Giang, thị trấn Hai Riêng, thị trấn Sông Cầu, TP Tuy Hòa, thị trấn La Hai, thị trấn Ba Bản, Bàn Nham. Trong đó có hơn phân nửa CCN xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động sản xuất. Thế nhưng, theo Sở TN-MT, hiện nay, chưa có CCN nào xây dựng được hệ thống xử lý nước thải chung! Nếu thực trạng này không sớm được khắc phục, thì việc các nhà máy xả thải ra môi trường tự nhiên (như CCN Hòa An) là điều khó có thể tránh khỏi.
Trạm xử lý nước thải với công suất 6.000 m3/ngđ đã hoàn thành theo tiêu chuẩn TCVN 5945-1995
Theo Phó ban quản lý các khu công nghiệp Huỳnh Xuân Minh, hiện nay, chỉ có mỗi khu CN Hòa Hiệp là có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. KCN An Phú nằm cạnh các khu dân cư ở phía bắc TP Tuy Hòa, với 12 nhà máy sản xuất, chế biến công nghiệp (trong đó có 3 nhà máy chế biến thủy sản) đã đi vào hoạt động xả thải khoảng 100m3 nước/ngày đêm. Dự kiến KCN này thu hút thêm 14 nhà máy nữa. KCN Đông Bắc Sông Cầu đã có 10/20 nhà máy đi vào hoạt động. Với số lượng nhà máy ở hai KCN lớn như thế, thì cũng đồng nghĩa thải ra một lượng lớn chất thải, vậy nhưng hai KCN này vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung.
Không chỉ dừng lại ở các CCN, KCN, theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Kim Phúc, hiện nay, hầu hết các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có báo cáo riêng về đánh giá tác động môi trường (Đ.T.M), nhưng không thực hiện đầu tư hoặc có đầu tư hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn chỉnh.
NHẬN THỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA CHỦ ĐẦU TƯ...… CHƯA CAO!
Về mặt nguyên tắc, thì chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng như ĐTM.Thế nhưng hầu hết các chủ đầu tư đều không thực hiện không đến nơi đến chốn.
Nhiều CCN và KCN đã đi vào hoạt động từ lâu, nhưng đến nay dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn… nằm trên giấy, là do các cơ sở, nhà máy trong các CCN và KCN đã có báo cáo đánh giá Đ.T.M, nhưng có đơn vị thực hiện tốt, có những đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện từng phần. Vì thế thiếu đồng bộ nên chưa thể xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung. Nguyên nhân này do nhiều nhà đầu tư thiếu vốn; song phổ biến nhất, là do nhận thức về môi trường của chủ đầu tư… chưa cao, nên chỉ chú trọng đầu tư vào sản xuất, còn việc xử lý môi trường thì từ từ xây dựng(!)
Phó ban quản lý các khu công nghiệp Huỳnh Xuân Minh nêu lý do, hạ tầng các KCN đều xây dựng bằng vốn trích từ ngân sách tỉnh, nên rất khó khăn trong huy động vốn để xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải. Đối với KCN An Phú, dự án trạm xử lý nước thải được lập năm 2004, dự kiến vốn đầu tư hơn 5,8 tỷ đồng. Nhưng đến nay, chưa được thiết kế xây dựng, vì thiếu vốn và liên quan đến việc phải xem xét lại việc giảm hay không giảm quy mô xây dựng nhà máy ở KCN này. Đối KCN Đông Bắc Sông Cầu, đến nay Chính phủ vẫn chưa phê duyệt dự án thành lập KCN này nên gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng (trong đó có hạng mục xây dựng trạm xử lý nước thải)… Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường chung, Ban quản lý các KCN và Sở TN-MT chỉ còn cách thường xuyên phối hợp kiểm tra, nhắc nhở và vận động các nhà máy trong KCN phải tự khắc phục và điều chỉnh xử lý chất thải đừng để gây ô nhiễm xung quanh…
Có thể thấy rằng, hàng loạt các CCN, KCN, nhà máy sản xuất công nghiệp còn quá xem nhẹ yếu tố xử lý chất thải. Vì thế, không thể không đặt câu hỏi: Vì sao việc vi phạm bảo vệ môi trường ở các cơ sở công nghiệp trở nên phổ biến và kéo dài như vậy? Và đâu là giải pháp để giải quyết tình trạng này?
TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA