Thứ Năm, 28/11/2024 13:46 CH
“Xẻ thịt” rừng để tìm trầm và những hệ lụy
Bài 2: Rừng bị tàn phá... hiểm họa khôn lường
Thứ Tư, 31/08/2011 14:00 CH

 

Hàng nghìn héc ta rừng đang bị tàn phá, nhiều cây gỗ quý đường kính lớn bị cắt rễ, bật gốc nằm la liệt. Trầm đâu chưa thấy, nhưng đã nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp lãnh địa, dẫn đến ẩu đả và nguy hại hơn, người dân vùng hạ lưu sông Kỳ Lộ có thể sẽ phải gánh chịu thiệt hại khi mùa mưa bão đến.

T14110831.jpg

Nhiều cây gỗ lớn bị hạ gục chắn ngang đường - Ảnh: P.NAM

RỪNG GIÀ KÊU CỨU

 

Chỉ có một con đường qua Trạm quản lý, bảo vệ rừng Chín Bếp (Trạm Chín Bếp) để vào rừng Suối Lạnh và Chín Cụm (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân). Từ trạm Chín Bếp lên đỉnh núi gần 10km, đường toàn đá cuội đi lại khó khăn, thế nhưng các phu trầm vẫn phóng xe bạt mạng. Một phu trầm bị gãy nhún xe phải “đôn” bằng cây gỗ chia sẻ: “Còn gì trên đó nữa mà lên hả mấy ông anh? Rừng băm đi băm lại hàng chục lần rồi, đất nhuyễn như tương. “Đây” ăn dầm, nằm dề cả chục ngày nay rồi có được gì đâu, lương thực hết, xe hư, giờ rút cho xong chuyện”. Trên đường đi, âm thanh máy cưa lốc, tiếng cây ngã đổ vang vọng nghe chát chúa. Anh bạn dẫn đường cho hay, trước đây, phu trầm chỉ cần đào bới lớp đất mặt là có thể may mắn gặp trầm, nhưng do cuốc đi cuốc lại nhiều lần, trầm bì trên bề mặt không còn, giờ họ moi sâu trong lòng đất, thậm chí dùng rìu, cưa lốc cắt rễ cây đại thụ để tìm trầm, lật tung cả rừng già.

 

Men theo con đường mòn ngược lên đồi Chín Cụm khoảng 3km, chúng tôi bắt gặp rất nhiều cây cổ thụ bị hạ gục nằm ngổn ngang, chắn cả lối đi. Nhiều người không mang theo “đồ nghề”, mà dùng phương pháp đốt, hun than dưới gốc cho cây cháy dần rồi tự ngã đổ để tìm trầm. Sâu trong rừng, phu trầm “mở” hàng trăm ngóc ngách, dựng lán trại ăn ở tại chỗ để phá rừng tìm trầm. Anh bạn dẫn đường cho biết thêm, trước đây người dân Đồng Xuân chỉ dùng cuốc xẻng bới đất, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người từ các địa phương khác đến dùng rựa, cưa lốc cắt tiện rễ, hạ đổ cây đại thụ không thương tiếc. Những cây gỗ lớn này có thể sẽ được hợp thức hóa tận thu trong nay mai. Chưa hết, lợi dụng sự mất an ninh các khu rừng, nhiều đối tượng “tranh thủ” khai thác gỗ thông đỏ và một số loại gỗ quý khác, rồi

tìm cách vận chuyển ra khỏi rừng. Anh N.V.T cho hay, đã xuất hiện một số bãi tập kết gỗ thông đỏ có tổ chức ở rừng Trại Tôn, Hòn Giống, nhưng nhiều nhất là rừng Trại Trứng. Sau đó các “chủ gỗ” thuê xe âm thầm vận chuyển qua đường trại Rọt Rẹt dồn về ngã 3 Chín Bếp để vận chuyển đi các nơi bằng ôtô. Bên cạnh đó, không ít người tìm trầm thất bại, trước khi xuống núi cũng tranh thủ chặt, đào những sản phẩm của rừng mà chỉ ở những khu rừng cao mới có như cây mật nhân, sâm rừng hoặc cây sơn lai về vót đũa...

Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân Nguyễn Lộc thừa nhận, nạn cày xới đất rừng tìm trầm diễn ra hết sức phức tạp. Ban đầu nạn phá rừng chỉ tập trung tại rừng Suối Lạnh, nhưng hiện nay lan nhanh ra cả một vùng rừng núi rộng hàng nghìn héc ta. Đối tượng tìm trầm là người dân trong huyện và các huyện Tuy An, TX Sông Cầu, Đông Hòa, Sơn Hòa còn có cả dân của huyện Vân Canh (Bình Định)…

T12110831.jpg

Rừng bị băm đi băm lại để tìm trầm - Ảnh: P.NAM

HIỂM NGUY TỪ NHỮNG CÁNH RỪNG

Tuy đã được các ngành chức năng cảnh báo, không cho phép giữ xe, nhưng tại trại này có hàng trăm chiếc môtô được “cất giữ” cẩn thận như một bãi giữ xe chuyên nghiệp. Giá giữ mỗi xe máy là 5.000 đồng và 5.000 đồng “lệ phí” qua cầu treo tạm bợ do chủ trại xây dựng. Một phu trầm cho biết: “Cách đây một tháng, có người thất bại trở ra tay trắng, túi không còn một đồng, đành khất nợ tiền xe, nhưng chủ trại không đồng ý, nên đã xảy ra xô xát”.  

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng tham gia đào bới đất tìm trầm đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự mất an ninh do tranh dành giữa các phu trầm. Anh T.V.T, người tham gia tìm trầm tại rừng Chín Cụm cho hay, ngoài lương thực, thực phẩm, dụng cụ và hành lý, hầu hết những người đi trầm đều mang theo rất nhiều rượu, bài để “giải mỏi” hoặc ăn mừng khi trong nhóm có người may mắn trúng trầm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến xích mích, ẩu đả. Và thực tế đã có nhiều vụ đánh nhau gây thương tích.

Tại các khu rừng Làng Cát, Chăng Băng, Chăng Quay thuộc xã Xuân Lãnh giáp ranh với tỉnh Bình Định, nạn phá rừng tìm trầm càng “nóng” hơn. Các đối tượng bất chấp hiểm nguy, phân vùng lãnh địa “độc quyền” tàn phá rừng. Nhiều vụ tranh chấp “lãnh thổ” giữa những phu trầm Phú Yên và Bình Định đã xảy ra. “Cách đây khoảng một tháng, tại rừng Chăng Bay đã xảy ra một vụ ẩu đả giữa hai nhóm phu trầm người Phú Yên và Bình Định do tranh giành lãnh địa, hậu quả một người bị chém xả vai, may mà được cấp cứu kịp thời mới khỏi mất mạng”, anh T.V.T tiết lộ.

Theo những người đi trầm, hiện nay tại các khu rừng giáp ranh đã xuất hiện nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” rất hung tàn, trong đó có cả đối tượng có tiền án, tiền sự núp bóng phu trầm lẩn trốn pháp luật. Những băng nhóm này tự khoanh vùng và cho mình quyền “thống lĩnh” rừng trầm, bất khả xâm phạm, sẵn sàng xử lý theo “luật rừng” với những đối tượng từ nơi khác đến. Thậm chí chúng còn bắt người trúng trầm phải “lại quả” mới “cấp lệnh” ra vào rừng. Không ít người muốn “ẵm” trọn gói đã bị chúng hành hung buộc chung tiền mới được yên thân.

Điều đáng lo ngại là các khu vực người dân đổ xô chặt phá rừng tìm trầm lại là rừng phòng hộ đầu nguồn các con sông Trà Bương, Kỳ Lộ. Tình trạng băm tới, xẻ lui, dẫm nát rừng già đã làm cho hệ thực vật dưới tán rừng bị hủy hoại. Hậu quả đất đai sẽ bị xói mòn khi có mưa lớn và chuyện tái hiện cơn lũ lịch sử đầu tháng 11/2009 tàn phá xóm làng, cướp đi sinh mạng hàng chục người dân ven sông Kỳ Lộ là điều có thể xảy ra.

Bài 3: Giải cứu rừng trầm

PHƯƠNG NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek