Ngư dân cần có những thông tin cần thiết về ngư trường, mùa vụ, nguồn lợi, khả năng khai thác… từ đó góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương.
Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu trữ lượng, khả năng khai thác nguồn lợi cá nổi (chủ yếu là cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) và hiện trạng cơ cấu nghề nghiệp khu vực biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ”. Đây là những căn cứ khoa học cần thiết về tình hình nguồn lợi thủy sản, cơ cấu tàu thuyền và hiện trạng nghề khai thác cá nổi, đồng thời đưa ra các giải pháp vươn khơi thích hợp để đánh bắt hải sản có hiệu quả và phát triển nghề cá xa bờ bền vững.
Theo đề tài nghiên cứu, ngư trường khai thác chính của nghề câu cá ngừ là vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Các loài cá ngừ vằn (katsuwonus pelamis), cá ngừ chù (Auxis thazard), cá ngừ chấm (Euthynnus affinis) phân bố từ vĩ độ 60N đến 20000’N; cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) phân bố từ 6000’N đến 15000’N. Trữ lượng cá nổi lớn ở vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ ước tính vào khoảng 1.156.000 tấn, khả năng khai thác bền vững là 405.000 tấn, trong đó trữ lượng cá ngừ vằn khoảng 618.000 tấn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to vào khoảng 44.853-52.591 tấn; khả năng khai thác bền vững của cá ngừ vằn là 216.000 tấn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to khoảng 17.000 tấn.
Cá ngừ vằn là đối tượng khai thác chính của nghề lưới rê, sản lượng chiếm từ 56,3-79,2% tổng sản lượng chuyến biển, trong đó cá ngừ vằn chiếm 47,1-67,8% tổng sản lượng. Sự biến động năng suất đánh bắt của cá ngừ vằn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất đánh bắt chung của nghề lưới rê. Ngư trường cá gừ vằn thay đổi theo mùa khá rõ rệt, mùa gió tây nam cá ngừ tập trung ở vùng biển ven bờ từ Bình Định đến Khánh Hòa và vùng biển phía đông nam đảo Phú Quý. Mùa gió đông bắc, cá ngừ vằn tập trung ở vùng biển từ phía bắc Phú Yên đến bắc Ninh Thuận và khu vực biển khơi Bình Thuận. Ngư trường khai thác cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to trong mùa gió tây nam tập trung ở vùng biển khơi tỉnh Quảng Ngãi tới vùng khơi tỉnh Khánh Hòa và vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa. Trong mùa gió đông bắc, cá ngừ đại dương tập trung ở vùng biển khơi tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, phía đông đảo Phú Quý và phía tây quần đảo Trường Sa.
NGUYỄN KHẮC TÂN