Thứ Tư, 20/11/2024 14:05 CH
“Xẻ thịt” rừng để tìm trầm và những hệ lụy:
Bài 1: Đổ xô đi tìm trầm
Thứ Ba, 30/08/2011 07:30 SA

Tình trạng ồ ạt vào rừng tìm trầm ở xã Phú Mỡ và Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đang “nóng” lên từng ngày. Hàng nghìn người, đủ mọi thành phần “chiếm lĩnh” các ngọn núi, phân vùng để hoạt động. Hậu quả là hàng trăm héc ta rừng già bị triệt hạ không thương tiếc. Nhiều vụ tranh chấp, ẩu đả giữa các băng nhóm đã xảy ra, gây mất an ninh trật tự.

 

BÀI 1: Đổ xô đi tìm trầm

Xóm làng tĩnh lặng, những ngôi nhà vắng bóng đàn ông. Trên các cánh đồng mía, sắn, phụ nữ và trẻ em đội nắng cần mẫn chăm sóc ruộng đồng thay chồng, thay cha… Đó là toàn cảnh của các xã vùng cao ở huyện Đồng Xuân trong những ngày này.

 

T13110830.jpg

Điểm dừng chân trước khi vào rừng Chín Cụm, Suối Lạnh tại trại ông Đồng - Ảnh: P.NAM

THỰC HƯ CHUYỆN TRÚNG TRẦM

Từ cuối năm 2010 đến nay, liên tục xuất hiện tin đồn nhiều người dân ở huyện Đồng Xuân và các tỉnh lân cận trúng kỳ nam, trầm bì từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng ở các khu rừng thuộc xã Phú Mỡ và Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Hàng nghìn người dân, chủ yếu là dân lao động và một số cán bộ, đảng viên bỏ ruộng vườn, khăn gói vào rừng đào bới đất tìm trầm. Không ít phần tử đã vẽ chuyện, lừa gạt vợ con lên rừng làm kinh tế, sau đó tổ chức ăn nhậu, cờ bạc, gây ra nhiều mối nguy hại đối với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong số hàng nghìn người lên rừng tìm trầm, may mắn lắm cũng chỉ có một vài người trúng trầm trị giá vài chục đến hơn trăm triệu đồng. Ông N.N.D, người có thâm niên trong nghề trầm cho hay, tìm trầm không khác gì đánh bạc, lâu lâu mới có một người trúng vài chục triệu đồng. Thế nhưng, các đầu nậu thường sử dụng chiêu dựng hiện trường giả có người trúng đậm trầm để thu hút nhiều người cùng đến tìm. Do không am hiểu giá cả, chất lượng trầm, hầu hết người đi tìm trầm là nông dân, điều kiện kinh tế khó khăn nên khi trúng trầm thường bán ngay tại cửa rừng hoặc các điểm thu mua trên địa bàn xã Xuân Quang 1 với giá chỉ bằng 1/3 so với giá trị thực, theo sự dàn xếp “làm giá” của các đầu nậu.

Những người từng tìm trầm tại các cánh rừng ở xã Phú Mỡ và Xuân Lãnh cho biết, chỉ cần nghe một người nói có người trúng đậm trầm, là ngay sau đó hàng nghìn người khác kháo nhau. Mỗi người “đôn” lên một giá, nên từ giá trị ban đầu vài triệu đồng lên vài chục triệu, thậm chí lên đến tiền tỉ.

T4110830.jpg

Mỗi ngày có hàng trăm người vào rừng tìm trầm - Ảnh: P.NAM

GIA ĐÌNH SUY KIỆT

Trên các đồng mía, sắn ở huyện Đồng Xuân chỉ những người phụ nữ, trẻ em cần mẫn chăm sóc ruộng đồng. “Nó” đi đã bốn chuyến rồi, kéo dài gần một tháng ở tít trên núi cao kia, mà không thấy trầm đâu. Cả nhà dồn hết tiền bạc cho “nó” đi, mong sao sớm được đổi đời, thế mà... Chỉ còn vài sào sắn, hai mẹ con phải tự làm lấy, không thì biết lấy gì mà ăn” - La Mo Thị Mới ở thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1 buồn rầu nói về công việc tìm trầm của chồng mình.

Tại các thôn Phú Xuân A, Phú Xuân B (xã Xuân Phước), Kỳ Lộ (xã Xuân Quang 1) và một số thôn, buôn thuộc xã Xuân Lãnh của huyện Đồng Xuân, làng xóm gần như “vườn không, nhà trống”. Nhiều khu dân cư cửa đóng, vắng bóng đàn ông. Trước sân nhà, từng nhóm phụ nữ, trẻ em ngóng ra đường, mặt hướng về phía tây - nơi chồng và cha mình đang tìm trầm để chờ với mơ ước một lần được tận mắt nhìn thấy trầm bì để xóa đi nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống. Chị N.T.E ở xã Xuân Quang 1 chia sẻ: “Đây là chuyến thứ năm chồng tôi khăn gói lên núi tìm trầm, mỗi chuyến đi kéo dài một tuần, chi phí ít nhất cũng 300.000 đồng, nhưng lần nào cũng trở về tay không. Nhà cửa bỏ không, ruộng vườn không ai chăm nom, giờ đám trẻ tựu trường mà trong nhà chẳng còn gì. Chỉ mong sao chuyến này “ổng” về sớm, đi làm thuê kiếm tiền mua sách vở cho con đi học”.

Vừa “thoát ra” từ khu rừng Chín Cụm (xã Phú Mỡ), hai cha con ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Xuân Quang 1 rầu rĩ: “Nghe tin nhiều người trúng trầm, tuy mới học lớp 6 nhưng thằng con tôi cũng háo hức đi theo. Đã hơn một tuần nay lặn lội trong rừng, lương thực mang theo đã cạn kiệt mà không thấy trầm đâu, đành phải quay về. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối tôi vào rừng Phú Mỡ tìm trầm”. Ông Hậu cho biết thêm, ông tìm trầm ở một sườn đồi thuộc rừng Chín Cụm. Ở đó thường có hơn 200 người cùng tìm, nhiều người tìm cả tháng trời mà không có nổi một mẩu trầm, chứ đừng nói gì đến trúng đậm. Tuy thất vọng, nhưng một số người còn lương thực vẫn cố cầm cự nán lại vài ngày nữa để tìm vận may.

Việc thổi tin đồn trúng trầm còn khiến cho vụ mía vừa rồi, nhiều gia đình ở huyện miền núi Đồng Xuân không tìm được công thu hoạch, mùa màng bê trễ. Nhiều lò gạch, ngói cũng phải đóng cửa vì không có nhân công. Ông Tô Ngọc Hoàn, xã viên Hợp tác xã Phước Nhuận (xã Xuân Quang 3) cho biết, dù đã tăng tiền công làm đất lên 150.000 đồng/ngày, nhưng vẫn không tìm được nhân công. Nhiều gia đình đã rơi vào cảnh khốn đốn do vay mượn tiền để lo chi phí cho người nhà đi tìm trầm. Ông T.N.T ở xã Xuân Quang 3 bộc bạch: “Trước đây tôi làm thợ xây, thu nhập mỗi ngày 100.000 đồng, cuộc sống tương đối ổn định. Còn nay tôi đi tìm trầm, mỗi chuyến đi kéo dài 5-7 ngày, gói gém lắm chi phí cũng 500.000 đồng. Tôi đã đi 15 chuyến, chi phí “đội” lên bạc triệu, nhưng vận may vẫn chưa đến, gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn, phải bán lúa non để trang trải các khoản chi tiêu hàng ngày”.

Bài 2: Tàn phá rừng, hiểm họa khôn lường

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek