Tu hài là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, sống trong vùng nước mặn. Hiện nay, việc sản xuất giống nhân tạo đã thành công. Phần lớn tu hài được xuất khẩu sang Trung Quốc, một phần phục vụ du khách trong nước nên tu hài hiện có giá trị kinh tế cao.
Nhiều người dân đang đầu tư thả nuôi tu hài ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) - Ảnh: CTV |
Tu hài thích nghi và phát triển từ trung triều đến hạ triều cho tới độ sâu 10m, độ trong ổn định, tốc độ dòng chảy từ 0,2-0,5 m/s, chất đáy thích hợp là cát pha xác san hô hoặc mảnh vụn nhỏ nhuyễn thể. Tu hài là loài ưa sống ở vùng có độ mặn từ 25-450/00 và nhiệt độ từ 10-350C, khoảng nhiệt độ và độ mặn thích hợp nhất là từ 18-300C và 25-300/00. Tu hài là loài ăn theo phương thức lọc, thức ăn chủ yếu là tảo khuê. Khi nước triều lên, tu hài thò vòi lên mặt cát để xi phông lọc thức ăn. Thành phần thức ăn của tu hài chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật phù du trong đó thực vật phù du chiếm tỉ lệ cao hơn động vật phù du.
Tu hài giống được sản xuất ở Phú Yên không những cung cấp cho nhu cầu thả nuôi ở địa phương mà còn cung cấp cho các cơ sở nuôi thương phẩm ở một số tỉnh như Khánh Hòa, Quảng Ninh, TP Hải Phòng… Thực hiện chủ trương chuyển đổi, đa dạng hóa vật nuôi theo hướng hiệu quả kinh tế và bền vững môi trường, năm 2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tu hài thương phẩm cho 8 hộ dân ở đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu, với quy mô 1.300 khay, số lượng giống thả nuôi là 39.000 con, cỡ giống 3cm/con. Qua 9 tháng thả nuôi đã cho kết quả khả quan, tu hài thương phẩm đạt 6-7cm/cá thể, khoảng từ 18-22 con/kg, tỉ lệ sống đạt 85-90%. Với kết quả này, những người nuôi tu hài thương phẩm thu lãi từ 60-70% so với chi phí sản xuất. Hiện đang có nhiều hộ dân đầu tư nuôi tu hài thương phẩm ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông thuộc TX Sông Cầu.
Tu hài là một đối tượng nuôi mới, kỹ thuật nuôi tương đối đơn giản, không cần chi phí cho ăn. Nuôi tu hài vừa cho thu nhập cao, vừa tham gia bảo vệ môi trường sinh thái đầm, vịnh thông qua cơ chế lọc sinh học, tạo điều kiện cho các đối tượng thủy sản khác sống chung trong đầm, vịnh phát triển. Tu hài có thể nuôi quanh năm, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết trong năm, tuy nhiên mỗi mùa nó có tốc độ phát triển khác nhau. Khung bè được làm bằng cây tre già hoặc cây gỗ có đường kính từ 10-15cm có sẵn tại địa phương, chọn loại cây tốt, chịu đựng được tác động của mưa gió. Các cây này được liên kết với nhau bằng dây thép thành các ô vuông có kích thước 3x3(m). Bè được nâng đỡ bằng hệ thống phao và dây neo, phao nổi là các thùng phuy nhựa hoặc phao xốp đảm bảo an toàn kể cả khi buộc treo các lồng nuôi tu hài vào bè. Lồng (khay) nuôi bằng nhựa cỡ 50x35x30cm, đáy và thành khay có các khe thông nước. Đáy lồng lót một lớp lưới 2a=1mm, lưới bao thành lồng có cỡ mắt 2a=20mm, lồng có nắp thì không cần dùng lưới còn không có nắp thì dùng lưới 2a=20-25mm, dây treo lồng là dây nilon có đường kính 7-10mm, đổ cát và mảnh vụn vỏ nhuyễn thể vào lồng có độ dày 15-20cm. Mật độ từ 50-60 con/1 khay (300-400 con/m2), sau đó phủ nắp lên, cố định lắp lồng và treo lồng xuống vị trí nuôi an toàn (với bè độ sâu đạt 3-3,5m trở lên).
Quản lý, chăm sóc: Mỗi tháng định kỳ kéo lồng nuôi lên 2 lần để kiểm tra, làm vệ sinh lồng, loại bỏ hết vật lạ trong lồng, phát hiện có xác tu hài chết và cát có màu đen thì thay toàn bộ cát trong khay nuôi. Kiểm tra dây buộc và dây treo lồng, nếu dây bị hư hỏng là thay ngay, loại bỏ các vật bám như hàu, hà gây hại cho lồng nuôi, nếu lồng bị hư hỏng thì thay thế ngay. Vào mùa mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khu vực nuôi nhiều làm độ mặn giảm xuống, ảnh hưởng đến môi trường sống của tu hài, do đó phải di dời lồng, bè nuôi sang khu vực khác, nơi có độ mặn cao để duy trì qua mùa mưa. Kiểm tra sinh trưởng 1 lần/tháng, lấy ngẫu nhiên 3 lồng nuôi, đếm số con còn lại đo tính chiều dài, rộng, cao và tính tỉ lệ sống so với lần kiểm tra trước, từ hai tháng nuôi trở đi cần thêm cát vào lồng đến khi thu hoạch thì cát cách mặt lồng 5cm là đủ.
Hiện nay, tu hài đang được nhiều người dân trong tỉnh quan tâm đầu tư nuôi, tuy nhiên việc phát triển nuôi tu hài của bà con còn mang tính tự phát. Để việc nuôi tu hài thực sự trở thành một nghề phát triển bền vững, cần có những giải pháp hợp lý, bền vững, ổn định lâu dài. Muốn vậy, phải có quy hoạch vùng nuôi, quản lý chất lượng giống, quảng bá sản phẩm, thông tin thị trường tiêu thụ… Các biện pháp này phải được tiến hành đồng bộ và thường xuyên.
Kỹ sư NGUYỄN KHẮC TÂN