Những ngày này nông dân trồng hoa màu, bắp lai ở hai xã Hòa Bình 1, Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) không khỏi lo lắng vì mùa vụ thất bát.
Cây bắp bỗng dưng chết khô làm hạt bắp bị lép. - Ảnh: T.HỘI
Dưa, bí, mướp không đậu trái, cây bắp thì bỗng dưng chết khô khi gần tới ngày thu hoạch. Trong lúc vật giá tăng cao, khiến đời sống người nông dân càng thêm khốn khó.
HOA MÀU KHÔNG ÐẬU TRÁI
Vùng bãi bồi trên sông Ba xưa nay được người dân sống ven sông tận dụng làm nơi sản xuất hoa màu, cho thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay, một hiện tượng bất thường đã xảy ra, đó là tình trạng hoa màu không đậu trái.
Chỉ tính riêng hai xã Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) đã có hàng chục hécta hoa màu đều trong tình trạng như thế. Vào thời điểm trước tết, vợ chồng ông Lê Công Khoa ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1 đầu tư gần 0,5ha dưa, mướp và bí các loại. Thường thì vào khoảng tháng 3 âm lịch là thời điểm cho thu hoạch rộ, song năm nay, dưa, mướp vẫn ra dây bò phủ phê nhưng không thấy trái đâu. “Loại nào cũng vậy, khi dây ra hoa, đậu trái non mấy hôm thì bị héo. Có thể do thời tiết năm nay thất thường, mưa, lạnh kéo dài, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp phải tình trạng này trong hơn 10 năm làm soi của mình”, ông Khoa cho biết.
Chỉ tay sang những đám hoa màu kế bên, với màu xanh bạt ngàn của dây dưa hấu, dây mướp và dây bí các loại được trồng xen canh, ông Khoa bảo: “Đó là ruộng hoa màu của ông Phạm Văn Lai, Phạm Cường nhưng mấy ông này đã bỏ dãi. Ở nhà, vợ con các ông chỉ thi thoảng ra thăm chừng để hái mót trái eo đặng vớt vát thôi”. Theo lời ông Khoa, không riêng gì ông Lai và ông Cường, mà hầu hết chủ nhân của những đám ruộng dưa này đều bỏ mặc ruộng hoa màu đã đầu tư tiền triệu để đi làm mướn kiếm tiền về trả nợ tiền làm đất, tiền phân bón.
Để có thu nhập từ những ruộng hoa màu này, bắt đầu từ tháng Chạp năm ngoái nông dân phải tiến hành làm đất thật kỹ, bón lót nặng phân (chi phí khoảng 500.000 đồng/sào) sau đó xuống giống. Nhưng vất vả nhất là giai đoạn chăm sóc dây hoa màu khi còn nhỏ như: bắt đọt, tỉa nhánh và gánh nước tưới thường xuyên, đến khi hoa màu ra dây, bám rễ sâu dưới lòng đất, lúc này mới nhẹ công chăm sóc.
CÂY BẮP BỖNG DƯNG CHẾT KHÔ
Không riêng Tây Hòa, nhiều vùng sản xuất hoa màu chuyên canh ở các địa phương khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Phước, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, kinh doanh - dịch vụ Hòa Thành Tây (huyện Đông Hòa) cho biết: “Xã viên HTX cũng làm hơn 1ha dưa hấu trên đất ruộng nhưng cũng đành thu bạt, cắt dây sớm. Nguyên nhân dưa không đậu trái cũng có thể là do vào thời điểm dưa ra hoa gặp mưa và lạnh kéo dài”.
Thiệt hại chồng lên thiệt hại là tình cảnh mà người dân ở hai thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1 và Phước Mỹ Tây xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) đang gặp phải lúc này. Dưa, bí dù vẫn xanh tốt nhưng lại không đậu trái, đến lượt cây bắp lai đã ra trái gần đến ngày thu hoạch thì bỗng dưng bị chết khô. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại hai thôn nói trên có khoảng 3ha bắp lai đã gần tới ngày thu hoạch bị chết mà không tìm ra nguyên nhân. Những diện tích bắp còn lại cũng đang có dấu hiệu tương tự.
Ông Vương Văn Đương là một chủ nông có bắp bị chết, cho biết: “Thật xót xa, bắp nhà tôi đang xanh tốt, chỉ chờ khoảng hai tuần nữa thì thu hoạch, nhưng tự dưng cả đám bắp như có ai đổ nước sôi, cả gốc lẫn ngọn bị héo chỉ trong một hai ngày”. Ông Đương cũng cho biết khi nhổ cây bắp lên thấy rễ vẫn còn xanh tốt, không phát hiện có sâu bệnh gì.
Bắp bị chết hàng loạt được xác định chủ yếu là giống bắp lai F1 G-49, có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, đối với thổ nhưỡng miền Nam, do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (địa chỉ: 23 Hà Hoàng Hồ - TP Long Xuyên - An Giang) sản xuất và phân phối.
Theo tính toán của người nông dân, cứ một sào bắp đầu tư chi phí phân bón, giống và tiền bơm tưới khoảng 500.000 đồng, nếu suôn sẻ có thể cho thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/sào, nhưng đến giờ thì đành khóc ròng. Những đám bắp đầu tư tiền triệu bỗng chốc… dùng làm thức ăn cho trâu, bò. Nhiều gia đình nông dân mong có khoản trang trải gia đình từ ruộng bắp của mình nhưng giờ đành phủi tay.
Với những người trồng bắp chưa bị khô cũng trong tình trạng đứng ngồi không yên vì lo lắng cho ruộng bắp của mình sẽ đến lượt “như lứa anh, lứa chị”. Vì có thể cây bắp chết là do một mầm bệnh nào đó gây ra, chứ không phải nguyên nhân từ hạt giống. Ông Phạm Văn Nam lo lắng nói: “Nhà tôi trồng 2 sào bắp lai G-49 khoảng 2 tháng tuổi, nhưng không biết liệu đến thời gian thu hoạch có bị hiện tượng tương tự. Mong các nhà chuyên môn sớm tìm hiểu nguyên nhân để hướng dẫn nông dân phương pháp phòng, trị”.
Cây thực phẩm, hoa màu mất mùa trúng vào thời điểm giáp hạt, nhiều hộ nông dân ở huyện Tây Hòa đang rơi vào tình cảnh khốn khó trăm bề. Họ không còn ngó chừng đến vụ lúa đông xuân sắp thu hoạch vì tình hình mùa màng cũng đang có dấu hiệu thất bát do thời điểm lúa trổ gặp lúc trời lạnh, âm u.
THANH HỘI