Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đang gặp nhiều khó khăn khi giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao. Hàng loạt công trình phải “đứng bánh” hoặc thi công cầm chừng.
Giá cả leo thang, nhà thầu khó khăn, nhiều công trình “đứng bánh” hoặc thi công cầm chừng. - Ảnh: H.TRUNG
Từ sau tết đến nay, tiến độ thi công hầu hết các công trình xây dựng dân dụng, giao thông, thủy lợi… đều bị chậm, thậm chí có công trình “đứng bánh”. Ngay cả một số công trình có tính chất cấp bách, công trình đã được chủ đầu tư ứng trước đến 50% giá trị hợp đồng, nhà thầu vẫn thi công cầm chừng, mặc dù chủ đầu tư liên tục đôn đốc, nhắc nhở. Chính vì thế mới diễn ra cảnh trái khoáy chủ đầu tư không dám làm “căng” với nhà thầu, không dám phạt hợp đồng theo quy định, mà còn phải động viên để các đơn vị thi công tiếp tục thực hiện công trình. Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông Phú Yên cho biết: việc xử phạt các nhà thầu không đơn giản, trong khi đó nhiều nhà thầu sẵn sàng chấp nhận bị phạt còn hơn tiếp tục thi công trong điều kiện giá cả leo thang sẽ bị thua lỗ nặng. Nếu cắt hợp đồng để chuyển phần khối lượng còn lại cho đơn vị khác thì phải lập lại dự toán, tổ chức đấu thầu mất rất nhiều thời gian, đồng thời còn xảy ra khả năng khi bắt tay triển khai phần còn lại, giá cả lại tiếp tục “đội” lên. Mặc dù, tỉnh đã có chủ trương bù giá trong trường hợp có biến động giá, nhưng việc triển khai thực hiện không hề đơn giản. Hầu hết các chủ đầu tư dự án và nhà thầu đều cực chẳng đã mới tính toán bù giá. Vì vậy, trong thời điểm hiện nay, các nhà thầu đã gặp khó lại càng khó hơn. Hiện nhiều nhà thầu có tư tưởng “áng binh bất động” không muốn tham gia đấu thầu, mặc dù đang thiếu việc làm, doanh thu giảm sút.
Ngoài sức ép về giá vật liệu xây dựng tăng cao, các nhà thầu còn đối mặt với lãi suất ngân hàng và chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư thi công công trình, nhưng lãi suất ngân hàng đang ở mức gần 20%/năm, đồng thời cũng không phải dễ dàng vay được vốn. Do vậy, nhà thầu đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Theo một nhà thầu (xin được giấu tên) với lãi suất như hiện nay, nếu có được bù giá thì doanh nghiệp cũng phải mất nhiều tiền để trả lãi ngân hàng nên tốt nhất là dừng thi công công trình hoặc thi công cầm chừng, chấp nhận bị phạt, không có việc làm, giảm doanh thu, chờ tình hình ổn định sẽ tính tiếp.
Với tình hình giá cả tiếp tục leo thang xem ra nhà thầu khó thoát khỏi vòng lẩn quẩn “làm thì lỗ, không làm thì không có việc” và các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh có thể sẽ tiếp tục “đứng bánh”.
HOÀI TRUNG