Thứ Bảy, 05/10/2024 06:27 SA
Khởi động vụ ép mía 2010-2011:
Triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho nông dân và nhà máy
Chủ Nhật, 19/12/2010 07:30 SA

Từ lá đơn kêu cứu của nông dân trồng mía ở hai huyện Sơn Hòa và Phú Hòa, bày tỏ lo ngại về giá mua đầu vụ, vận động các hộ dân trồng mía gặp khó khăn về kinh tế để mua nguyên liệu, đến việc một số nhà máy tranh nhau mua mía trên vùng nguyên liệu của nhà máy khác, làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến an ninh vùng nguyên liệu đã được quy hoạch, Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, địa bàn có vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh, nơi đã xảy ra tranh chấp vùng nguyên liệu mía.

 

son-nguyen101219.jpg

Nông dân xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa thu hoạch mía. - Ảnh: P.NAM

 

* Được biết, việc xảy ra tranh chấp trong thu mua mía đã diễn ra nhiều năm qua. Để chuẩn bị tốt cho mùa vụ 2010-2011, đảm bảo quyền lợi cho nhà máy và nông dân, huyện đã triển khai các biện pháp gì,  thưa ông?

 

- Trước khi bước vào thu hoạch vụ mía 2010-2011, UBND huyện đã chỉ đạo Ban điều hành chương trình mía đường, các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn kiểm tra việc thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mía, thực hiện tốt việc điều hành, thu mua nguyên liệu mía trên địa bàn; giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua; đề xuất UBND huyện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quy hoạch, phân vùng nguyên liệu. Đối với các địa phương, nghiêm túc thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước trong quản lý quy hoạch. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều hành, thu mua của Ban điều hành mía đường ở cơ sở, không để nảy sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, bán mía của các nhà máy và nông dân.

 

Chính quyền cơ sở không xác nhận bất cứ trường hợp nào trong hợp đồng đầu tư, mua bán mía nguyên liệu của các công ty khác với bà con nông dân trong vùng nguyên liệu mía đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam theo Quyết định số 2885, ngày 30/12/2005, đồng thời vận động nông dân thực hiện nghiêm túc hợp đồng đầu tư, thu mua nguyên liệu mía của nông dân với nhà máy. Mặt khác, chủ động nắm bắt chính xác số lượng hợp đồng đầu tư và bán mía của nông dân với nhà máy để làm cơ sở theo dõi, điều hành tiêu thụ nguyên liệu, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nông dân trồng mía; triển khai giám sát, chủ động phát hiện và ngăn chặn việc sai trái để chấn chỉnh, xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn của Nhà nước đến từng địa bàn dân cư, đặc biệt chú ý đến các địa bàn trọng điểm mía, thường xảy ra tranh chấp trong thu mua, trên tinh thần thực hiện tốt Quyết định số 58, ngày 03/10/2005 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía đường và Quyết định số 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, nhằm hướng tới mục đích đảm bảo sản phẩm làm ra của nông dân được tiêu thụ hết, không để tình trạng tranh mua, tranh bán làm xáo trộn và ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu và gây mất an ninh trật tự xã hội.

 

* Theo nhiều nông dân trồng mía, Công ty TNHH Rượu Vạn Phát (RVP) có dấu hiệu vi phạm trong đầu tư, nâng công suất phân xưởng chế biến đường, thông báo giá mía đầu vụ và triển khai nhập mía về nhà máy, đồng thời xảy ra tranh chấp trong thu mua nguyên liệu mía… Việc này có không, và huyện đã xử lý như thế nào?

 

- Qua theo dõi nắm tình hình hoạt động của RVP cho thấy, công ty này đã hoàn thiện việc lắp đặt nâng công suất của phân xưởng chế biến đường lên 2.500 tấn mía/ngày và đưa vào vận hành thử từ ngày 24/11/2010.

 

RVP cũng đã phát thông báo giá mua mía nguyên liệu tại ruộng là 800.000 đồng/tấn, sau đó nâng lên 840.000 đồng/tấn. Lượng mía đã nhập về khoảng 300 tấn. Tính đến thời điểm này đã có 8 hộ dân ở các xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Suối Bạc và Ea Chà Rang bán mía cho RPV. Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo các xã kiểm tra thực hiện tốt công tác quản lý vùng nguyên liệu, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía. Tuy nhiên, tối ngày 28/11 tại địa bàn xã Suối Bạc đã xảy ra việc tranh mua mía giữa Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam với Công ty TNHH Rượu Vạn Phát, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Nhưng với sự chỉ đạo của huyện, tình hình đã sớm được giải quyết ổn định. Qua nắm bắt tình hình, hiện nay RVP tiếp tục cử người về các địa phương vận động thu mua mía, gây khó khăn cho việc quản lý vùng nguyên liệu. Vấn đề này rất có thể còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán mía trên địa bàn. Vì vậy nguy cơ gây mất an ninh trật tự là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Về những vi phạm và chiều hướng tiếp tục vi phạm các quy định của UBND tỉnh, UBND huyện đã báo cáo sự việc lên các cấp có thẩm quyền, các sở ngành liên quan để xử lý. Khó khăn nhất hiện nay là công tác phối hợp kiểm tra, báo cáo tình hình sản suất, thu mua của RVP, vì đã 3 lần UBND huyện chỉ đạo địa phương và các ngành chức năng của huyện phối hợp tổ chức kiểm tra nắm bắt tình hình, nhưng RVP đều không hợp tác.

 

Để thực hiện tốt việc quản lý vùng nguyên liệu theo quy hoạch, hạn chế và ngăn chặn kịp thời tình trạng tranh mua, tranh bán mía. UBND huyện đang tích cực chỉ đạo các ngành liên quan, địa phương phối hợp với Ban điều hành chương trình mía đường của huyện thường xuyên kiểm tra, kiểm soát gắt gao vùng nguyên liệu tại từng địa bàn để xử lý. Qua nắm bắt tình hình được biết ngày 15/11,  RVP đã tổ chức đốt lò hơi và triển khai mua mía; Công ty KCP đốt lò hơi vào ngày 24/11 để chuẩn bị khai trương vụ ép 2010-2011.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Các công ty mía đường mua mía nguyên liệu với giá 950.000- 970.000 đồng/tấn

 

Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam vừa ra thông báo về giá mua mía nguyên liệu chuẩn bị vào vụ ép 2010- 2011, bắt đầu thực hiện từ ngày 16/12/2010. Theo đó, công ty mua mía theo hình thức mua xô không tính chữ đường với giá từ 835.000 đồng/tấn đến 959.000 đồng/tấn (tùy theo thu vực), đồng thời cộng với khoản hỗ trợ tại thời điểm đầu vụ là 100.000 đồng/tấn. Như vậy giá mua mía nguyên liệu của công ty vào thời điểm này đạt bình quân 950.000 đồng/tấn (thấp nhất là 935.000 đồng/tấn đối với khu vực gần nhà máy và cao nhất là 1.059.000 đồng/tấn đối với khu vực xa nhà máy như xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân); chưa kể khoản thưởng 10.000 đồng/tấn đối với mía sạch (tạp chất dưới 2%). 

 

Trước đó, từ ngày 11/12, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cũng tăng giá mua mía nguyên liệu tại ruộng lên 870.000 tấn; nếu tính các khoản hỗ trợ, thưởng khuyến khích khác thì lên đến 970.000 đồng/tấn.

 

Theo các công ty mía đường, giá mua mía nguyên liệu hiện tại đạt bình quân 950.000 đồng/tấn, tăng 240.000 đồng/tấn so với đầu vụ 2009- 2010, cũng là giá cao nhất từ trước đến nay mà các công ty mua mía trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Các doanh nghiệp mía đường cũng cho biết, khi vào chính vụ, chữ đường trong mía cao hơn và giá đường trên thị trường còn ở mức cao thì sẽ tăng giá mua mía nguyên liệu phù hợp, bảo đảm lợi ích cho người trồng mía.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

PHƯƠNG NAM - LỆ VĂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Vì sao phải thu hồi?
Thứ Bảy, 18/12/2010 16:00 CH
Nâng cao vai trò của hợp tác xã kiểu mới
Thứ Bảy, 18/12/2010 15:00 CH
Khó khăn bủa vây
Thứ Bảy, 18/12/2010 14:00 CH
Vẫn còn lúng túng
Thứ Bảy, 18/12/2010 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek