Dịch heo tai xanh đã qua, công tác khôi phục đàn heo trên toàn tỉnh đang được triển khai. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi heo những năm gần đây không mang lại lợi nhuận cao, trong khi tỉ lệ rủi ro rất lớn, làm cho nhiều người chăn nuôi không còn mặn mà...
Một hộ nuôi heo ở thôn Liên Trì 2 (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.HƯƠNG
Tại các địa phương nuôi heo lớn ở huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An, TP Tuy Hòa… nhiều hộ chăn nuôi hiện nay bỏ chuồng trống. Theo HTX Nông nghiệp Bình Kiến 2 (TP Tuy Hòa), hiện nay địa phương chỉ còn khoảng 30% số hộ vẫn còn giữ nghề nuôi heo. Chị Nguyễn Thị Niềm ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), cho biết: “Trước đây nhà tôi nuôi heo theo kiểu khép kín, từ đực giống, heo nái đến heo con đẻ ra bao nhiêu đều giữ lại để gầy đàn. Vừa qua, đàn heo của gia đình bị bệnh tai xanh nên phải tiêu hủy hết. Giờ không có tiền đành bỏ chuồng trống, tết này không có heo mà bán…”. Trong khi đó, nhiều người vẫn còn e ngại dịch heo tai xanh sẽ bùng phát trở lại nên chưa mạnh dạn thả nuôi.
Theo số liệu thống kê từ Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện nay số lượng tổng đàn heo đã giảm mạnh bởi dịch heo tai xanh bùng phát vào cuối tháng 9 đến cuối tháng 11/2010. Số lượng heo bệnh buộc tiêu hủy không đáng kể, nhưng vì lo sợ dịch bệnh tấn công đàn heo nên hầu hết các hộ nuôi heo đã bán “tháo” heo đi, kể cả heo giống. Chính vì vậy, hiện nay thị trường heo con giống rất khan hiếm. Ông Trương Văn Quang ở thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), cho biết: “Vợ chồng tôi phải lặn lội khắp các trại chăn nuôi lớn mới mua được 3 con heo nái, tuy nhiên chưa ưng ý lắm. Giờ tìm mua heo đực giống để gầy lại đàn thật khó…”.
Hiện nay, giá heo giống trên thị trường đang tăng cao, dao động từ 42.000-55.000 đồng/kg tùy vào chất lượng, nguồn gốc. Vì vậy, áp lực về chi phí cho con giống đối với người chăn nuôi là rất lớn. Vào thời điểm này để mua được một con heo giống tốt nuôi thịt, bà con phải tốn gần 1 triệu đồng, còn để mua được một con heo nái tương đối phải chi hơn 6 triệu đồng. Những hộ nuôi heo còn bám nghề, giờ chỉ thả nuôi cầm chừng với số lượng nhỏ. Ông Võ Đình Sang, ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (huyện Tuy An), hộ có heo bệnh tai xanh đầu tiên của tỉnh, cho biết: “Sau khi được Nhà nước hỗ trợ một phần của bầy heo 65 con mắc bệnh tai xanh đã được tiêu hủy, vừa rồi gia đình tôi thả nuôi lại hơn chục con giống. Chúng tôi không thể thả nuôi với số lượng lớn như trước đây là vì một phần do thiếu vốn, một phần do giá heo giống rất cao. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền, ngân hàng cho khoanh nợ và cho vay tiếp để gia đình có vốn chăn nuôi”.
Không chỉ giá heo giống tăng, giá thức ăn gia súc mấy tháng qua cũng tăng liên tục với tốc độ chóng mặt ở hầu hết các dòng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng bán thức ăn gia súc, gia cầm Bách Lan (TP Tuy Hòa), cho biết: “Chỉ trong vòng hơn 4 tháng qua, các mặt hàng thức ăn gia súc đã gần 20 lần lên giá. Hiện nay, mỗi bao cám đã tăng từ 10.000 – 20.000 đồng”. Chị Lê Thị Bích Dâng, thôn Phú Hiệp 3, xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), than thở: “Giá thức ăn gia súc tăng vọt, nông dân chúng tôi không cách gì xoay sở nổi để “trụ” được với nghề chăn nuôi này”.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, trong đợt dịch bệnh heo tai xanh vừa qua, đàn heo trong toàn tỉnh đã giảm mạnh. Hiện nay công tác tái lập đàn được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên đang gặp rất nhiều khó khăn. Để sớm khôi phục đàn heo, ổn định đời sống nhân dân và thị trường tiêu dùng, cần thiết phải có chế độ hỗ trợ để thúc đẩy, khuyến khích bà con thả giống chăn nuôi trở lại, tránh tình trạng hộ chăn nuôi heo bỏ trống chuồng.
NGÔ TUYẾT