Công tác trùng tu, nâng cấp Khu di tích lịch sử Núi Nhạn đang vào giai đoạn nước rút để đảm bảo kịp thời phục vụ Tết Nguyên đán và kỷ niệm 400 năm Phú Yên gắn với Năm Du lịch quốc gia 2011.
Con đường mới từ khu Đài tưởng niệm Núi Nhạn xuống tiểu công viên phía nam đã hoàn thành. - Ảnh: N.XUÂN
Khu vực núi Nhạn có diện tích hơn 12ha, giới hạn bởi 4 tuyến giao thông trong đô thị với cả nghìn hộ dân sinh sống. Đây là nơi có di tích tháp Chăm cổ kính cùng hệ sinh thái cảnh quan đa dạng, nên nhiều du khách chọn làm điểm đến, nhất là trong dịp lễ, tết. Núi Nhạn là một trong những điểm nhấn của TP Tuy Hòa, tạo quần thể liên hoàn gắn với khu dân cư Ngọc Lãng, đường Bạch Đằng, công viên Diên Hồng và khu sinh thái Thuận Thảo…
Dự án cải tạo cảnh quan núi Nhạn được triển khai thực hiện từ đầu năm 2009 với nhiều nội dung: nâng cấp đường hiện hữu, làm bãi để xe phía bắc, đường tam cấp lên xuống, xây dựng 2 chòi nghỉ, bãi để xe và tiểu công viên phía nam (giai đoạn 1)…
Theo ông Hoàng Văn Hải (Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP Tuy Hòa), đến nay, về cơ bản đã hoàn thành 70% kế hoạch. Sau khi hoàn thành, khu vực núi Nhạn sẽ là một điểm nhấn của thành phố với đường lên xuống phía bắc thông thoáng, sạch sẽ; một bãi đậu xe dưới chân núi được xây dựng nối liền khu vực công viên Diên Hồng. Chân núi về phía bắc sẽ không còn những căn nhà lộn xộn, ảnh hưởng đến cảnh quan, an ninh chung của khu di tích. Về phía nam (cạnh Đài tưởng niệm) là con đường bậc đá chẻ quanh co dẫn xuống khu tiểu công viên phía nam (đường Bạch Đằng). Con đường này chạy quanh theo sườn núi, được lát hoàn toàn bằng đá chẻ (kích thước 1m x 2m) kiên cố. Tổng kinh phí cho dự án này trên 8,8 tỉ đồng.
Do địa hình đồi núi hẹp, các loại xe múc, xe ủi, xe chở vật liệu không thể lên tận nơi, công nhân phải đào đất theo cách thủ công, vác đá, vật liệu xây dựng từ chân núi trong suốt 10 tháng mới hoàn thành con đường. Ngoài ra, đoạn đường này còn được xây dựng thêm nhiều ống dẫn nước, rãnh thoát nước từ trên núi xuống, một đoạn tường bê tông cốt thép dày 40cm… nhằm hạn chế hiện tượng sạt lở khi có mưa lớn. Ông Phạm Ngọc Tùng (phường 1, TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Tôi cùng nhiều người bạn thường xuyên đi dạo, tập thể dục ở đây, nay thấy Khu di tích Núi Nhạn sắp có một diện mạo mới thông thoáng, sạch đẹp, khang trang hơn, chúng tôi rất phấn khởi”.
Theo đại diện chủ đầu tư, 2 tháng mưa liên tục làm đất mềm, lún, phát sinh sạt lở núi tại nhiều điểm, khiến công trình gặp không ít khó khăn. Hiện khu vực núi Nhạn có 3 điểm sạt lở chính rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp vào nhà dân, làm nhiều gia đình phải tạm di dời đi nơi khác. Vừa qua, UBND TP Tuy Hòa đã lập phương án bồi thường, tái định cư cho 29 hộ dân ở khu vực chân núi Nhạn bị ảnh hưởng. Tuy vậy, công tác bồi thường, tái định cư vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện còn 2 hộ dân chưa chịu di dời, trong đó 1 hộ ở phía nam (đường Bạch Đằng) đã nhận tiền bồi thường nhưng đóng cửa bỏ đi, chưa trả lại mặt bằng. Đơn vị thi công đang phối hợp với lãnh đạo phường 1 tìm hiểu, vận động các hộ dân này chấp hành việc di dời để công trình được hoàn thành đúng tiến độ.
Ngoài công tác trùng tu lại Khu di tích Núi Nhạn, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP Tuy Hòa còn được giao nhiệm vụ sửa chữa, khắc phục những đoạn núi bị sạt lở nghiêm trọng. Ban đang gấp rút trình dự toán xây dựng. Theo đó, khu vực các đoạn núi bị sạt lở sẽ xây các bức tường bê tông cốt thép dày, vững chắc nhằm hạn chế việc sạt lở và không để ảnh hưởng đến nhà dân, đồng thời, trồng cây lại vào những đoạn núi này để cây giữ đất, hạn chế việc sạt lở.
Ông Hoàng Văn Hải cho biết: “Công tác trùng tu, tôn tạo lại Khu di tích Núi Nhạn đang vào giai đoạn hoàn thành. Chúng tôi chỉ chờ UBND TP Tuy Hòa duyệt dự án, cấp bổ sung kinh phí là sẽ tiến hành xây dựng đoạn tường chắn, có thể hoàn tất công trình, kịp thời phục vụ Tết Tân Mão sắp tới”.
NGÔ XUÂN - HỒ NHƯ