Từ 16 giờ chiều 9-8, giá bán lẻ các loại nhiên liệu trong nước đã chính thức điều chỉnh theo hướng tăng giá. Lại một lần nữa, giá xăng dầu tiếp tục “hâm nóng” nỗi lo của giới kinh doah và đời sống người tiêu dùng.
Doanh nghiệp vận tải và chủ tàu thuyền lo lắng
Chiều tối ngày 9-8 không khí mua bán tại các cửa hàng, đại lý bán xăng dầu trên địa bàn TP Tuy Hòa vẫn diễn ra bình thường. Sau khi có thông báo tăng giá xăng dầu, hầu hết các cửa hàng bán mặt hàng này trên địa bàn TP Tuy Hòa đều ngừng bán hàng để tiến hành kiểm kê và điều chỉnh theo giá mới.
Nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở phường 6 TP Tuy Hòa phải… nằm bờ do chi phí tăng cao – Ảnh: L.K
Hầu hết khách hàng được hỏi về việc tăng giá xăng dầu đều cho rằng không bất ngờ lắm vì đã nghe dư luận về biến động của giá xăng dầu gần đây. Tuy nhiên, họ nói rằng không ngờ và điều đó xảy ra nhanh đến vậy. Hầu hết người tiêu dùng đều tỏ ra lo lắng vì cho rằng tình hình này đẩy chi phí sản xuất tăng cao, tác động đến hoạt động kinh doanh, giá cả tiêu dùng sẽ theo đó leo thang ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận người dân. Ông Phạm Văn Chất, Trưởng điều hành Công ty TNHH Bảo Trân tại Phú Yên nói: “Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì không thể điều chỉnh tăng cước ngay được. Đối với nhiều ngành và nhiều đơn vị khác, xăng dầu tăng giá còn có thể thực hiện chính sách tiết kiệm, còn đối với ngành vận tải hành khách khó có thể tiết kiệm xăng dầu được do phần lớn phải hoạt động theo tuyến cố định, lịch trình cụ thể ... vì thế, doanh nghiệp đành phải chịu tình cảnh “thắt lưng buộc bụng”
Việc tăng giá xăng dầu lần này tiếp tục tạo thêm khó khăn lớn đối với những tàu thuyền chuyên đánh bắt xa bờ ở vùng biển Phú Yên. Nhiều chủ tàu ở làng biển Phú Câu, phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết, thời gian qua lượng tàu nằm bờ khá nhiều vì chi phí quá cao, nay xăng dầu tăng giá nữa thì việc ra khơi càng khó khăn. Ông Ngô Văn Lưu, một chủ tàu than thở: “Chi phí cho một chuyến đi trên dưới 50 triệu là lỗ rồi, thời điểm này phải ở mức hơn 60 triệu, đó là chưa kể giá nhiều loại vật tư, thực phẩm, dịch vụ hậu cần đều có nguy cơ tăng theo giá xăng dầu”. Đó là tình cảnh chung của hơn 600 chủ tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Yên trước việc xăng dầu tăng giá như hiện nay. Điều oái ăm là giá xăng dầu tăng 7 lần kể từ năm 2004, nhưng giá sản phẩm thủy sản từ đánh bắt xa bờ lại không tăng mấy. Điều này khiến nghề đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên chỉ có con đường lỗ vốn. Trong khi đó, thị trường các loại mặt hàng tiêu dùng ở TP Tuy Hòa cũng đang rục rịch tăng. Mặt hàng trái cây, thịt,cá bán nhích hơn từ 500 – 1.000đ/kg so với trước khi tăng giá xăng dầu.
Ông TRƯƠNG TRỌNG CỬ, Phó Giám đốc Công ty Vận tải thương mại Thuận Thảo: “Xăng dầu tăng trong thời điểm này gây nhiều khó khăn cho các đơn vị hoạt động vận tải vì chưa kịp ổn định giá cả thì giá lại tiếp tục tăng. Doanh nghiệp đã cố gắng “thắt lưng buộc bụng” để vé xe có giá thấp nhất để hành khách có thể chấp nhận, vừa duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Thế nhưng, hiệu quả kinh doanh thời gian qua cực kỳ thấp nếu không muốn nói không có lãi. Việc tăng giá xăng dầu sẽ dẫn đến: Đối với một số doanh nghiệp có thương hiệu chỉ có hòa và lỗ. Còn đối với các đơn vị nhỏ lẻ, họ sẽ tính toán lại chi phí và tất nhiên chất lượng phục vụ buộc phải hạ xuống và cắt đi một số hoạt động phục vụ khác. Với tình hình này, chắc chắn các doanh nghiệp vận tải sẽ ngồi lại với nhau và điều chỉnh tăng giá vé để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và phục vụ tốt cho khách hàng. Chính vì thế, kế hoạch đầu tư mới phương tiện của doanh nghiệp chúng tôi sẽ phải xem xét lại. Hầu hết các đơn vị vận tải đều theo dõi biến động thị trường và đến cuối năm, có lẽ phương tiện trên các tuyến vận tải mới sẽ giảm sút nghiêm trọng”.
MINH NGUYỆT
Nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo?
Giá xăng tăng đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống - Ảnh: M.Nguyệt |
KHÔNG THỂ KHÔNG TĂNG
Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho biết để kìm chế, tránh tác động tăng giá dây chuyền, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo không điều chỉnh giá than và giá điện cho dù than, điện là những ngành chịu tác động khá mạnh của đợt tăng giá lần này. Cũng theo ông Ruệ, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo cho phép Bộ Thương mại toàn quyền quyết định điều chỉnh cho “sát với giá thị trường thế giới”; còn giá dầu vẫn phải có sự chỉ đạo của Chính phủ. Ông Ruệ cũng phủ nhận thông tin nêu trên các báo trước đó là các bộ đã bàn đến một kế hoạch điều chỉnh giá theo tuần, tháng... khi thị trường xăng, dầu thế giới có biến động.
Tại cuộc họp báo tổ chức vào 17 giờ chiều ngày 9-8 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho biết, việc điều chỉnh lần này là “không tránh khỏi” và “đã được liên bộ Thương mại - Tài chính cân nhắc, tính toán kỹ cả về mức tăng và thời điểm quyết định tăng”. Theo ông Tá, do tình hình hạt nhân ở Bắc Triều Tiên, Iran tiếp tục tăng căng thẳng, do chiến sự giữa Israel và Li-băng... và kể cả việc mỏ khai thác dầu của hãng BP tại Mỹ gặp sự cố, phải đóng cửa vô thời hạn (mỏ này chiếm 8% sản lượng khai thác của Mỹ) nên giá dầu thế giới tăng cao và dự đoán sẽ còn dao động ở mức cao khoảng 75-80 USD/thùng từ nay đến cuối năm. “Việc tăng giá là bất khả kháng. Chúng ta đã hội nhập vào kinh tế thế giới và chúng ta không đủ sức một mình một sân chơi về giá”, ông Tá nói.
Được biết, trong 7 tháng đầu năm nay, Nhà nước đã bù lỗ cho kinh doanh xăng, dầu của các doanh nghiệp (DN) Nhà nước 6.800 tỉ đồng. Theo Thứ trưởng Trần Văn Tá, nếu giá xăng, dầu thế giới còn ở mức cao như hiện nay và giá xăng, dầu trong nước được giữ nguyên thì việc kinh doanh xăng, dầu của các công ty đều lỗ lớn và 5 tháng cuối năm 2006, ngân sách sẽ phải bù lỗ khoảng 16.300 tỉ đồng (chưa kể một khoản giảm thu ngân sách 5.000-6.000 tỉ đồng do giữ mức thuế xăng, dầu nhập khẩu bằng 0% từ đầu năm đến nay).
NGÀNH NÀO BỊ ẢNH HƯỞNG NHIỀU NHẤT?
Giá xăng A92 tăng lên 12.000 đồng/lít, A90 lên 11.800 đồng/lít, A83 lên 11.600 đồng/lít. Giá dầu diesel (0,5% lưu huỳnh) và dầu hỏa tăng 600 đồng, từ mức 7.900 đồng/lít lên 8.600 đồng/lít. Giá định hướng dầu ma-dút cũng được điều chỉnh từ 5.500 đồng/lít lên 6.000 đồng/lít.
Đáng chú ý nhất trong lần điều chỉnh giá xăng dầu lần này chính là việc giá dầu tăng khá cao (600 đồng/lít, tức là tăng khoảng 8-9%). Theo Thứ trưởng Trần Văn Tá, điều này nhằm thực hiện định hướng của Chính phủ về giá dầu từ nay đến năm 2007 chuyển dần theo giá thị trường và đến năm 2008, hoàn toàn theo giá thị trường, không còn bù lỗ và bao cấp của Nhà nước. Theo ông, với mức điều chỉnh trên, “giá dầu sẽ không tác động lớn lắm đến cân đối vĩ mô của nền kinh tế, không làm chỉ số giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng của nền kinh tế và không gây đột biến đối với đầu vào của các ngành sản xuất và sinh hoạt của dân cư”.
Với các mức tăng giá xăng dầu lần này, chi phí các ngành sản xuất: giấy, than, điện, xi măng, hóa chất... sẽ tăng 0,06-1,4%; chi phí vận tải, dịch vụ tăng 1,7 - 4,3%, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng 0,05 - 0,8%... Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành đánh cá xa bờ, với mức tăng chi phí được tính toán khoảng 4,9%.
HOÀI THƯƠNG (tổng hợp)