Thứ Ba, 01/10/2024 06:44 SA
4 thuận lợi và 9 thách thức cho thủy sản hội nhập
Thứ Năm, 10/08/2006 08:08 SA

Bộ Thủy sản cho rằng: “Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ làm xuất hiện nhiều nhân tố mới. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, đầu tư phát triển có hiệu quả, bền vững và tiếp tục hội nhập nhanh với thủy sản khu vực và quốc tế”, đồng thời xác định nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2006 là sẽ tổ chức phổ biến kiến thức về hội nhập, hệ thống luật pháp thương mại trong WTO và các nước khác cho các cán bộ quản lý, cho doanh nghiệp và doanh nhân.

 

Theo TS Vũ Văn Triệu, quyền Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Thủy sản, ngành thủy sản có thuận lợi, nhưng cũng có nhiều thách thức, đó cũng  là nhận định chung của đa số các chuyên gia của ngành về tương lai của thủy sản.

 

060601-ca-ngu.jpg

Vấn đề thương hiệu của thủy sản Việt Nam được coi là một thách thức lớn khi gia nhập WTO – Trong ảnh: Cá ngừ đại dương tại cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa

 

Về thuận lợi, thứ nhất là, việc gia nhập WTO sẽ mang lại cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường thế giới, do các nước biết đến Việt Nam nhiều hơn, doanh nhân các nước sẽ quan tâm hơn đến xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, trong đó có sản phẩm thủy sản.

Thứ hai là, sự ưu đãi hơn về thuế quan, xuất xứ hàng hoá, hàng rào phi thuế quan và những lợi ích về đối xử công bằng, bình đẳng sẽ tạo điều kiện để hàng thủy sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

 

Thứ ba là, để đáp ứng được các quy định của WTO cũng như yêu cầu của các nước thành viên, Bộ Thủy sản đã không ngừng điều chỉnh cơ chế chính sách và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn cho phù hợp.

 

Thứ tư là, vào WTO sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến đầu tư vào phát triển thủy sản tại Việt Nam.

 

Từ chỗ không có tên trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, ngành thủy sản Việt Nam đã liên tiếp có những cú bứt phá ngoạn mục để vươn lên vị trí thứ 7 trong topten có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất, với 2,65 tỷ USD đạt được trong năm 2005, có mặt ở 105 thị trường nước ngoài...Tuy nhiên, chính sự bùng nổ mạnh mẽ này là một phần khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các vụ kiện chống bán phá giá (điển hình như vụ kiện cá tra, basa và vụ kiện tôm).

 

Khi đã tham gia vào WTO, thủy sản Việt Nam, đương nhiên, đã có một “hành trang” kinh nghiệm quý báu từ việc giải quyết những tranh chấp kiểu như vậy, biết rõ “cuộc chơi” sẽ có rất nhiều “lắt léo” để sẵn sàng đối phó, phải gấp gáp “học” và chuẩn bị đầy đủ để đối phó.

 

Về khó khăn, theo TS Triệu, thứ nhất  là, Việt Nam là nước đang phát triển, nên khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản còn yếu, trình độ quản lý còn nhiều bất cập, trong khi các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thường xuyên thay đổi và ngày càng đòi hỏi khắt khe.

 

Thứ hai là,  sự hiểu biết của các doanh nghiệp về luật pháp quốc tế, nhất là hiểu rõ về pháp luật trong tranh chấp thương mại còn rất hạn chế, điều này ảnh hưởng khá lớn tới năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

 

Thứ ba, là sự mất cân đối giữa khu vực sản xuất nguyên liệu và khu vực chế biến xuất khẩu, cụ thể hơn là khu vực sản xuất nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu của khu vực chế biến xuất khẩu cả về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm.

 

Thứ tư là, công tác quản lý nguồn lợi, quản lý tàu thuyền trên biển, công tác thống kê nghề cá còn lạc hậu và chưa đáp ứng được các yêu cầu về hội nhập.

 

Thứ năm là, công tác đào tạo cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật tuy đã được quan tâm nhưng do hạn chế về kinh phí và kinh nghiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng khi gia nhập WTO.

 

Thứ sáu là, năng lực, kinh nghiệm quản lý và trang thiết bị phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát chất lượng, kiểm dịch hàng thủy sản nhập khẩu còn hạn chế - là thách thức lớn đối với việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng cũng như sức khoẻ và môi trường sống của các loài thủy sản, đồng thời đó cũng là thách thức đối với những cạnh tranh không lành mạnh sẽ diễn ra đối với thủy sản Việt Nam.

 

Thứ bảy là, do  nước ta là nước đang phát triển nên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, công nghệ và kinh nghiệm, bên cạnh đó kỹ năng và trình độ quản trị của nhiều doanh nghiệp thủy sản chưa đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế và còn rất thấp so với các đối thủ.

 

Thứ tám là, hệ thống cơ sở hạ tầng cho sản xuất kinh doanh thủy sản (hệ thống thủy lợi, các chợ thủy sản đầu mối, các trung tâm thương mại thủy sản) chưa có hoặc còn yếu, cộng với khả năng cạnh tranh thấp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là thách thức lớn trong việc giữ được thị trường trong nước.

 

Thứ chín là, vấn đề thương hiệu của thủy sản Việt Nam cũng được coi là một thách thức lớn, vì hiện nay các mặt hàng thủy sản Việt Nam được xuất khẩu thông qua các nhà nhập khẩu và được phân phối dưới nhiều thương hiệu khác nhau, vừa không quảng bá được sản phẩm, vừa có thể gây ra những rắc rối như vụ “cá basa” thành “cá mú” ở thị trường Mỹ vừa qua.

 

Theo VNEconomy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek