Từ lâu, Phú Yên được mệnh danh là “vương quốc tôm hùm” với sản lượng tôm xuất khẩu lớn nhất cả nước. Đời sống của nhiều làng biển ở đây được “lột xác”, nhà cao tầng mọc lên san sát nhờ nuôi tôm hùm. Nhưng mấy năm nay, con tôm hùm trở nên “đỏng đảnh”, bị bệnh chết hàng loạt. Người nuôi đang nỗ lực “cứu” tôm hùm trở lại thời hoàng kim.
Khai thác tôm hùm ở Vũng La, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu. - Ảnh: N.LƯU
TỪ BẮT ĐẾN NUÔI
Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, thiên nhiên lại phóng khoáng ban tặng cho vùng biển Phú Yên một loài hải sản quý giá: tôm hùm. Và ngư dân bắt đầu vào mùa khai thác con giống tự nhiên xuất hiện ở dọc dài bãi biển từ Vũng La, qua Gành Bà, mũi Mò O, Mù U, Động Tranh, đến vùng giáp ranh Đà Di (Bình Định)… Ngư dân rất “cưng” nghề nuôi tôm hùm và thật sự đổi đời nhờ “lộc” trời cho này. Nhiều vùng biển ở thị xã Sông Cầu vốn nghèo đã trở thành một “vương quốc tôm hùm” với số lượng hơn hai mươi vạn lồng nuôi.
Lão ngư Võ Hòa ở Vũng La, xã Xuân Thịnh cho biết, Nghề nuôi tôm hùm đã phát triển gần 20 năm ở Phú Yên. Riêng Vũng La có trên 230 hộ (khoảng 1.300 nhân khẩu) đều nuôi tôm hùm mỗi năm khoảng từ 80 -100.000 con. Trước đây, tuy có lúc biến động về giá cả, nhưng bà con vẫn thu lợi nhuận cao; hộ nuôi ít thì thu vài chục triệu đồng/vụ, hộ nuôi nhiều bỏ túi đến vài trăm triệu đồng. Song mấy năm nay nghề “hái” ra tiền tỉ này giảm sút đáng kể, do bà con “ngại” tôm dịch bệnh sữa và thiên tai bão lũ gây thiệt hại nặng. Nếu như trước năm 2006 có đến 90% người nuôi thu lãi, thì 3 năm qua con số này chỉ ở mức 40 – 50%! Có thời điểm số hộ nuôi và số lồng tôm thả nuôi ở đây đã giảm từ 60 – 70%!”
ĐỂ XỨNG DANH “VƯƠNG QUỐC” TÔM HÙM!
Từ năm 2000, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thúy (Trung tâm Nghiên cứu thủy sản 3 Nha Trang - nay là Viện Nghiên cứu thủy sản 3 Nha Trang – Khánh Hòa) đã cảnh báo: “Ngư dân Phú Yên chạy theo lợi nhuận phát triển số lượng tôm nuôi quá nhanh, nhưng thiếu đầu tư mang tính bền vững, dễ dẫn đến khai thác cạn kiệt con giống tự nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nếu không có biện pháp quản lý, kiểm soát môi trường…”. Hệ quả tất yếu xảy ra là, từ cuối năm 2006, tôm hùm bắt đầu xuất hiện bệnh và chết hàng loạt…
“Cái khó ló cái khôn” - Nhiều người dân ở thị xã Sông Cầu đã nghiên cứu tìm tòi được các loại thuốc sử dụng phòng trị bệnh tôm sữa đạt hiệu quả cao. Ông Võ No, ở khu phố Phước Hậu, phường Xuân Đài, hồ hởi cho hay: “Tôi đã thả nuôi 3000 con tôm hùm đạt trọng lượng từ 0,1 – 0,4kg, trước đây tôm bị bệnh sữa chết nhiều, nhưng 3 tháng gần đây, nhờ tôi nghiên cứu sử dụng kết hợp 3 loại thuốc Beta-Entro 20+20 với Pro-one và Vime cho tôm ăn làm giảm bệnh từ 70 - 80%”. Chị Nguyễn Thị Hương ở khu phố Mỹ Thành, phường Xuân Đài có kinh nghiệm phòng trị bệnh sữa tôm hùm bằng thuốc Ciprofloxacin. Trong vòng một năm qua, chị Hương đã sử dụng loại thuốc trên cho tôm ăn, không những tôm không bị bệnh sữa chết mà còn sinh trưởng phát triển tốt. Chị Hương đã thả 2.500 con tôm hùm nuôi đạt trọng lượng từ 0,2 – 0,3kg, chưa bị dịch bệnh…
Theo ông Lương Công Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, để “cứu” con tôm hùm trở lại thời hoàng kim để xứng đáng với tên gọi là “Vương quốc tôm hùm” Phú Yên, hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương cùng ngư dân “bắt tay” quy hoạch chi tiết các vùng nuôi, xử lý môi trường, áp dụng kỹ thuật nuôi hiện đại. Thị xã Sông Cầu đã thành lập được 114 tổ quản lý cộng đồng các vùng nuôi tôm hùm nhằm thực hiện các quy chế nuôi tôm an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững và lâu dài.
NGUYÊN LƯU