Thứ Sáu, 24/01/2025 04:28 SA
Hướng mở từ Nam Phú Yên
Thứ Hai, 15/02/2010 07:30 SA

Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 15 khu kinh tế ven biển nước ta đang đánh thức những tiềm năng, góp phần tạo nên một vùng động lực phát triển ở Nam Trung bộ và hình thành một hành lang kinh tế đông tây mới.

 

huongmo1.jpg.jpg
Sân bay Tuy Hòa – Ảnh: MINH KÝ

 

KHÔNG CHỈ KÉO TÂY NGUYÊN GẦN LẠI

 

Dự kiến trong năm 2010, sẽ có thêm một tuyến quốc lộ mới lên Tây Nguyên. Tuyến quốc lộ mới, dự định đặt tên là quốc lộ 29, dài trên 280km, điểm đầu tiếp giáp với cảng biển Vũng Rô (Phú Yên), điểm cuối giáp với cửa khẩu Đak Ruê (Đắk Lắk).

 

Tuyến đường này sẽ là trục ngang xương sống nối liền 5 tỉnh vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên và liên thông sang Lào, Campuchia, góp phần hình thành và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ trong trục tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

 

Theo nhận xét của một số chuyên gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, quốc lộ 29 là con đường duy nhất lên Tây Nguyên có địa hình thuận lợi vì ít đèo dốc, độ dốc dọc tuyến nhỏ và khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ rút ngắn cự ly vận chuyển giữa Phú Yên với Đắk Lắk khoảng 60km. Quốc lộ 29 nối liền cảng biển Vũng Rô với cửa khẩu Đak Ruê nên sẽ là cửa ngõ lưu thông các loại hàng hóa giữa Phú Yên - Đắk Lắk. Đồng thời khi những dự án lớn được triển khai ở vịnh Văn Phong (Khánh Hòa) hầm đường bộ đèo Cả được xây dựng xong thì quốc lộ 29 nối liền Phú Yên với Đắk Lắk sẽ là một tuyến vận tải hỗn hợp làm nhiệm vụ vận chuyển cục bộ theo khu vực vùng dọc tuyến (giao thông đối nội) vừa vận chuyển liên tỉnh và vận tải quá cảng thông qua cảng Vũng Rô, cửa khẩu Đak Ruê (giao thông đối ngoại).

 

Trước đó, dự án về tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Xí nghiệp Tư vấn thiết kế công trình giao thông đường sắt thuộc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam xây dựng hoàn chỉnh. Toàn tuyến đường sắt có chiều dài 160 km, đi qua 8 ga, xuất phát từ ga Phú Hiệp và điểm cuối là ga Buôn Ma Thuột.

 

Thực ra, đường sắt từ duyên hải lên Tây Nguyên đã được nghiên cứu từ thời Pháp thuộc. Các địa điểm được nghiên cứu là: Thị Vải- Đắc Nông, Phan Thiết - Đắc Nông, Tháp Chàm - Đà Lạt, Quy Nhơn - Pleiku và Tuy Hòa- Buôn Ma Thuột. Trong các tuyến trên, chỉ có tuyến Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột không phải vượt đèo. Song do chưa có điều kiện, người Pháp chỉ xây dựng tuyến đường sắt răng cưa lên Đà Lạt.

 

Tại lễ khởi công xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong mới đây, lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cùng lãnh đạo các bộ ngành trung ương, một lần nữa xác định: Cần phải sớm xây dựng tuyến đường sắt từ Tây Nguyên về Tuy Hòa. Dự kiến, trong giai đoạn năm 2016- 2020, sẽ triển khai thực hiện dự án quan trọng này.

 

Theo tính toán, Buôn Ma Thuột là trung tâm của hệ thống đường sắt Tây Nguyên trong tương lai. Buôn Ma Thuột là ga đầu mối để nối tuyến đi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông và Lâm Đồng, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế và quốc phòng của cả khu vực Tây Nguyên rộng lớn. Tuyến đường sắt này cũng mở ra cơ hội lớn cho vùng đông bắc Camphuchia, Nam Lào và một phần Thái Lan gần hơn với biển.

 

HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG TÂY MỚI

 

Vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, khi Khu Kinh tế Nam Phú Yên được thành lập cùng với sự kiện khởi công xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong và triển khai dự án hầm đường bộ đèo Cả.

 

huong-mo3.jpg.jpg

Cầu Đà Nông – Trên đường Phước Tân – Bãi Ngà. - Ảnh: HIỂU NGỌC

 

Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 15 khu kinh tế ven biển nước ta được quy hoạch phát triển đô thị, thương mại, cảng biển, lọc dầu, hóa chất và các khu đóng tàu, sửa chữa tàu biển. Tại đây, cùng với cảng Vũng Rô đang nâng cấp, một cảng biển khác quy mô lớn hơn cũng sẽ được xây dựng tại Bãi Gốc trên diện tích 220 ha. Trục đường phía Đông Phú Yên từ nam cầu Hùng Vương đến cảng Vũng Rô vừa được khởi công xây dựng tạo thành một trục giao thông xuyên suốt từ trung tâm TP Tuy Hòa đến cảng Vũng Rô.

 

Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế (vừa khởi công) giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển công nghiệp nhiệt điện, đóng tàu, hóa dầu, sản xuất thép liên hợp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản và xây dựng các khu đô thị. Khu kinh tế Vân Phong được xác định là hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ - du lịch của khu vực Nam Trung bộ, vùng kinh tế trọng điểm của Trung bộ và là một đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm  du lịch quan trọng của Việt Nam.

 

Nối hai khu kinh tế này, dự án hầm đường bộ đèo Cả đang được triển khai có chiều dài 5,7 km gồm hai đường hầm song song, một từ phía Bắc vào và một từ phía Nam ra, mỗi hầm có bốn làn xe. Đường dẫn vào hầm dài 5,9 km với điểm đầu phía Bắc tại Hảo Sơn, huyện Đông Hòa (Phú Yên) và điểm cuối phía nam tại đèo Cổ Mã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

 

Vùng Nam Phú Yên- Bắc Khánh Hòa đang được xây dựng thành vùng kinh tế tổng hợp. Trong tương lai, khi Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong bước vào hoạt động, tuyến đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên hình thành, quốc lộ 29 phát huy tác dụng, hầm đường bộ đèo Cả  được đưa vào sử dụng, sẽ tạo nên hành lang kinh tế đông – tây mới của nước ta bao gồm vùng duyên hải Nam Phú Yên-  Bắc Khánh Hòa gắn với Tây Nguyên- với vùng đông bắc Camphuchia - với Nam Lào và Thái Lan.

 

HIẾU NGỌC - HOÀI  TRUNG

 

Thêm tuyến đường mới  nối với Gia Lai

 

Với Phú Yên, quốc lộ 25 là một trong hai cửa ngõ lên với Tây Nguyên thông qua Gia Lai. Con đường mà 35 năm trước là nỗi kinh hoàng của quân đội Sài Gòn trên đường tháo chạy khỏi Tây Nguyên về duyên hải Nam Trung bộ, giờ là trục giao thông quan trọng của cả Phú Yên và Gia Lai. Nhưng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, đặc biệt là yêu cầu bức thiết trong việc đánh thức tiềm năng vùng tây bắc Phú Yên và đông Gia Lai, việc mở thêm “cửa” lên với Tây Nguyên đã được tính đến từ những năm về trước.

 

Ý tưởng đó của lãnh đạo hai tỉnh đã trở thành hiện thực khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho triển khai dự án nâng cấp tuyến đường nội bộ nối Phú Yên với Gia Lai. Tuyến đường dài 112km trong đó có 38km được làm mới hoàn toàn nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

 

Tuyến đường mới nối liền đường đông Trường Sơn đi qua huyện Kông Chro và các tỉnh lộ 662, 667 thuộc Gia Lai với trục dọc miền tây Phú Yên tại km31 thuộc xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Trục dọc miền tây Phú Yên tạo nên sự liên kết giữa huyện Vân Canh (Bình Định) đi qua 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh nối với huyện MaĐrắc (Đắk Lắk). Như vậy khi tuyến đường mới nối Phú Yên với Gia Lai hình thành thì cũng đồng nghĩa với việc các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk có thêm cửa ngõ thông thương. Song điều quan trọng hơn là một số địa phương như huyện Vân Canh (Bình Định), Đồng Xuân (Phú Yên), MaĐrắk (Đắk Lắk), Kông Chro (Gia Lai) lâu nay gặp nhiều khó khăn do giao thông cách trở, thường bị cô lập vào mùa mưa bão sẽ có thêm cơ hội để vượt khó, phát triển. Tuyến đường cũng sẽ góp phần đắc lực trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn và thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

 

THANH HOÀI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek