Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có gần 350 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 2,84 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn đầu tư đăng ký tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; sau đó là các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp. Các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương vẫn thu hút được nhiều vốn FDI hơn các địa bàn khác.
Theo phân tích của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, tuy chưa tăng đột biến về lượng dự án và lượng vốn đăng ký nhưng nửa đầu năm nay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã ghi nhận những dự án có ý nghĩa kinh tế cao, hàm chứa trình độ công nghệ cao - lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần. Chẳng hạn như Tập đoàn Intel của Mỹ với 605 triệu USD vào Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Tây Hồ Tây với 314 triệu USD đầu tư xây dựng khu đô thị tại Hà Nội, Công ty Winvest Investment với dự án trị giá 300 triệu USD....
Thời gian này cũng tiếp tục chứng kiến sự phát triển khá nhanh và bền vững của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam với tổng doanh thu 12,45 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ ngoái; trong đó, xuất khẩu đạt trên 6,64 tỷ USD, tăng 30,8%.
Về lao động trực tiếp trong khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tính từ cuối tháng 6/2005 đến nay, tổng số lao động đã gia tăng từ khoảng 829.000 người lên trên 1 triệu người, tăng gần 29%.
Bên cạnh đó, tiến độ của nhiều dự án cấp phép đã được triển khai khá nhanh trong nửa đầu năm nay, với tổng số vốn thực hiện ước đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một “làn sóng mới” của các nhà đầu tư nước ngoài hướng vào Việt Nam như dự báo từ đầu đến nay vẫn chưa mang tính bền vững. Một phần là do không ít nhà đầu tư đang chờ những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới; mặt khác là do tác động của tình trạng đình công xảy ra trên diện rộng những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay.
VOV