Tính đến thời điểm này, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn Phú Yên ước đạt 1.420,2 tỷ đồng, đạt 56,58% kế hoạch năm và tăng 21% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng qua. Trong ảnh: Chế biến nhân hạt điều xuất khẩu tại Công ty Vật tư tổng hợp Phú Yên - Ảnh D.T.X
Mặc dù từ đầu năm đến nay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhưng các DN đã tích cực tìm nhiều biện pháp đẩy mạnh hoạt động SXKD, nhất là các DN thuộc ngành công nghiệp chế biến. Đây là ngành chiếm giữ tỷ trọng lớn trong nội bộ ngành công nghiệp (GTSXCN chiếm trên 92% trong kế hoạch của toàn ngành) với giá trị SXCN đạt 1.303,6 tỷ đồng, tăng 21,76% so cùng kỳ. Riêng GTSXCN của 32 dự án hoạt động tại các khu công nghiệp đạt 164,5 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ và chiếm 11,5% GTSXCN toàn ngành. Các sản phẩm chủ lực có giá trị lớn ở một số lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp chế biến đạt được mức tăng trưởng khá là bia các loại, nước giải khát, tinh bột sắn, sản phẩm may mặc, sản phẩm mộc xuất khẩu, trang in thành phẩm, dăm nguyên liệu giấy, gạch Tuynel, lắp ráp xe máy, ximăng, đá granit thành phẩm, thuốc chữa bệnh…
Bên cạnh những sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao thì một số sản phẩm quan trọng như hải sản các loại, đường kết tinh công nghiệp, nhân hạt điều xuất khẩu lại giảm. Theo nhiều chủ doanh nghiệp nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, thứ đến là thiếu vốn lưu động và tình hình tiêu thụ gặp khó khăn.
6 tháng đầu năm, Phú Yên có thêm 16 doanh nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần tăng giá trị SXCN cuả ngành. Nhờ vậy, hàng hóa công nghiệp Phú Yên có thêm những sản phẩm mới phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu như: sản phẩm giấy kraft của Công ty TNHH Tân Bình Phú, đũa xuất khẩu của Công ty TNHH Quan Han, đậu bắp đông lạnh xuất khẩu của Công ty TNHH Nông lâm Hồng Hà, cồn thực phẩm của Công ty mía đường Tuy Hòa.
Theo ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên: Tình hình sản xuất của toàn ngành vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu nông, lâm, thủy sản. Do một số DN chưa phát huy được 100% năng lực sản xuất, thiếu nguyên liệu, vốn. Bên cạnh đó nhiều dự án sản xuất công nghiệp đầu tư kéo dài do năng lực tài chính của doanh nghiệp không đủ mạnh nên chưa đạt tiến độ đề ra. Nhiều DN chưa chú ý đến việc xây dựng chiến lược SXKD cho đơn vị, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định gắn với DN. Những nguyên nhân đó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp và kế hoạch sản xuất của toàn ngành.
BÍCH HÀ