Thứ Hai, 30/09/2024 04:27 SA
Để thoát khỏi “điệp khúc” đến hè thiếu nước sinh hoạt
Thứ Ba, 27/06/2006 08:03 SA

Mỗi năm đến hè, chuyện thiếu nước sinh hoạt cho dân lại nổi lên. Các chương trình, dự án nước sạch đã được triển khai nhưng hiệu quả chẳng đạt là bao. Vậy phải làm thế nào để “điệp khúc” thiếu nước sinh hoạt này đứng “trỗi” lên nữa?

 

7 NĂM, THÊM 15% DÂN SỐ CÓ NƯỚC SINH HOẠT

 

060626-nuoc1.jpg
Ở một số làng biển, người dân phải đi mua nước sạch vào mùa nắng nóng - Ảnh: Đức Thông
Vào năm 1999, việc khảo sát tỷ lệ dân số có sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho kết quả. Toàn tỉnh chỉ có 33% dân số được đảm bảo nước sinh hoạt vào mùa nắng nóng, trong đó, khu vực miền núi chỉ có dưới 15% dân số có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, còn nhiều khu vực ven biển chỉ đảm bảo được nước sạch cho 15 - 30% dân số. Nhiều vùng trong tỉnh có những khu vực liên tục thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Phú Yên có nhiều nguồn nước, lượng mưa hằng năm bình quân thuộc loại trung bình cao nhưng vì địa hình phức tạp, nhiều đồi núi có độ dốc lớn nên khả năng giữ nước mặt đất thấp. Trong khi đa phần dân cư là nông dân làm ăn nhỏ, sống trong các thôn, buôn có dân cư không đông nên khả năng khai thác hiệu quả các nguồn nước là vấn đề còn đang bỏ ngỏ.

 

Một số mô hình cung cấp nước sinh hoạt được triển khai ở tỉnh thông qua nhiều nguồn hỗ trợ như việc tổ chức UNICEF, xây dựng các giếng bơm tay cho đồng bào. Nhưng mô hình này dần dần cho thấy chỉ phù hợp với một số vùng có mặt nước ngầm tĩnh không sâu. Riêng đối với những khu vực có địa hình phức tạp, núi đá, mực nước tĩnh sâu trong đất dần được thay bằng các công trình nước tự chảy hoặc bơm điện.

 

Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên Nguyễn Hữu Thứ cho biết: Từ năm 1999 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 35 công trình cấp nước tập trung cùng với hàng loạt những giếng đào, công trình của các chương trình khác và người dân tự đầu tư thực hiện đã đưa tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 48%. Số tiền để thực hiện 35 công trình trên là hơn 36,4 tỷ đồng. Nhiều công trình gần đây đã được xây dựng theo hình thức tập trung, sau đó dẫn ống đến trước nhà từng cụm dân cư; người dân đưa ống dẫn nước vào nhà.

 

Trong năm 2006, Phú Yên dành kinh phí 6 tỷ đồng để thực hiện chương trình này. Hiện các địa phương đang được tiến hành xây dựng công trình cấp nước tập trung là thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ (Đồng Xuân); xóm Đồng Môn, xã An Hải và một công trình tại xã An Thạch (huyện Tuy An); thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội (Phú Hòa). Ngoài ra, một công trình chuẩn bị triển khai tại thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh).

 

20% CÔNG TRÌNH KHÔNG PHÁT HUY HIỆU QUẢ

 

Tuy đã có nhiều công trình được hoàn thành và đi vào hoạt động như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Hữu Thứ, vẫn có tới 20% số công trình được xây dựng đã không phát huy được hiệu quả cần có.

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU ẢNH HƯỞNG CỦA HẠN HÁN ĐẾN VIỆC CUNG CẤP NƯỚC SINH HOẠT CHO NGƯỜI DÂN

 

I/ Nhóm giải pháp trước mắt:

 

- Sửa chữa ngay các công trình cấp nước bị hư hỏng, đặc biệt chú ý máy bơm để vận hành tốt. Kiểm tra và khắc phục ngay sự cố rò rỉ, tiêu hao nước trên hệ thống đường ống dẫn nước và các điểm tiêu thụ nước.

 

-Khơi sâu thêm giếng đào, mở rộng diện tích thu nước của giếng đào, có thể kết hợp giếng khoan bên trong lòng giếng đào để khai thác nước ngầm tồn tại sâu trong lòng đất.

 

- Nạo vét, khơi thông làm sạch đầu nguồn, nơi thu nước của các hệ thống tự chảy, hệ thống bơm dẫn nước. Nếu lượng nước chảy đến công trình thu nước hạn chế cần điều chỉnh chế độ bơm gián đoạn và cấp nước hợp lý theo giờ.

 

- Bơm dẫn nước bằng ống dẫn nước tạm thời từ nơi còn nguồn nước đến điểm công cộng để nhân dân đến lấy nước.

 

- Mở rộng quy mô cung cấp nước, mở thêm các điểm cung cấp nước của những hệ thống cấp nước tập trung mà nguồn nước vẫn còn khả năng.

 

- Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước sạch đang xây dựng và khẩn trương đưa vào hoạt động.

 

- Chuyên chở nước đến nơi hạn hán  nếu không thể tìm được nguồn nước tại chỗ. Tuy nhiên, cần chú ý dụng cụ chứa nước để bảo đảm vệ sinh, không lãng phí.

 

II/ Nhóm giải pháp lâu dài:

 

- Nghiêm cấm phá rừng, phòng chống cháy rừng và phát triển trồng rừng để tăng cường khả năng chứa, giữ nước.

 

- Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước và cân đối, điều tiết khai thác sử dụng nước hợp lý cho các mục đích khác nhau.

 

- Tăng cường phát triển nguồn nước bền vững bằng nhiều cách.

 

- Điều tra, khảo sát và quan tâm đúng mức khai thác nước ngầm tầng sâu một cách hợp lý, đặc biết với những khu vực nguồn nước mặt thường xuyên bị cạn kiết.

 

- Chú trọng xây dựng các công trình cấp nước bền vững, ít chịu tác động của yếu tố khí tượng như khai thác nước ngầm tầng sâu, khai thác nước từ các hồ chứa lớn; hỗ trợ các phương tiện giữ nước cho các đối tượng nghèo...

Nguyên nhân chủ yếu nhất, theo ông Thứ là các địa phương được đầu tư công trình đã không thực hiện đúng các yêu cầu về quản lý, khai thác công trình sau đầu tư. Thứ đến là việc phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp ồ ạt mà không có hoạch định, đánh giá cụ thể về việc sử dụng và khả năng gây ảnh hưởng đến nguồn nước. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự thay đổi về môi trường có tác động của sản xuất.

 

Hiện tại, hai công trình cấp nước tập trung tại Tân Hội và Tân Lương của xã Sơn Hội huyện Sơn Hòa là phát huy được hiệu năng lớn nhất nhờ khả năng quản lý, khai thác sau đầu tư được chú ý thực hiện đúng mức. Đa phần các công trình còn lại không đạt được hiệu quả vì dân số sống tại những khu vực thiếu nước sinh hoạt thường là đồng bào đặc biệt khó khăn, khả năng đóng góp chi phí để tạo nguồn quản lý, sửa chữa công trình hầu như không có. Tại đây, những công trình cấp nước nông thôn chỉ hoạt động dưới dạng phúc lợi xã hội, đã có trường hợp cháy cả máy bơm như xã EaLâm (huyện Sông Hinh) do không có người quản lý. Trong mùa khô năm 2005, UBND huyện đã phải trích ngân sách để mua nước chuyên chở từ nơi khác đến nhiều vùng trong huyện cho nhân dân sử dụng, mà nặng nề nhất là xã EaLâm.

 

Đối với nhiều vùng ven biển, nguồn nước vốn hay bị nhiễm mặn, sự phát triển ồ ạt chăn nuôi thủy sản nước mặn làm cho mực nước ngọt ngầm càng bị nhiễm mặn nhiều hơn. Hoặc nhiều công trình được khảo sát tại những vị trí được cho là có nguồn nước, nhưng do phá rừng, biến động môi trường làm nguồn nước di chuyển hoặc suy kiệt.

 

Gần đây, tổ chức DANIDA (Đan Mạch) đã nhận lờn viện trợ không hoàn lại cho một số tỉnh khu vực miền Trung bao gồm: Ninh Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông mở rộng chương trình cung cấp nước sinh hoạt cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, để tránh những trường hợp không hiệu quả có thể làm cho suất đầu tư tăng lên bởi phải bổ sung kinh phí sửa chữa, xây dựng lại thì vẫn có những việc cần làm ngay từ trong cơ chế.

 

GẮN TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ CHO CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

 

Trong khi các tổ chức nỗ lực xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân sử dụng, nhưng các tổ chức này, kể cả Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên, cũng không có lực lượng và kinh phí để xây dựng đội ngũ quản lý, điều hành sau đầu tư. Trong khi đó, chính quyền các địa phương được đầu tư công trình cũng không có kinh phí thực hiện.

 

Được biết, ngay từ khi bắt đầu chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của từng cấp: “cấp xã là cấp hành chính cơ sở gần gũi nhất với người dân, sẽ phối hợp với người sử dụng, nhóm người sử dụng, các tổ chức quần chúng, nhất là Hội phụ nữ và các ngân hàng để thực hiện phần lớn chức năng hỗ trợ của Nhà nước đối với cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Cấp xã là người điều phối và tư vấn cho người sử dụng, là người thực hiện kế hoạch cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn của xã mình”. Nhưng tại Phú Yên, chủ trương này vẫn chưa được thực hiện.

 

Vấn đề là chương trình này không nên dừng lại ở mức hỗ trợ của Nhà nước, viện trợ của các tổ chức quốc tế mà cần phải thu hút các thành phần kinh tế khác cùng thực hiện. Muốn vậy, những hành lang pháp lý trong mọi chủ trương cùng với trách nhiệm từng cấp phải được xây dựng ngay. Người sử dụng cũng có thể được vay tiền của “quỹ tín dụng Cấp nước sạch và Vệ sinh nông thôn” để chi trả cho phần họ phải đóng góp. Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên cho biết: Đơn vị đã tiến hành khảo sát chủ trương này và đã có tờ trình xin vốn Trung ương thành lập quỹ nhằm giúp người dân có thể vay.

 

Thực hiện được những vấn đề trên thì hiệu quả đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia này sẽ được tăng lên đáng kể nhằm đạt mục tiêu 100% dân số có nước sinh hoạt mùa khô vào năm 2020.

 

LY KHA 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chưa thu hút khách hàng
Chủ Nhật, 25/06/2006 14:50 CH
Luật Phá sản... phá sản
Chủ Nhật, 25/06/2006 14:12 CH
Đổi thay ở Buôn Ma Đao
Thứ Bảy, 24/06/2006 11:11 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek