Chủ Nhật, 06/10/2024 15:19 CH
Để quản lý hiệu quả chất thải rắn
Thứ Năm, 01/10/2009 16:06 CH

Quản lý chất thải rắn bao gồm các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy và thải loại chất thải. Thế nhưng, các hoạt động đó chưa được thực hiện đồng bộ, đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương.

 

thu-gom-rac090901.jpg

Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà và Công trình đô thị TP Tuy Hòa thu gom rác thải  - Ảnh: N.T

 

NHIỀU BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN

 

Những năm gần đây, phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các đô thị, các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được mở rộng, phát triển nhanh chóng, một mặt đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, mặt khác tạo ra lượng lớn chất thải rắn bao gồm chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện. Các chất thải nói trên nếu không được quản lý tốt sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

 

Theo số liệu điều tra, mỗi năm Việt Nam có khoảng 15 triệu tấn chất thải phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó 80% chất thải sinh hoạt, 17% chất thải công nghiệp. Với tỉ lệ thu gom mới đạt khoảng 70% như hiện nay thì lượng rác còn tồn đọng trong môi trường khoảng 40- 60 triệu tấn/năm. Việc quản lý chất thải rắn chưa đáp ứng tình hình thực tế do những tồn tại chủ yếu sau đây: Công tác quy hoạch, xây dựng các bãi rác hợp vệ sinh ở một số tỉnh, thành phố còn gặp khó khăn về quỹ đất, vốn đầu tư xây dựng, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân ở vùng dự kiến quy hoạch xây dựng bãi rác; việc phân loại rác thải từ các đô thị làm khó khăn thêm cho việc tái chế, xử lý chất thải; chưa có mức phí hợp lý cho quản lý chất thải, mức thu phí hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý chất thải; một phần đáng kể chất thải y tế thu gom từ các bệnh viện, trạm y tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc chữa bệnh chưa được tiêu hủy tại các lò đốt đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường, còn chôn lấp chung với chất thải sinh hoạt; thiếu các văn bản kỹ thuật hướng dẫn về quản lý chất thải nguy hại như các tiêu chuẩn về chất thải nguy hại, hướng dẫn nhận biết về chất thải nguy hại; chưa có đủ các biện pháp, công nghệ, thiết bị phù hợp để xử lý các chất thải nguy hại…

 

TRÁCH NHIỆM CÁC BÊN LIÊN QUAN

 

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý phù hợp với các hoạt động quản lý chất thải bao gồm các quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới luật cũng như các văn bản của các bộ, ngành liên quan.

 

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2005, tổ chức, cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng để hạn chế đến mức thấp nhất lượng chất thải phải tiêu hủy, thải bỏ. Theo đó, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ như: nguồn phóng xạ sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; dầu nhớt, mỡ bôi trơn, bao bì khó phân hủy trong tự nhiên; sản xuất thuốc, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản; thuốc chữa bệnh cho người; phương tiện giao thông; săm, lốp; sản phẩm khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Điều 67).

 

Đối với UBND các cấp có trách nhiệm lập quy hoạch, bố trí mặt bằng cho việc tập kết chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng hệ thống xử lý tập trung, khu chôn lấp chất thải; kiểm tra, giám định các công trình công cộng phục vụ quản lý chất thải thuộc phạm vi quản lý của mình; ban hành và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật. Riêng đối với chất thải nguy hại, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn có trách nhiệm tổ chức thống kê, đánh giá về chất thải nguy hại trên địa bàn phù hợp; bố trí mặt bằng, các điều kiện cần thiết cho quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn phù hợp với quy hoạch thu gom, xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại đã được phê duyệt; cấp giấy phép và mã số hoạt động quản lý chất thải nguy hại cho tổ chức tham gia quản lý chất thải nguy hại có phạm vi hoạt động trên địa bàn trừ các trường hợp theo Nghị định 80/2008/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý chất thải nguy hại.

 

CÁC HOẠT ĐỘNG ƯU TIÊN TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN

 

Thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao thực hiện các dịch vụ quản lý chất thải sinh hoạt với chi phí hợp lý, có hiệu quả, đồng thời tập trung vào các khu vực ưu tiên và áp dụng công nghệ phù hợp. Do vậy, ưu tiên vẫn là làm thế nào bảo đảm vận hành đúng kỹ thuật các bãi chôn lấp hiện có, mở rộng các hoạt động thu gom chất thải đến các khu vực chưa có dịch vụ thu gom, nâng cao hiệu quả thu gom, cải tiến các dịch vụ quản lý chất thải khác.

 

Cần sớm thực hiện quy hoạch, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải công nghiệp nguy hại theo từng vùng, khu công nghiệp, cụm nhà máy, các hệ thống xử lý và tiêu hủy chất thải nguy hại trong nhà máy. Tăng cường đầu tư bổ sung cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực tổ chức, cải thiện hoạt động quản lý tài chính và tạo ra các biện pháp khuyến khích quản lý chi phí hiệu quả cho các đơn vị làm dịch vụ môi trường. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực các cơ quan điều phối về theo dõi, giám sát và cưỡng chế thực hiện các quy định về môi trường đối với các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung, chất thải nguy hại nói riêng là việc làm rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

 

Cần nâng cao nhận thức cộng đồng về những tác hại gây ra do quản lý chất thải không đúng quy định cũng như trách nhiệm của cá nhân, tổ chức phải chi trả các dịch vụ quản lý chất thải tốt hơn. Tạo các cơ chế khuyến khích đối với hoạt động giảm thiểu và tái chế chất thải như áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, phát triển thị trường cho các sản phẩm tái chế, phân loại rác tại nguồn. Phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý chất thải như đảm nhận thu gom chất thải, thu phí, quản lý hệ thống thu gom, tham gia các chương trình phân loại chất thải tại nguồn…

     

TS. TRẦN THẾ LOÃN

Cục phó Cục Kiểm soát ô nhiễm

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek