Thứ Sáu, 29/11/2024 11:31 SA
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng:
Phải dập tắt ngay dịch lở mồm long móng
Thứ Bảy, 13/05/2006 08:21 SA

* Hỗ trợ 10.000 đồng/kg thịt heo hơi và 12.000 đồng/kg thịt trâu, bò bị  tiêu hủy

 

Chiều 11-5, tại Văn phòng Chính phủ, với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Y tế, Tài chính, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư và Văn hóa thông tin, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh lở mồm long móng ở gia súc (LMLM).

 

DỊCH LAN RỘNG DO CHỦ QUAN, NHẬN THỨC CHƯA ĐÚNG

 

060512-Bo-1.jpg
Người dân chăm sóc bò bị lở mồm long móng – Ảnh: TTO
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, dịch LMLM diễn biến rất phức tạp, so với các tháng đầu năm, từ tháng 4 và tháng 5 đến nay, dịch bệnh phát triển cả về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt với sự xuất hiện của chủng virus mới ASIA1 có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng gây khó khăn cho công tác phòng dịch. Việc lây lan không chỉ do tiếp xúc giữa động vật khỏe với động vật mắc bệnh mà còn qua nhiều đường, kể cả không khí. Theo báo cáo của Bộ NN- PTNT, dịch LMLM vẫn còn xuất hiện ở 183 xã, phường của 74 quận, huyện thuộc 21 tỉnh, TP. Dịch lây lan nhanh là do các cấp, ngành và người chăn nuôi chưa nhận thức được tính chất nguy hiểm của bệnh LMLM, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các ổ dịch cũ không được xử lý triệt để, đồng thời chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc buôn bán vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật qua biên giới...

 

Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho rằng bệnh lây lan nhanh và khó phòng chống vì các địa phương ỷ lại quá nhiều vào Trung ương và vắc xin cũng rất đắt. Tuy nhiên, theo một quan chức của Vụ Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ thì để xảy ra dịch lan rộng có phần trách nhiệm của Bộ NN- PTNT do đã bị động.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định đây là dịch bệnh không mới nhưng việc triển khai chống dịch còn chậm, thiếu cụ thể, thiếu tập trung, không quyết liệt, xuất phát từ nhận thức của các ngành, cấp chưa tốt.

 

TẬP TRUNG MỌI NGUỒN LỰC ĐỂ NGĂN CHẶN DỊCH

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các địa phương, bộ ngành có trách nhiệm cần rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tình hình dịch bệnh trong những tháng qua và tập trung mọi nguồn lực để bao vây, khống chế, dập tắt và nhanh chóng thanh toán cho được dịch bệnh LMLM. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Bộ NN- PTNT phải xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai Chương trình thanh toán bệnh LMLM giai đoạn 2006-2010. Các tỉnh có dịch cần lập ngay ban chỉ đạo phòng, chống dịch LMLM tại địa phương theo đúng Pháp lệnh Thú y, theo hướng dẫn của Bộ NN -PTNT, tập trung chỉ đạo bao vây, khống chế, dập tắt ngay các ổ dịch.

 

Bộ NN-PTNT chủ động phân bổ nguồn vắc xin dự trữ quốc gia, kinh phí tiêm phòng, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM. Bộ Tài chính và các ngành hữu quan nhanh chóng ban hành quyết định chính sách hỗ trợ tài chính cho các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM. Trước mắt phải tập trung phong tỏa nơi xảy ra dịch, không để lây lan sang nơi khác. Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Trong vòng 5 năm tới, bằng mọi giá phải thanh toán bệnh LMLM trên phạm vi cả nước”.

 

Trước ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đại diện Bộ Tài chính cho hay hiện bộ này đang hoàn chỉnh thông tư hướng dẫn hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch LMLM. Theo đó, vùng dịch phải bắt buộc tiêu hủy toàn bộ được hỗ trợ 100% gia súc tiêu hủy, ở vùng đệm là 50%. Cụ thể hỗ trợ 10.000 đồng/kg thịt heo hơi và 12.000 đồng/kg thịt trâu, bò. Ngoài ra, các chủ chăn nuôi phải tiêu hủy toàn bộ đàn gia súc sẽ được khoanh nợ 1 năm đối với heo và 2 năm đối với trâu, bò. Bên cạnh đó, kế hoạch thanh toán bệnh LMLM trong giai đoạn 2006-2010, với kinh phí từ 250 tỉ đồng cũng sớm được triển khai thực hiện.

 

Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, sở y tế các địa phương có dịch, đề nghị phối hợp với cơ quan thú y tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên gia súc, phát hiện sớm các ca mắc bệnh đầu tiên ở người. Xử lý triệt để các ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch lây lan sang người.                                  

 

      (NLĐ)

 

NGƯỜI CŨNG CÓ KHẢ NĂNG BỊ LÂY

 

Người cũng bị lây bệnh khi tiếp xúc với vật bị bệnh. Khi mắc bệnh, ở người có những biểu hiện: sốt cao; mụn nhỏ mọc ở lợi, niêm mạc miệng làm cho viêm loét miệng; mụn nước cũng mọc ở các đầu cánh tay, ngón, bàn tay, chân, mặt… làm mẩn ngứa khó chịu. Mụn nước vỡ ra và mất đi nhanh. Trường hợp bệnh nặng, người có thể bị nôn mửa, viêm ruột cấp, tiêu chảy dữ dội…

 

TẠI SAO BỆNH LMLM DỄ THÀNH ĐẠI DỊCH

 

Bệnh LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên động vật móng guốc chẵn (trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai…). Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) xếp bệnh này ở vị trí số 1 trong bảng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật do một số đặc trưng sau:

 

1. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh, mạnh; sự lây lan không chỉ do tiếp xúc trực tiếp giữa động vật khỏe mạnh và động vật mắc bệnh mà còn gián tiếp qua nhiều đường khác, kể cả qua không khí. Vì vậy, bệnh dễ phát thành đại dịch.

 

2. Virus LMLM đã được xác định có 7 tuýp (A, O, C, SAT1, Sat2, Sat3 và ASIA1) và hơn 60 tuýp phụ. Do đó, việc phòng bệnh bằng vắc-xin rất khó khăn.

 

3. Bệnh thường gây thiệt hại lớn cho các loài gia súc chăn nuôi cao sản.

 

4. Thái độ chủ quan của người dân, do khả năng lây lan sang người ít.

 

5. Gia súc lành bệnh vẫn mang trùng 2 - 3 năm.                      

 

   (Nguồn: Bộ NN&PTNT)

 

KHÔNG ĂN THỊT, SỮA CỦA GIA SÚC MẮC BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG

 

Ngày 11-5, Bộ Y tế đã có văn bản số 3567/BYT-DP về việc phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc lây sang người để người dân có các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Ngành y tế khuyến cáo người dân nên sử dụng thịt gia súc nấu chín kỹ trước khi ăn; không ăn thịt, sữa và các sản phẩm của gia súc mắc bệnh; tránh tiếp xúc với gia súc mắc bệnh; tiêu hủy gia súc mắc bệnh. Nếu phải tiếp xúc với gia súc mắc bệnh thực hiện tốt biện pháp phòng hộ cá nhân; tiêu hủy gia súc mắc bệnh, xử lý chuồng trại chăn nuôi bằng hoá chất khử khuẩn mạnh như vôi bột, Chloramin B.

 

Trường hợp tiếp xúc với gia súc mắc bệnh cần giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; phối hợp với Sở NN&PTNT tăng cường giám sát dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp gia súc nghi nhiễm bệnh để cách ly, xử lý triệt để. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là thịt và các sản phẩm của gia súc; đảm bảo dự trữ đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và cán bộ cho công tác điều trị và phòng chống dịch.

 

Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật để giúp các địa phương chủ động phòng chống dịch và dập dịch khi có đề nghị của địa phương.             

                                                     

(TTXVN)

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek