“Theo tiêu chí mới, Ea Bar hiện có đến 43% hộ nghèo. Khó khăn thì nhiều, kể không biết bao giờ hết, nhưng phải tìm cách đứng dậy từ trong khó khăn, phải làm cho tỉ lệ đó giảm càng nhanh càng tốt. Chúng tôi đã hoạch định một số hướng đi lớn và tin rằng mình sẽ thành công” – Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) Phan Thanh Quyền nói thế.
Cao su và cà phê chè trồng xen trong một trang trại hỗn hợp ở Ea Bar - Ảnh: K.Duy |
Được tách ra từ xã Ea Bá năm 1992, đến nay Ea Bar vẫn là xã nghèo nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Một xã mà địa hình chủ yếu là đồi núi, cư dân thưa thớt, chủ yếu là người Êđê, người Kinh thì mới lên đây sau này, còn có thêm một số dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu... muốn thay đổi được tập quán sản xuất, làm ăn của bà con không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, nhờ nỗ lực của Đảng ủy và UBND xã, cùng với sự đầu tư lớn từ Chương trình 135, các dự án Cơ sở hạ tầng dựa vào cộng đồng, Chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh... Ea Bar đã có những đổi thay nhanh chóng.
MỞ RỘNG DIỆN TÍCH LÚA NƯỚC
Cũng như nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác, đa số bà con ở Ea Bar trước đây chỉ làm lúa rẫy, diện tích hẹp, năng suất bấp bênh nên chuyện đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. “Ea Bar là vùng đất đai màu mỡ mà để dân đói là chuyện khó chấp nhận được. Đã có đập dâng buôn Thứ rồi, phải phát triển mạnh mẽ lúa nước, đời sống người dân mới ổn định được” – Chủ tịch UBND xã Ea Bar Ma Rin cho biết vậy. Cho đến nay, Ea Bar là một trong những xã miền núi Phú Yên có diện tích lúa nước lớn: 198ha, năng suất ổn định ở mức 4,5 tấn/ha. Tiếp tục mở rộng diện tích lúa nước là điều mà người Ea Bar đang quyết tâm thực hiện. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa V ghi rõ: Cho đến năm 2010, diện tích lúa nước của xã phải đạt là 250ha, năng suất 5 tấn/ha. Tất nhiên, người dân Ea Bar hy vọng họ sẽ mở mang diện tích lúa nước vượt hơn chỉ tiêu đó, bởi 50 ha cho 5 năm chỉ là một con số khiêm tốn.
Bên cạnh việc phát triển lúa nước, sản xuất nông nghiệp của Ea Bar còn khá đa dạng với nhiều loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như sắn, bắp lai, mè, dưa lấy hạt... Trong đó, sắn mì và bắp lai đang mang lại cuộc sống khá sung túc cho nhiều hộ dân nơi đây. Hai loại cây này cũng đang được Ea Bar mở rộng diện tích: hiện người dân đang canh tác 351ha bắp lai và 423ha sắn cao sản.
PHÁT TRIỂN MẠNH ĐÀN BÒ
Ea Bar hiện có 13 trang trại, trong đó phần lớn là nuôi bò đàn. Đàn bò của Ea Bar hiện có 3.580 con, riêng bò lai sind có gần 600 con – những con số đáng tự hào của một xã vùng núi còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Hét nói: “Làm lúa nước là để đảm bảo lương thực tại chỗ, không ai còn đói nữa. Nhưng muốn làm giàu, muốn mua xe, xây nhà thì phải nuôi bò. Con bò đang làm cho Ea Bar chúng tôi thay da đổi thịt đó”.
Nhờ nuôi bò đàn, Ma Min và nhiều người khác ở Ea Bar đã trở thành triệu phú - Ảnh: K.Duy
Ma Min ở buôn Quen là một trong những triệu phú có tiếng ở Ea Bar nhờ nuôi bò đàn. Đàn bò của anh hiện đã có hơn 100 con, Ma Min cho biết anh phải mướn người chăn dắt, tiền công trả mỗi năm là nuôi 30 con được trả 1 con bò trưởng thành. “Nhờ được cán bộ trên tỉnh về hướng dẫn chăn nuôi, tôi đã thành công với trang trại bò này. Con bò đã góp phần để tôi phát triển những loại sản xuất khác. Đó là làm 3ha mì, 5 sào cà phê chè, 1ha mè, 2ha cao su, 5 sào lúa nước... mua được máy cày đại, cất nhà chắc chắn và nuôi hai con ăn học đàng hoàng” – Ma Min thổ lộ. Không nhiều bò như Ma Min, Ma Nhao chỉ có hơn 50 con, nhưng đàn bò này đã giúp anh trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã nhiều năm liền. Ma Nhao tâm sự: “Năm 1999, nhờ vốn vay xóa đói giảm nghèo, vợ chồng tôi có 3 triệu đồng mới mua được một đôi bò, gầy dựng dần thành đàn bò bây giờ. Có bò, tôi cũng làm như Ma Min, bây giờ đang canh tác hơn 12 ha các loại cây sắn, cà phê, bắp, lúa...”
Ea Bar đang phấn đấu để năm 2010, tổng đàn bò của xã tăng lên 5.500 con và 25% trong số đó là bò lai.
“ĐẤT LÀNH” CỦA CAO SU
Thổ nhưỡng, khí hậu Ea Bar tỏ ra rất phù hợp với cây công nghiệp. Hơn 200ha cà phê chè cho năng suất 17 tấn/ha đang mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Ea Bar. Bên cạnh cà phê chè, Ea Bar còn trồng điều ghép, mía cao sản... và đặc biệt đây là “mảnh đất lành” của cao su. Toàn xã hiện có 400ha cao su tiểu điền trồng theo Dự án đa dạng hóa nông nghiệp. Ea Bar cùng với xã lân cận Ea Ly là hai địa phương được quy hoạch trồng cao su lớn nhất của Phú Yên.
Những trang trại cao su của Cao Nguyên Lâm, Cao Đắc Hãng, Ma Đuông... tràn ngập một màu xanh sung túc. Những lô cao su trồng từ giai đoạn 2001 đến nay đã đạt độ cao trên 5m, đường kính thân cây đã hơn 2 tấc và theo lời Cao Nguyên Lâm thì khoảng 1-2 năm nữa là có thể thu hoạch vụ mủ đầu tiên, sớm hơn 2-4 năm so với thời gian dự kiến của dự án. Một thông tin đáng phấn khởi cho Ea Bar là Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (thuộc Tổng Công ty Cao su) đã đến đây khảo sát và quyết định xin phép UBND tỉnh cũng như các ngành chức năng đầu tư dự án Thiết lập vườn cao su chất lượng cao và Trạm thực nghiệm cao su Ea Bar. Nếu được đồng ý, dự án sẽ lập trạm thực nghiệm cao su tại buôn Chung nhằm chuyển giao các tiến bộ về kỹ thuật nông nghiệp và công nghệ chế biến cao su tiểu điền cho đồng bào dân tộc; Thiết lập các thí nghiệm về nông học; Thiết lập nhà máy chế biến mủ cao su tờ để nâng cao giá trị thương mại trên địa bàn; Triển khai các chương trình khuyến nông cho nông dân... Ngoài ra, dự án còn trồng 500ha vườn cao su chất lượng cao làm mô hình trình diễn và sử dụng lao động tại địa phương, tạo việc làm nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là đối tượng dân tộc thiểu số miền núi…
Với lúa nước, bò đàn và cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su, một tương lai tươi sáng đang mở ra đối với vùng đất nghèo Ea Bar.
QUỐC THANH