Các tỉnh duyên hải có tiềm năng nuôi hàu rất lớn, trong đó có Phú Yên. Hàu Crassostrea lugubris thương phẩm nuôi từ 8 tháng đến 1 năm có kích thước vỏ hàu khoảng 8 - 10cm, nặng từ 50 - 56g/con. Tuy nhiên, từ trước đến nay, người dân vẫn nuôi dựa theo kinh nghiệm và mang tính tự phát. Chính vì thế, một số người đã thất bại do xác định không đúng thời điểm lấy giống trong tự nhiên. Do vậy, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ phát triển nguồn lợi hàu phục vụ cho việc phát triển đa dạng sinh học, cho môi trường và tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định”. Công trình này tập trung nghiên cứu quy trình công nghệ phát triển loài hàu Crassostrea lugubris (dân gian vẫn gọi là hàu sữa) được xác định thời điểm thả vật bám lấy giống ngoài tự nhiên thích hợp nhất, khâu then chốt quyết định sự thành công hay thất bại của người nuôi, đến lựa chọn vật bám, phương pháp thả vật bám để lấy giống; kỹ thuật nuôi hàu thương phẩm theo 3 hình thức đóng cọc, lồng treo và nuôi đáy; công đoạn thu hoạch và xử lý nâng cao an toàn chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Các nhà khoa học cũng đã xây dựng thành công quy trình chế biến bột hàu Crassostrea lugubris ở quy mô phòng thí nghiệm bằng kỹ thuật enzim thủy phân. Theo quy trình thủy phân này, cứ 8kg thịt hàu tươi đông lạnh, thu được 0,55kg chế phẩm bột hàu thủy phân. Chi phí đầu tư nuôi hàu không cao do giống có thể lấy hoàn toàn trong tự nhiên, thức ăn sẵn có trong tự nhiên, kỹ thuật nuôi cũng khá đơn giản; hàu là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon, sản phẩm từ hàu được đóng gói, phơi khô, làm mắm… dễ tiêu thụ, đã mở ra hướng khai thác, phát triển nguồn lợi này cho cộng đồng.
Việc nuôi hàu không chỉ thực hiện ở những vùng đã có sự phân bố tự nhiên mà còn có khả năng mở rộng ra nhiều địa phương có biển bằng việc di giống. Ở những đầm chưa phát triển nguồn lợi hàu, nếu di giống và phát triển nuôi cọc, nuôi khay, nuôi giàn sau một thời gian sẽ hình thành bãi hàu tự nhiên. Chính bãi giống này là nơi ẩn nấp an toàn, thu hút các đàn tôm, cá mẹ về sinh sản, tạo thêm nguồn lợi cho các đầm, vịnh. Các nhà khoa học của Viện Khoa học – công nghệ Việt Nam vừa nghiên cứu thành công việc sử dụng hàu và rong lọc nước vì đặc tính của hàu là loài ăn lọc.
Từ thực tế trên cho thấy, bà con Phú Yên có thể phát triển nuôi hàu ở các đầm Ô Loan, Cù Mông…
NGUYỄN THỊNH