Kỳ cuối: Không để ai bị bỏ lại phía sau
Từ ba chương trình tín dụng nhận bàn giao, 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đã triển khai cho vay thêm 20 chương trình tín dụng chính sách bằng nguồn vốn trung ương và địa phương. Trong đó có nhiều chương trình mới được triển khai ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, giúp người dân, doanh nghiệp vơi bớt khó khăn, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Ảnh: LÊ HẢO |
Kịp thời gỡ khó giữa đại dịch
Trường mầm non tư thục Hoa Sen (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) hiện có hơn 170 trẻ theo học. Hàng ngày, nhìn các bé vui vẻ đến trường, tham gia các hoạt động trong lớp học, cô Phạm Thị Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường không khỏi xúc động. Bởi cách đây hơn một năm, khung cảnh nơi đây hoàn toàn khác.
Cô Hiếu cho hay: Trường mầm non tư thục Hoa Sen được khánh thành, đưa vào sử dụng tháng 4/2021 thì một tháng sau phải tạm ngừng hoạt động để triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Mãi đến giữa tháng 11/2021, trường mới đón học sinh trở lại. Tuy nhiên thời điểm đó, tâm lý phụ huynh còn e ngại dịch bệnh, học sinh đi học thưa thớt nên nguồn thu học phí không đủ bù chi. Lúc này, biết được thông tin về chương trình cho vay trả lương ngừng việc với lãi suất 0% của NHCSXH, trường đăng ký vay ngay. Với chương trình này, Trường mầm non tư thục Hoa Sen được giải ngân ba đợt với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy, trường có tiền xoay xở trả lương cho giáo viên.
Không dừng ở đó, cuối tháng 5 vừa qua, Trường mầm non tư thục Hoa Sen còn được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh giải ngân 100 triệu đồng từ chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Ngay trong thời điểm khó khăn, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đến rất kịp thời, tạo động lực cho chúng tôi yên tâm hoạt động”, cô Hiếu nói.
Trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú - Phú Yên được cho vay trả lương phục hồi sản xuất với 22 tỉ đồng để trả lương cho gần 6.500 lượt lao động. Đây cũng là đơn vị được giải ngân vốn chương trình cho vay trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% nhiều nhất trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ An, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú - Phú Yên, từ giữa năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì đối tác giảm đơn hàng, công nhân tạm nghỉ, cách ly khi nhiễm SARS-CoV-2. Điều này gây không ít khó khăn cho công ty trong bối cảnh vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo việc làm cho người lao động, vừa hoàn thành kế hoạch kinh doanh. “Lúc này, Công ty CP Đầu tư quốc tế Phong Phú - Phú Yên tiếp cận được chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% từ NHCSXH Phú Yên. Qua đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, chăm lo cho người lao động”, bà Mỹ An chia sẻ.
Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHCSXH đã kịp thời triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong hai năm 2021-2022, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với dư nợ gần 31,2 tỉ đồng để trả lương cho 9.100 lượt người lao động.
Năm nay, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, NHCSXH triển khai cho vay năm chương trình gồm: cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, cho vay nhà ở xã hội, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chung tay phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Từ ba chương trình tín dụng nhận bàn giao (hộ nghèo, học sinh, sinh viên và hỗ trợ tạo việc làm) với dư nợ gần 113 triệu đồng, 20 năm qua, NHCSXH đã triển khai cho vay thêm 20 chương trình tín dụng chính sách mới bằng nguồn vốn trung ương và địa phương. Đến 31/7/2022, dư nợ đạt hơn 3.723 tỉ đồng, tăng hơn 3.610 tỉ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm là 20%, với gần 88.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, chiếm gần 34% tổng số hộ toàn tỉnh. Hơn 88% dư nợ tập trung chủ yếu vào tám chương trình tín dụng chính sách lớn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ tạo việc làm và nhà ở xã hội.
Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn này đã phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng giúp các địa phương có thêm nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thời gian tới, NHCSXH Phú Yên đặt mục tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ NHCSXH cung cấp. Mức tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm từ 8-10%, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung hàng năm tăng tối thiểu 50 tỉ đồng. Mức tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm tối thiểu 8-10%; ưu tiên tập trung cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hỗ trợ tạo việc làm và các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Theo đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên, để đạt được mục tiêu nói trên, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; MTTQ và các hội đoàn thể nhận ủy thác cũng phải tích cực vào cuộc, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý vốn vay, đảm bảo bình xét cho vay đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả…
Bên cạnh đó, NHCSXH Phú Yên cần phối hợp với các hội đoàn thể và chính quyền cơ sở tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp người dân biết đến các chương trình tín dụng chính sách cũng như có trách nhiệm sử dụng vốn hiệu quả, hoàn trả vốn đúng hạn. Hàng năm, NHCSXH tỉnh phải xây dựng kế hoạch nguồn vốn sát với nhu cầu thực tế; chủ động tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn ủy thác từ địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng.
Ngoài ra, để bảo tồn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, giúp ngày càng nhiều người dân tiếp cận với vốn vay ưu đãi, ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chính sách tín dụng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách để trục lợi.
LÊ HẢO