Thay vì chọn thuê dịch vụ ngoài, một số HTX tự đầu tư máy móc, từng bước cơ giới hóa các khâu trong sản xuất. Điều này không chỉ giúp tiếp cận nông nghiệp hiện đại mà còn tạo điều kiện để HTX mở rộng dịch vụ, tăng nguồn thu.
Kiên trì tích lũy
Để có được hệ thống máy móc gồm sáu máy cày, một máy gặt đập liên hợp, một máy cuộn rơm, hai máy xay lúa, một lò sấy, một máy khâu bao… giúp từng bước đồng bộ cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp, HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) đã phải trải qua hàng chục năm tích lũy cả vốn lẫn kinh nghiệm vận hành quản lý. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX này, cho biết: Sản xuất nông nghiệp gồm rất nhiều khâu, mỗi khâu tương ứng với một loại máy móc. Mỗi máy cần một người vận hành cũng như chế độ bảo dưỡng riêng. Điều này sẽ kéo theo chi phí về lương, vật tư trang thiết bị…
Để giảm chi phí, tăng tối đa hiệu quả hoạt động, HTX thực hiện đồng bộ hóa máy móc vào tất cả các khâu. Doanh nghiệp có tiềm năng vốn lẫn nhân lực trình độ cao có thể đồng bộ cùng một lúc, HTX thì khác, lao động chủ yếu phổ thông, nguồn vốn hạn chế nên để mua được máy phải tận dụng cơ hội từ các chương trình, chính sách hỗ trợ. Còn để có được hệ thống máy móc như hiện nay, HTX phải kiên nhẫn tích lũy hàng chục năm. Tuy chậm nhưng quá trình này phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu sản xuất của thành viên.
Với HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Phú Lâm (TP Tuy Hòa), từ nguồn vốn đối ứng cộng với sự hỗ trợ của các chương trình, chính sách ưu đãi, đến nay HTX có được hệ thống máy móc với hơn 70 máy cày và năm máy gặt. Theo ông Trương Dân, Giám đốc HTX, để gieo sạ đúng lịch thời vụ, trong thời gian ngắn, các máy cày phải đồng loạt ra ruộng, hay để thu hoạch toàn bộ lúa chín trên đồng, các máy gặt cũng phải ra quân một lúc. Số lượng máy nhiều sẽ chăm lo được nhiều diện tích sản xuất, từ đó bà con tin tưởng tìm tới sử dụng lâu dài dịch vụ của HTX. Đơn vị tập trung số lượng lớn máy làm tốt khâu cày đất để có doanh thu, sau đó tích lũy vốn đầu tư mua các loại máy khác. Việc tự đầu tư máy móc giúp HTX tích lũy được kinh nghiệm quản lý để sẵn sàng mở rộng dịch vụ khi có cơ hội.
Sống khỏe với dịch vụ phục vụ
Cùng triển khai các dịch vụ phục vụ sản xuất như làm đất, thu hoạch, tuốt lúa, vận chuyển nông sản…, các HTX làm trung gian đứng ra thuê máy ngoài thì doanh thu luôn ở tình trạng thu bù chi nhưng các HTX tự đầu tư máy móc lại có được nguồn thu tốt. Ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), cho biết: Các dịch vụ phục vụ của HTX mang lại doanh thu trung bình 500 triệu đồng/năm, chiếm 50% tổng doanh thu các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, trên cánh đồng thành viên HTX, hầu hết các khâu đều được HTX cơ giới hóa. Để vận hành tốt 15 máy, HTX duy trì tổ dịch vụ bảo dưỡng và tạo việc làm cho nhiều lao động là con em thành viên. Việc trực tiếp mua sắm và vận hành máy móc vừa giúp HTX có được doanh thu tốt vừa tạo điều kiện để thành viên sử dụng dịch vụ với giá thấp hơn thị trường ngoài. “Thời điểm 10 năm trước, khi HTX chưa có các dịch vụ kinh doanh như xăng dầu, quản lý chợ…, những dịch vụ phục vụ mang lại thu nhập chính cho đơn vị. Sở dĩ HTX chấp nhận đầu tư vốn mua sắm máy móc bởi chỉ có làm chủ phương tiện, chủ động trong vận hành, đơn vị mới phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất của thành viên”, ông Phố chia sẻ thêm.
Không chỉ mang lại doanh thu, việc đầu tư đồng bộ cơ giới hóa còn giúp các HTX sớm hoàn thành chuỗi liên kết bền vững cho nông sản truyền thống. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp, cho biết thêm: Tất cả các khâu từ sản xuất trên cánh đồng đến chế biến nông sản tại HTX cơ bản đã cơ giới hóa. Đồng bộ cơ giới hóa giúp HTX ổn định được khâu sản xuất. Ổn định ở đây có nghĩa là vừa phục vụ tốt cho bà con, vừa tạo nguồn thu để HTX có kinh phí duy trì vận hành máy và tích lũy một phần để tái đầu tư. Đây chính là nền tảng để HTX tiến tới hoàn thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng sản phẩm hàng hóa trên cây lúa.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hiện nay chúng ta đang tiến tới số hóa, nên cơ giới hóa là khái niệm không xa lạ với các HTX. Nhưng để hoàn thiện chuỗi liên kết gồm sản xuất, chế biến, xây dựng sản phẩm hàng hóa và đẩy mạnh tiêu thụ, việc đầu tiên các HTX cần làm là đồng bộ cơ giới hóa trong cả sản xuất và chế biến. Làm chủ được cơ giới hóa, các HTX mới có thể sản xuất bền vững, nghĩa là thu hút được khách hàng sử dụng dịch vụ và tạo ra doanh thu từ hoạt động phục vụ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số lượng HTX có đủ máy móc để đồng bộ các khâu rất ít, vì vậy số lượng HTX tham gia vào chuỗi liên kết nông sản nhiều nhưng số chuỗi đạt bền vững còn ít. Một số HTX xây dựng được sản phẩm hàng hóa trên nông sản truyền thống không có nghĩa là đã hoàn thành chuỗi liên kết giá trị, mà mới chỉ hoàn thành được một khâu. Các HTX này, để có được chuỗi bền vững vẫn cần quay lại đồng bộ cơ giới hóa. Thực tế, những HTX đã làm chủ được khâu sản xuất thì không khó trong xây dựng thương hiệu và tiếp cận công nghệ số.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
BẠCH VÂN