Kỳ 2: Đổi đời nhờ vốn chính sách
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên), 20 năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đổi thay rõ rệt.
Vươn lên thoát nghèo
Năm 2002, bà Hà Thị Nguyên Thanh ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, sinh con; năm 2003, bà bắt đầu làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV). “Từ đó đến nay, tiền nuôi con, tiền phát triển kinh tế gia đình, tôi đều nhờ cả vào NHCSXH”, bà Thanh chia sẻ.
Cách đây 20 năm, khi làm tổ trưởng tổ TKVV, qua những lần sinh hoạt tổ, bà Thanh không những vận động, hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn hiệu quả, trả nợ trả lãi đúng hạn mà còn khuyến khích mọi người chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau phát triển kinh tế. Lúc này, ngoài việc quản lý vốn vay, bà còn vay 5 triệu đồng từ NHCSXH Phú Yên để nuôi bò. Bò sinh con, bà bán bớt để trả nợ, còn dư ít vốn thì tiếp tục đầu tư nuôi bò, trồng cây cảnh. Từ đó, bà có tiền xoay xở chi tiêu, nuôi con ăn học.
Thoát nghèo, bà Thanh tiếp tục vay vốn hộ cận nghèo, rồi vốn hỗ trợ tạo việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Con đậu đại học, bà lại làm hồ sơ vay vốn học sinh, sinh viên cho con đi học. “Gắn bó với nguồn vốn tín dụng chính sách từ những ngày đầu cho đến nay, hơn ai hết, tôi hiểu được ý nghĩa nhân văn của nguồn vốn này đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng bản thân tôi, là mẹ đơn thân, sống ở vùng nông thôn, nếu không có nguồn vay NHCSXH, tôi không thể nuôi con học hết phổ thông chứ chưa nói đến việc cho con học đại học”, bà Thanh bộc bạch.
Tại xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, căn nhà mới của gia đình anh Vi Văn Huấn ở thôn Soi Nga sắp sửa hoàn thành. Đây là thành quả sau nhiều năm lao động, phấn đấu của vợ chồng người đàn ông dân tộc Thái sinh năm 1986 này. Theo anh Huấn, cách đây gần 20 năm, anh đến xã Xuân Lãnh làm thuê rồi lập gia đình, sinh sống tại vùng đất này từ đó đến nay. Thời gian đầu, ruộng đất không có, vốn liếng cũng không, vợ chồng anh làm thuê làm mướn để có tiền chi phí trong gia đình. Hai đứa con lần lượt ra đời, thêm miệng ăn, gia đình đã khó càng thêm khó. Lúc này, được Hội Nông dân xã Xuân Lãnh hướng dẫn, anh Huấn làm hồ sơ vay vốn hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nuôi bò. Hành trình tích lũy của gia đình anh bắt đầu từ đây.
Anh Huấn cho biết: Có vốn, chúng tôi mạnh dạn đầu tư nuôi bò, rồi dùng số tiền dôi dư mua đất rẫy. Sau khi trả hết vốn đợt đầu, gia đình được cho vay lại đến 80 triệu đồng để trồng keo. Trải qua một thời gian dài chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình tôi có 2 con bò, 5ha keo và một ngôi nhà mới. Sổ hộ nghèo cũng chuẩn bị trả cho Nhà nước được rồi.
Không riêng gia đình bà Thanh, anh Huấn, trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được NHCSXH Phú Yên giải ngân cho hơn 786.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với doanh số cho vay đạt hơn 11.835 tỉ đồng. Qua đó góp phần giúp hơn 85.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 57.000 lao động; giúp hơn 53.000 lượt hộ gia đình vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; hơn 248.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 229.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng...
“Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ ra đời ngày 4/10/2002. Từ đó đến nay, NHCSXH đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi đến với người thụ hưởng. Tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống”, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên đánh giá.
Em Trần Nguyễn Thanh Dân (xã An Mỹ, huyện Tuy An) dùng ngôn ngữ ký hiệu để hỏi ba mình về bài học được cô giáo gửi qua mạng. Ảnh: LÊ HẢO |
Chắp cánh ước mơ tới trường
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên, trước đây, nhiều người chưa biết đến nguồn vốn tín dụng chính sách nên mỗi lần có việc cần tiền là họ vay nóng, sau đó phải làm việc cật lực để trả nợ. Từ khi có vốn chính sách, rồi cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, báo chí tích cực thông tin, giờ thì bà con đã chủ động tìm đến tổ trưởng tổ TKVV nhờ hướng dẫn thủ tục mỗi khi cần vốn. Tình trạng vay nóng, tín dụng đen cũng giảm hẳn.
Trường hợp ông Võ Công Chánh ở thôn Đồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) là một ví dụ. Vợ chồng ông Chánh có 5 người con lần lượt vào đại học. Để có tiền cho con tiếp tục đến trường, ông Chánh đến nhờ tổ trưởng tổ TKVV hướng dẫn cách làm hồ sơ vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Với 4 người con đầu, ông Chánh vay cho mỗi người 24 triệu đồng để đi học, tổng tiền vay là 92 triệu đồng. Vợ chồng ông nỗ lực làm việc, kiếm tiền trả lãi đều đặn cho ngân hàng. Sau đó, khi lần lượt ra trường có việc làm, các con ông gửi tiền về để ông trả nợ NHCSXH; đồng thời hỗ trợ tiền cho em út đi học. “Nhà nghèo, con đông; nếu không được NHCSXH cho vay vốn thì gia đình tôi không biết cách nào nuôi nổi các con ăn học”, ông Chánh nói.
Không những tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên vay vốn học tập, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHCSXH đã nhanh chóng triển khai cho vay học sinh, sinh viên khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến. Theo anh Trần Văn Nghĩa ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An), đây là một chương trình thiết thực, không chỉ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mà còn cả về sau vì sẽ hỗ trợ con em tiếp cận nhiều tài nguyên học tập trên internet.
Anh Nghĩa có ba người con, trong đó con trai đầu là Trần Nguyễn Thanh Dân bị khiếm thính. Năm nay, Dân học lớp 5 tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên. Thời điểm giãn cách xã hội, Dân không thể đến trường học trực tiếp, cậu và các em phải thay phiên nhau học bài qua điện thoại của cha mẹ. Thấy con ham học nhưng phải học qua điện thoại bất tiện, anh Nghĩa tìm cách mua máy tính cho con. May sao lúc này, biết được chương trình cho vay học sinh, sinh viên khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến của NHCSXH, anh Nghĩa đăng ký vay ngay.
Nhìn đứa con trai vui vẻ sử dụng máy tính xách tay để làm bài tập cô giáo giao, niềm vui ánh lên trong mắt anh Nghĩa. “Đối với những trẻ em khiếm khuyết, chịu nhiều thiệt thòi như con tôi, việc có máy tính học tập trực tuyến đã mở ra một chân trời mới”, anh Nghĩa bộc bạch.
Chương trình cho vay học sinh, sinh viên khó khăn mua máy tính học tập trực tuyến là một chương trình mới được triển khai trong năm 2022, theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. “Đây cũng là một trong những chương trình thể hiện rõ sứ mệnh của NHCSXH khi không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp”, ông Hồ Văn Thục nói.
-----------------------
Kỳ cuối: Không để ai bị bỏ lại phía sau
LÊ HẢO