Hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã diễn ra sáng 12/9, tại Hà Nội. Hội thảo do Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội thảo.
Phát biểu định hướng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (Vùng) là 1 trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước; gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt, nguồn lực đầu tư của Trung ương cùng sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương, việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Kinh tế Vùng tăng trưởng đạt 7,3%/năm trong giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế được mở rộng, đạt 1.157 nghìn tỉ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53% GDP cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách tăng khá. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng cao. Công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố; vùng trời, vùng biển của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc... Có thể nói, Nghị quyết 39-NQ/TW đã đi vào cuộc sống; phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đã cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của vùng. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước và vốn FDI. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm, chưa có sự đột phá; quy mô công nghiệp còn nhỏ và có tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp; tỉ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún.
Tài nguyên được khai thác, sử dụng chưa thực sự hiệu quả, thiếu bền vững; bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, nhất là khu vực ven biển, các lưu vực sông. Phát triển văn hóa chưa theo kịp yêu cầu; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo chậm khắc phục...
Trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW".
Nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra là tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới nhằm định hướng phát triển cho vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ trong thời gian tới, phù hợp với bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, đòi hỏi mới trong phát triển của Vùng và cả nước. Nghị quyết mới cũng là cơ sở, căn cứ chính trị để Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách mới, các địa phương định hướng và quy hoạch nhằm khai thác, phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững Vùng, các địa phương trong Vùng thời gian tới; thực hiện nhiệm vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Tham luận từ các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ thời gian qua; thực trạng, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của Vùng; thực trạng, các giải pháp nhằm tăng cường liên kết vùng...
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, cần tập trung vào những thách thức đối với Vùng; trong đó, thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lượng chất lượng cao. Bên cạnh đó, theo TS Trần Du lịch, liên kết vùng cần tập trung vào các vấn đề liên kết phát triển giao thông; hệ thống giáo dục. Đề cập tới cơ chế liên kết vùng, ông Trần Du Lịch cho rằng cần có Hội đồng tư vấn để phát triển vùng.
Với tham luận "Doanh nghiệp vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung: Thực trạng và giải pháp", TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, cần cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh; liên tục theo dõi, đánh giá, chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ đạo xử lý các vấn đề, tháo bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Trong kế hoạch 5 năm và hằng năm, phải có chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh; có chương trình khuyến khích, hỗ trợ, nâng đỡ thành lập doanh nghiệp mới để đạt mục tiêu nói trên. Đồng thời, có chương trình chuyên đề về khuyến khích, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế tác chế tạo và phát triển chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực sản xuất, chế tác chế tạo sẽ kéo theo thành lập mới trong các ngành hạ nguồn và dịch vụ hỗ trợ khác.
Phát biểu kết luận, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Nghị quyết 39-NQ/TW là chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng; là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương ban hành các cơ chế, chính sách, bổ sung nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội Vùng, các địa phương trong Vùng. Sau hơn 18 năm triển khai Nghị quyết, kinh tế - xã hội Vùng, các địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống của nhân dân được nâng cao.
Khái quát lại ý kiến của các đại biểu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, liên kết phát triển vùng là tất yếu khách quan, là một trong những động lực tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cần thay đổi về nhận thức, tư duy, hành động của cả hệ thống chính trị; cần đi từ đơn giản đến phức tạp với nhiều bên tham gia, trong đó vai trò của Nhà nước là thúc đẩy, hỗ trợ và có thể là 1 đối tượng liên kết; tập trung vào liên kết trong xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch; liên kết về phát triển hệ thống đô thị, các tổ hợp du lịch - dịch vụ, cảng biển; liên kết trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; liên kết phát triển du lịch; liên kết trong đầu tư xây dựng các dự án có tác động lan tỏa đến vùng, liên vùng...
Các đại biểu đều thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới cho vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình mới; đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách mới để tạo động lực cho toàn vùng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ biên tập chắt lọc, tổng hợp kết quả Hội thảo để bổ sung, cập nhật vào trong Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39- NQ/TW đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết; tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng phù hợp nhằm phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trong thời gian tới.
Chiều 12/9, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW".
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tham gia ý kiến, thống nhất các nội dung để Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện các dự thảo và báo cáo Bộ Chính trị theo kế hoạch đề ra, dự kiến vào giữa tháng 9/2022.
Theo TTXVN/Vietnam+