Từ ba chương trình tín dụng ban đầu, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đã triển khai cho vay thêm 20 chương trình với tổng vốn đã giải ngân hơn 11.800 tỉ đồng cho hơn 786.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay; dư nợ đến nay đạt 3.723 tỉ đồng, gấp hơn 33 lần so với thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm… Đó là những dấu ấn nổi bật trong hành trình 20 năm đưa vốn đến tay người nghèo của ngân hàng này.
Kỳ 1: Cả hệ thống chính trị vào cuộc
NHCSXH Phú Yên được thành lập theo Quyết định 53/QĐ-HĐQT, ngày 14/1/2003 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH, trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, với nhiệm vụ được giao là thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Với mô hình tổ chức hoạt động và phương thức quản lý đặc thù, sáng tạo, NHCSXH Phú Yên đã đáp ứng yêu cầu tập trung nguồn lực xã hội, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Phương thức quản lý vốn đặc thù
Một ngày của anh Nguyễn Văn Bính (thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) bắt đầu bằng việc vào hai trại nấm cạnh nhà kiểm tra, thu hái và đem bỏ sỉ cho thương lái ở chợ xã và chợ các địa phương lân cận. Với sản lượng thu hoạch bình quân 30-50kg nấm/ngày, mỗi tháng trừ chi phí, anh Bính có thể thu về khoảng 15 triệu đồng.
Theo anh Bính, năm 2019, sau một thời gian học hỏi cách trồng nấm từ người thân đang sinh sống ở Gia Lai, anh về quê, nung nấu quyết tâm triển khai mô hình này. Tuy nhiên, thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, thời tiết bất lợi, lại không có đủ vốn nên anh Bính gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này, thông qua các hoạt động tập hợp thanh niên tại địa phương, biết được mô hình trồng nấm cũng như quyết tâm khởi nghiệp của anh Bính, anh Nguyễn Tấn Tứ, Bí thư Xã đoàn Đức Bình Tây đã kết nối, hướng dẫn anh Bính làm hồ sơ vay vốn NHCSXH.
Nhận 50 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm do Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh giải ngân ngay sau đó, cùng với số tiền dành dụm được, anh Bính đầu tư xây dựng trại nấm với khung sắt kiên cố và mua 10.000 bịch phôi giống về trồng. Bên cạnh đó, anh tiếp tục lên mạng học hỏi kinh nghiệm, cách phòng trừ bệnh cho nấm; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Khi trại nấm hoạt động ổn định, anh Bính không những có nguồn thu mà còn tạo thêm việc làm cho hai thanh niên địa phương. “Trong những ngày tháng khó khăn, tôi được anh em đoàn thanh niên xã động viên, hướng dẫn, NHCSXH tiếp vốn kịp thời nên mới có được thành quả như hôm nay”, anh Bính chia sẻ.
Theo Bí thư Xã đoàn Đức Bình Tây Nguyễn Tấn Tứ, với những hộ nghèo, cận nghèo, những thanh niên khó khăn cần vốn khởi nghiệp như anh Bính thì các chương trình cho vay của NHCSXH rất thích hợp vì thủ tục vay dễ dàng, không cần tài sản đảm bảo. Nguồn vốn này giúp người dân cũng như thanh niên của xã mạnh dạn đầu tư làm ăn, cải thiện đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên. Qua đó tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện dư nợ cho vay ủy thác qua bốn hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh gần 3.686,6 tỉ đồng/87.461 hộ vay, với 2.234 tổ, chiếm 99% tổng dư nợ của NHCSXH Phú Yên.
Anh Nguyễn Văn Bính (phải) trao đổi với anh Nguyễn Tấn Tứ, Bí thư Xã đoàn Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) về việc sử dụng vốn tín dụng chính sách để xây dựng mô hình trồng nấm. Ảnh: LÊ HẢO |
Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn triển khai các chương trình tín dụng chính sách ngày càng tăng. Nhận thấy được hiệu quả nguồn vốn này, năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; từ đó vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách được nâng lên. Lúc này, chủ tịch UBND cấp xã được bổ sung vào ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, tham gia giao ban với cán bộ ngân hàng, hội đoàn thể nhận ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn vào mỗi phiên giao dịch xã.
Theo ông Ngô Đức Hiên, Chủ tịch UBND xã An Phú (TP Tuy Hòa), thông qua các buổi họp giao ban tại điểm giao dịch xã, lãnh đạo UBND xã nắm bắt được các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước liên quan đến các chương trình tín dụng ưu đãi, tình hình quản lý vốn trên địa bàn, hiệu quả nguồn vốn cho vay… Từ đó kịp thời chỉ đạo các hội đoàn thể rà soát nhu cầu vay vốn, bình xét cho vay đúng đối tượng; tăng cường tuyên truyền, vận động hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi hàng tháng, tham gia tiết kiệm, trả nợ phân kỳ, nợ đến hạn.
Bên cạnh sự đổi thay từ cơ sở, ở cấp huyện, chính quyền các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phú Hòa cho biết: Địa phương yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo ban chỉ đạo giảm nghèo, việc làm và các trưởng thôn, khu phố phối hợp với các đoàn thể, ban ngành liên quan làm tốt công tác quản lý, cho vay, thu hồi nợ tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng được thụ hưởng vốn phát triển kinh tế bền vững.
Theo NHCSXH Phú Yên, qua 8 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, cấp cơ sở thấy được tầm quan trọng nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần thiết thực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo ổn định xã hội của địa phương. “Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, không chỉ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách được nâng cao mà nguồn vốn ủy thác địa phương cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể, tổng nguồn vốn địa phương đến 31/7/2022 gần 188,5 tỉ đồng, tăng hơn 173,6 tỉ đồng (tức tăng gấp 11,7 lần) so với trước khi có chỉ thị này”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.
Kỳ 2: Đổi đời nhờ vốn chính sách
Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội khẳng định: Mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; xây dựng được phương thức cho vay ủy thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng. |
LÊ HẢO