Thứ Hai, 14/10/2024 17:14 CH
Mô hình sản xuất ở vùng miền núi: Đầu ra sản phẩm quyết định thành công
Thứ Ba, 23/10/2018 07:03 SA

Mô hình trồng ổi tại xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh - Ảnh: MINH DUYÊN

Trước kia để giải bài toán trồng cây gì, nuôi con gì, bà con thường nhìn nhau làm theo phong trào hoặc chạy theo thị trường. Còn nay, nhiều người dân vùng miền núi của tỉnh đã bắt đầu sản xuất có tính toán. Họ duy trì ổn định diện tích sản xuất đối với những cây trồng truyền thống nằm trong quy hoạch vùng; còn những cây trồng mới chỉ triển khai khi đảm bảo được đầu ra.

 

Bài học từ thực tế

 

Bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) không thể quên được bài học vì chạy theo thị trường trồng nghệ mà vài héc ta nghệ phải nằm im dưới đất dù đã tới ngày thu hoạch. Theo bà Nhung, 2-3 năm trước, giá nghệ tươi trên thị trường cao, mỗi héc ta lãi vài chục triệu đồng. Thấy vậy, bà bỏ bớt sắn trồng nghệ. Nhưng tới khi nghệ thu hoạch được thì giá lại thấp tận đáy, thu không đủ chi phí giống, phân, thuốc và nhân công.

 

Trong khi đó, một số hộ trồng 1ha nghệ, gặp giá thấp thu nhập có giảm nhưng vẫn có lãi. Đó là bởi họ làm ăn lâu dài với các hộ chế biến tinh bột nghệ, nên dù giá cả thế nào họ vẫn có đầu ra ổn định.

 

Còn ông Nguyễn Văn Anh ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) vì “bỏ” nhà máy để bán mía cho thương lái khi giá cao, đến khi giá xuống thấp nhà máy không bao tiêu, thương lái không thu mua, ông đành phải chặt bỏ toàn bộ diện tích mía đến kỳ thu hoạch.

 

Ông Anh cho biết: Những năm trước giá mía nguyên liệu cao, thương lái từ Gia Lai, Đắk Lắk xuống tận rẫy mua. Tôi thấy giá họ trả cao hơn giá Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, lại không bị trừ tạp chất hay chi phí vận chuyển nên tôi không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty mà lựa ai trả giá cao thì bán.

 

Vụ mía năm nay, giá đường xuống thấp, các nhà máy không muốn sản xuất nên thu mua nguyên liệu hạn chế, còn thương lái cũng không mua nữa. Công ty CP Mía đường Tuy Hòa chỉ thu mua của những hộ có hợp đồng. Tôi không biết bán cho ai, để lâu thì mía trổ cờ, đành phải chặt bỏ để kịp lịch vụ mới. Tôi rút kinh nghiệm, từ nay sẽ hợp đồng với công ty để có đầu ra ổn định trước biến động về giá.

 

Trồng cây phải gắn với bao tiêu

 

Với các hộ dân, được bao tiêu sản phẩm chính là tiêu chí đầu tiên để họ đồng ý hợp tác với các công ty. Theo ông Trần Văn Hùng ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), diện tích đất rẫy của gia đình ông có giao thông thuận tiện, nước tưới đầy đủ lại bằng phẳng không lẫn nhiều đất đá nên nhiều doanh nghiệp phân bón, xuất khẩu rau và giống cây trồng tìm tới hợp tác làm mô hình. Nhưng chỉ những công ty có chính sách hỗ trợ tốt và đảm bảo đầu ra ông mới đồng ý.

 

“Tôi đã chọn được Công ty TNHH Mầm Xanh làm mô hình trồng ngò, é quế trên diện tích 1,5ha. Công ty hỗ trợ 50% chi phí phân bón, kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt, công ty cam kết khi giá thị trường xuống thấp công ty vẫn thu mua với giá cố định 10.000 đồng/kg é quế và 15.000 đồng/kg ngò; còn giá thị trường lên, công ty thu mua lên”, ông Hùng nói.

 

Xuất phát từ nhu cầu của người dân nên các địa phương khi đưa cây trồng mới vào sản xuất nhằm hướng tới đa dạng cơ cấu cây trồng và chuyển đổi sản xuất đều ưu tiên chọn những mô hình liên kết với các doanh nghiệp có thu mua.

 

Theo ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), UBND xã cố gắng sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hạn chế chi phí ban đầu cho bà con. Đồng thời, cây trồng theo yêu cầu quy trình kỹ thuật của công ty và được công ty thu mua sau thu hoạch.

 

Năm nay, xã đang triển khai mô hình trồng cây măng tây trên diện tích 6.000m2. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 26 triệu đồng/1.000m2 từ nguồn vốn xây dựng NTM của xã. Sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được Công ty TNHH An Việt Nông Phú Yên bao tiêu toàn bộ. Nhờ vậy, mô hình này đã thu hút được 6 hộ dân tham gia.

 

Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, nhưng chỉ có những mô hình có đầu ra tiêu thụ thì mới thành công. Điển hình như mô hình lúa giống mới được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ bao tiêu 100% nên bà con nhiệt tình tham gia với diện tích sản xuất lên tới hơn 142ha.

 

Tuy nhiên, từ vụ bao tiêu khoai lang của Công ty TNHH Nông nghiệp Bazan (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) với người dân ở xã Đức Bình Đông cho thấy việc các doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất bao tiêu sản phẩm với nông dân cũng chưa chắc đã an toàn. Điều này đặt ra yêu cầu chỉ có bao tiêu tại chỗ cho nông dân theo hướng quy hoạch vùng sản xuất gắn với nhà máy chế biến, mới đảm bảo sản xuất bền vững.

 

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương có vùng nguyên liệu mía gắn với Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, vùng nguyên liệu sắn gắn với Công ty CP Tinh bột sắn FOCOCEV. Huyện Sông Hinh cũng đang quy hoạch vùng nguyên liệu cây ăn trái gắn với Nhà máy chế biến nông sản Phú Yên ở thị trấn Hai Riêng.

 

Hiện đơn vị đang thí điểm trồng 20ha, trong đó có 12ha sầu riêng, 2ha bơ, 5ha xoài và 1ha ổi tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mô hình thí điểm này đã thu hút 33 hộ tham gia. Việc quy hoạch này sẽ đảm bảo cho người dân sản xuất bền vững với các loại cây trồng chủ lực.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ chỗ triển khai mô hình sản xuất chỉ với mục đích áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào đồng ruộng, thay đổi tập quán cũ, thì nay mô hình sản xuất còn phải đảm bảo đầu ra cho nông sản. Điều này đòi hỏi người dân và cả chính quyền các cấp phải mở rộng liên kết theo hướng bền vững, đồng thời đẩy mạnh đầu tư theo hướng quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến để bao tiêu tại chỗ, hạn chế thấp nhất rủi ro cho nông dân.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek