Thứ Hai, 14/10/2024 17:13 CH
Mô hình thâm canh lúa chất lượng tại xã Phú Mỡ (Đồng Xuân):
Góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ
Thứ Hai, 22/10/2018 08:44 SA

Mô hình trồng thâm canh giống lúa chất lượng thuộc dự án JICA2 tại xã vùng cao Phú Mỡ - Ảnh: HOÀNG ANH

Vụ hè thu 2018, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên phối hợp với UBND xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân triển khai mô hình thâm canh lúa chất lượng thuộc dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tại xã vùng cao Phú Mỡ (JICA2-PY-XL29). Mô hình này không chỉ góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ mà còn giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi, Ba Na thay đổi tập quán canh tác lạc hậu.

 

Mô hình được triển khai trên diện tích 10ha, lượng giống lúa gieo sạ 12kg/sào 1.000m2 (120kg/ha), giống lúa CH133, với 60 hộ nông dân ở các thôn Phú Giang, Phú Lợi, Phú Tiến (xã Phú Mỡ) tham gia. Bà Hờ Nhạn, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi, đang cắt lúa trên cánh đồng Phú Giang trầm trồ: Lúa mô hình có gié dài cả gang tay người lớn, con gà tha không nổi. Cắt một nắm cầm nặng tay, bằng trước đây lúa bồ (lúa thịt làm giống) quơ cả ôm.

 

“Thương” nữa là lúa mô hình trổ đều một rập, phơi gié đơm lên màu vàng, còn lúa thịt trổ giấu gié, lại có lúa rài (lúa lẫn), nhìn vô đám ruộng chỉ thấy lá lao (lá cuối cùng của cây lúa), đám lúa lẫn lộn nhiều tầng.

 

Còn trên cánh đồng Phú Tiến, gia đình Ma Min, đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na, có 4 người đang gánh lúa ra bờ mương ngồi nghỉ mệt. Ma Min cho hay: Cũng đám ruộng này, trước đây, gia đình tôi sạ giống lúa có sẵn trong bồ vãi 20kg giống/giạ (1.000m2), khi lúa lớn có chỗ bị đú (dày), lúa trổ đòng, gié cụt ngủn. Nay làm lúa mô hình sạ thưa, khi chín nặng gié, gánh một đầu 4 bó cong đòn gánh.

 

Hôm hội thảo đầu bờ mô hình trồng thâm canh giống lúa chất lượng thuộc dự án JICA2-PY-XL29 tại xã Phú Mỡ, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi, Ba Na, tham quan mô hình đứng chật bờ ruộng. Ông Ma Hinh bứt gié lúa mô hình với một gié lúa thịt làm giống (ruộng ngoài mô hình) chúc xuống, gié lúa mô hình hạt sáng trưng, còn lúa thịt bị nốt ruồi đen nhẻm. “Tôi đếm số hạt chắc/bông của mô hình đạt 70 hạt, cao hơn ruộng ngoài mô hình 11 hạt chắc/bông”, Ma Hinh nói.

 

Kết quả năng suất lúa mô hình trồng thâm canh giống lúa chất lượng thuộc dự án JICA2-PY-XL29 đạt trên 70,4 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 7 tạ/ha và cao hơn năng suất trung bình trong những năm gần đây của toàn xã Phú Mỡ là 12,4 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế ước đạt trên 16,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 3,8 triệu đồng/ha.

 

Theo Phó Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân Nguyễn Văn Tri, mô hình thâm canh lúa chất lượng thuộc dự án JICA2-PY-XL29 đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cho bà con nông dân trực tiếp tham gia. Đồng thời tạo điều kiện cho hàng trăm bà con nông dân trong vùng tham quan học tập về việc giảm giống, giảm phân và thuốc bảo vệ thực vật.

 

Mô hình cũng giúp bà con nông dân dần bỏ tập quán sử dụng lúa thương phẩm làm giống; định hướng sử dụng các giống lúa đạt tiêu chuẩn để gieo sạ. Nông dân tham gia mô hình tiếp cận kỹ thuật mới trong thâm canh lúa và phòng trừ dịch hại như chọn giống lúa mới có năng suất, chất lượng gạo ngon, bón phân cân đối và đúng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

 

Qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Phú Mỡ; nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững cho người dân, từ đó góp phần bảo tồn và phát triển rừng.

 

Ông Trương Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết: Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (gọi tắt là dự án JICA2) được thực hiện trong giai đoạn 2012-2021 bằng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), với mục tiêu phục hồi và cải thiện rừng phòng hộ đầu nguồn.

 

Dự án xem việc phát triển kinh tế của người dân trong khu vực dự án là một hợp phần quan trọng trong quá trình quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ. Các hoạt động phát triển sinh kế nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng tham gia vào các hoạt động quản lý rừng, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên rừng của người dân bằng việc tạo cho họ những sinh kế thay thế phù hợp và động viên người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý bền vững rừng phòng hộ.

 

TRÂM TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek