Thứ Tư, 02/10/2024 23:31 CH
Miền núi vững bước cùng miền xuôi
Thứ Bảy, 11/03/2006 09:15 SA

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Yên về phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng miền núi giai đoạn 2001- 2005, miền núi Phú Yên đã sự vươn lên mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn cao hơn mức bình quân chung của tỉnh và đang vững bước tiến theo miền xuôi.

 

BUÔN LÀNG ĐỔI MỚI

 

Trở lại xã vùng cao Phú Mỡ lần này, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất từng là chiến khu cách mạng này. Từ trên dốc Ruộng, thôn Phú Giang hiện ra với những mái ngói lẫn trong màu xanh ruộng vườn. Cánh đồng lúa nước trước mặt trụ sở xã rộng chừng 10 ha đang trải màu xanh mơm mởm kéo dài giáp chân núi. Bí thư Đảng uỷ xã, Ma Việt bảo:“ Đồng ruộng 2 vụ này có trạm bơm điện cung cấp nước tưới, lại được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn nên năng suất lúa luôn đạt trên 50 tấn/ha, gấp mấy lần lúa rẫy nên dân làng ưng, lắm”.

 

Nhà rông văn hóa buôn Hố Hầm (Hòa Hội - Phú Yên) - Ảnh: N.T

 

Nhưng điều đáng nói hơn, Phú Mỡ hôm nay có nhiều công trình hạ tầng mà không dễ gì xã đồng bằng nào cũng có được. Nào đường láng nhựa, nào điện lưới quốc gia, nào trường THCS, nào trạm y tế, nào trạm tiếp sóng phát thanh – truyền hình, nào nhà văn hoá thanh niên, nào hệ thống cấp nước sinh hoạt, nào công trình thuỷ lợi được kiên cố hoá… đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo buôn làng và góp phần nâng cao đời sống về mọi mặt cho hơn 2.600 người dân trong xã. Đúng như già làng Ma Nghĩa, người dân tộc Ba na ở thôn Phú Lợi phát biểu trước hội nghị già làng, trưởng thôn, buôn toàn tỉnh lần thứ II: Nhờ sự đầu tư của Chính phủ và các cấp mà Phú Mỡ có những công trình hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”, thuỷ lợi không kém các xã đồng bằng, rất ưng cái bụng của dân làng. Chỉ có Đảng và Nhà nước mới có vậy, mà đồng bào mới thoát khỏi các đói, cái nghèo, có được ánh sáng điện, con em được học cái chữ, trạm xá có bác sĩ khám chữa bệnh cho bà con…

 

Phú Yên có 45 xã miền núi với dân số 202.611 người, trong đó có 45.150 người dân tộc thiểu số, chiếm 22,3% dân số trong vùng. Bà con đã có cuộc sống định canh định cư ở 117 thôn, buôn. Trong những năm qua, thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, miền núi tỉnh ta đã được có thêm nhiều nguồn lực đề đầu tư phát triển kinh tế- xã hội mà tiêu biểu là chương trình 135 của Chính phủ. Trên địa bàn miền núi được xây dựng 9 trung tâm cụm xã. Tại đây, có những công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng để hình thành một thị tứ mới như chợ, bến xe, trường trung học cơ sở bán trú, phòng khám bệnh khu vực, trạm khuyến nông, lâm, cơ sở sản xuất, dịch vụ làm động lực phát triển cho các xã trong khu vực. Còn diện mạo của các xã được hưởng Chương trình 135 như Phú Mỡ cũng đều có sự thay đổi nhanh chóng nhờ kết cấu hạ tầng được tăng cường. Hôm nay, 100% xã miền núi đã có đường ô tô đến trung tâm và hầu hết các xã có đường giao thông đến từng thôn, buôn, khu sản xuất. Nhiều xã đã có đường nhựa như Xuân Lãnh, Xuân Long, Xuân Quang 2 (Đồng Xuân), Ea Chà rang, Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hoà), Ea Trol, Ea Bia (Sông Hinh)… Hệ thống giao thông đó đã xoá bỏ sự ngăn cách giữa các vùng, giúp cho việc đi lại, lưu thông hàng hoá của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng thuận lợi. Điện lưới quốc gia đã về 100% xã với trên 70% hộ được sử dụng điện trong sản xuất và sinh hoạt. 100% xã có trạm y tế, bưu điện văn hoá xã, trường tiểu học, trường THCS. Phòng học dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học, nhà rông văn hoá, công trình cấp nước sinh hoạt đã được xây dựng hầu khắp thôn, buôn. Tính ra vốn đầu tư trên địa bàn miền núi trong 5 năm qua lên đến 1.400 tỷ đồng chiếm 15% tổng vốn đầu tư của tỉnh. Các công trình phúc lợi xã hội đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về mọi mặt.

 

TỰ TIN VƯỢT NGHÈO, VỮNG BƯỚC TIẾN THEO MIỀN XUÔI

 

Bên cạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng làm thay đổi sâu sắc diện mạo nông thôn miền núi, Nhà nước còn có nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế tiếp sức cho đồng bào các dân tộc thiểu số chống nghèo nàn, lạc hậu. Ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn có nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ tạo điều kiện cho bà con trồng lúa nước. Nhiều cánh đồng lúa nước được thâm canh đạt trên 5tấn/ha như buôn Thứ, buôn Ken, buôn Kít, xã Ea Trol (Sông Hinh), các thôn Phú Giang, Phú Tiến xã Phú Mỡ (Đồng Xuân), Phước Tân, Sơn Hội (Sơn Hoà).. đã góp phần giải quyết được lương thực tại chỗ với mức bình quân trên 300 kg/người/ năm. Nhờ cơ bản giải quyết được cái ăn, sản xuất nông nghiệp của miền núi xoá dần tính tự cung tự cấp vươn lên sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn như 15.200 ha mía, 4.300 ha sắn, 3.500 ha bắp, 3.000 ha mè, đậu các loại và hàng ngàn ha cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, cây ăn quả… Gắn với vùng nguyên liệu đó đã có các nhà máy chế biến mía đường, tinh bột sắn tiêu thụ nông sản cho bà con. Chăn nuôi bò cũng là lợi thế của miền núi được chú trọng đầu tư, đã tăng lên 117.300 con, chất lượng đàn bò cũng nâng lên với tỷ lệ sind hoá ngày càng cao. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ đàn bò hàng trăm con, trở thành triệu phú, tỷ phú, mà tiêu biểu là Ma Bay xã Ea Trol (Sông Hinh), vinh dự được báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua toàn quốc vừa qua.

 

Gần đây, với sự ra đời của Chương trình 134, bà con dân tộc thiểu số còn được Nhà nước quan tâm giúp đỡ xây dựng lại nhà ở, nước sinh hoạt và đất sản xuất nhằm tạo cơ sở vững chắc cho bà con vươn cùng miền xuôi.

 

Với sự quan tâm đầu tư có hiệu quả của Nhà nước và giúp đỡ của cộng đồng mà vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta có sự khởi sắc đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế miền núi Phú Yên những năm gần đây đạt bình quân 11%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh, từ 24,97% năm 2001 xuống còn 15,5% năm 2004. Nhiều xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5%/năm như Phước Tân (Sơn Hoà), Phú Mỡ (Đồng Xuân), Sông Hinh, Ea Trol (Sông Hinh). Một số xã đạt được các tiêu chí vững chắc ra khỏi Chương trình 135 như Ea Trol (Sông Hinh), Sơn Long (Sơn Hoà), Xuân Quang 2 (Đồng Xuân). Nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc Ksô Liễng, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hoá thông tin Phú Yên về nghỉ hưu tại quê nhà thuộc xã Ea Chà rang (Sơn Hoà) nhận xét: “Lúc giải phóng, mùa xuân 1975, bà con về làng chỉ có cái gùi trên lưng và cái rựa trên tay, bữa đói bữa no, giờ đã biết lo cho con em đi học đại học. Ngày trước bà con nuôi bò chỉ để cúng Giàng, giờ biết bán bò xây nhà, mua xe máy, làm giàu. Sự thay đổi đó lớn lắm.”

 

Những ngày đầu năm, miền núi vào vụ thu hoạch mía, sắn càng làm cho buôn làng thêm sôi động. Dọc Quốc lộ 25 hướng về thị trấn Củng Sơn, mía đang chín tới, vài nơi mía bắt đầu trổ bông lau trắng. Ven đường, nhiều ruộng mía vừa thu hoạch chất thành từng đống bên đường, đang chờ xe đưa về nhà máy đường. Cây mía năm nay phát triển khá tốt, sản lượng mía có khả năng tăng 10% so với vụ trước. Còn đối với bà con nông dân, với giá mía từ 500.000 đồng đến 550.000 đồng/tấn, cao nhất từ trước đến nay, đang cho bà con một vụ mùa ấm no.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyển hướng đầu tư mới
Thứ Sáu, 10/03/2006 10:19 SA
Nguồn lực mới cho bước đột phá
Thứ Sáu, 10/03/2006 09:52 SA
Làng biển Phú Thọ 3 vào mùa cá cơm
Thứ Sáu, 10/03/2006 09:32 SA
Khuyến cáo không ồ ạt bán cà phê
Thứ Năm, 09/03/2006 08:52 SA
Phong phú quà tặng cho phái đẹp
Thứ Tư, 08/03/2006 09:08 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek