Mới sáng tinh sương, các cơ sở chế biến cá ở thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) đã nổi lửa, các lò hấp cá cơm thơm dậy khắp làng biển. Mọi người nhộn nhịp khiêng cá, phân loại áp cá vào vỉ để phơi khô... Ông Huỳnh Văn Cường, một người chế biến cá cơm cho biết: “Cách đây 3 năm, gia đình tôi đầu tư chế biến cá cơm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của tôi chế biến từ 300kg đến 1 tấn cá, giải quyết ổn định hơn 20 lao động. Mỗi năm chế biến cá cơm, tôi thu lãi từ 20 – 40 triệu đồng”.
Phơi cá cơm ở Phú Thọ 3
Ông Tống Trọng Điểm, Bí thư Chi bộ thôn Phú Thọ 3 nói rằng: Nghề khai thác và chế biến cá cơm ở đây đang rất thịnh hành. Hiện nay toàn xã có khoảng 30 chiếc tàu chuyên làm nghề kéo trủ đêm đánh bắt cá cơm và 10 cơ sở chế biến cá cơm. Nhiều hộ ngư dân đã vươn lên làm giàu như hộ các ông Huỳnh Văn Cường, Lê Văn Thừa, Nguyễn Lũng… Nghề này đã giải quyết hàng trăm lao động phụ nữ trong thôn với mức thu nhập hàng tháng khá cao. Chị Trần Thị Ngon nói: “Hai năm nay chuyên đứng hấp cá cơm cho chủ cơ sở chế biến Huỳnh Văn Cường với tiền công từ 30.000 – 70.000 đồng/ngày”.
Mùa này cá cơm xuất hiện sớm và nhiều trên các vùng biển gần bờ nên hầu hết các tàu thuyền khai thác đều ăn nên làm ra. Ông Lưu Bá Lục – cán bộ thủy sản xã Hòa Hiệp Trung cho biết, ngoài đội tàu khai thác, hiện nay ở các thôn đã hình thành đội thuyền rỗi nước (buôn bán cá nước). Vào ban đêm, các thuyền này chạy ra biển mua lại cá cơm ba lài, cơm săn, ngần… từ các tàu đang khai thác để cung ứng cho các cơ sở chế biến trong và ngoài xã với giá dao động từ 3.500 – 5.000 đồng/kg. Nhờ vậy, các cơ sở chế biến ở Phú Thọ 3 luôn mua được nhiều cá để hấp phơi xuất khẩu. Hiện nay, nghề nuôi tôm sú đang gặp khó khăn, vì vậy UBND xã Hòa Hiệp Trung đang khuyến khích bà con chuyển hướng đầu tư phát triển ngành nghề khai thác thủy sản, vận động ngư dân khai thác và chế biến cá cơm xuất khẩu tại địa phương, vừa giải quyết lao động nhàn rỗi, vừa tăng thu nhập kinh tế gia đình.
LƯU NGUYỄN