THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
Lâu nay, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh ở Phú Yên phàn nàn về sự bất bình đẳng trong việc đầu tư vốn giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM). Nhưng bây giờ tình hình đã đổi khác. Điều này dẫn đến hệ quả là một thời gian dài kinh tế ngoài quốc doanh sống “èo uột” vì “khát vốn”, còn kinh tế quốc doanh thì sống ỷ lại Nhà nước và rất dễ bị “hắt hơi sổ mũi” khi cơ chế thay đổi. Tuy nhiên, đến thời điểm này tình hình đã hoàn toàn ngược lại, các NHTM đã có những chuyển hướng đáng kể trong việc đầu tư vốn cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tỷ trọng dư nợ đang tăng dần. Theo số liệu thống kê từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Phú Yên đến hết năm 2005, bốn NHTM là Ngân hàng Công thương (NHCT), Ngân hàng Đầu tư phát triển (NHĐT-PT), Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn (NHNO – PTNT), và Ngân hàng cổ phần (NHCP) Sài Gòn Thương Tín đã đầu tư cho nên kinh tế Phú Yên trên 2.767 tỷ đồng, tăng hàng năm từ 14% đến 20%. Trong đó đầu tư cho kinh tế ngoài quốc doanh trên 2.040 tỷ đồng, chiếm 73,7% trong tổng dư nợ.
Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh mở rộng sản xuất từ vốn vay ngân hàng |
Ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Công thương Phú Yên cho biết: Đầu tư vốn cho doanh nghiệp vừa hiệu quả vừa khá an toàn. Lý giải của ông Hiếu cũng khá đơn giản là do những doanh nghiệp thuộc kinh tế dân doanh có điều kiện làm ăn, có công nghệ hiện đại. Ông Hiếu cho biết thêm: “Đối với những doanh nghiệp nằm trong hai khu công nghiệp Hoà Hiệp và An Phú hiện nay thì được ưu tiên cho vay, còn doanh nghiệp khác thì phải xác định lại do nhà xưởng không có, bất động sản thế chấp đôi khi không đáng bao nhiêu so với nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Trên thực tế, thời gian qua việc cho vay các doanh nghiệp dân doanh nếu thận trọng thì an toàn hơn nhiều so với cho vay doanh nghiệp Nhà nước. Điển hình như trong tổng dư nợ của Ngân hàng Công thương gần 500 tỷ đồng hiện nay thì đầu tư cho kinh tế ngoài quốc doanh đã chiếm khoảng 60%, tăng 15% so với năm 2004. Hiện nay chúng tôi cho vay rất an tâm vì các món vay đều có tài sản bảo đảm và các doanh nghiệp cũng rất thận trọng trong từng món vay vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”.
CẦN NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Phú Yên, diễn biến về cơ cấu tín dụng phân theo thành phần kinh tế trong những năm qua cho thấy tỷ lệ vốn ngân hàng đầu tư vào kinh tế ngoài quốc doanh không ngừng tăng cả về tốc độ lẫn tỷ trọng. Nếu năm 2000, tỷ lệ cho vay ngoài quốc doanh/quốc doanh là 28/72%, thì hiện nay là 73,7%/26,3% và có khả năng tăng cao trong những năm đến.
Hiện nay địa bàn tỉnh Phú Yên có gần 800 doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm đa số. Đây là một thị trường tiềm năng để các NHTM mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Chí nhánh NHNO – PTNT Phú Yên nói: “Ngân hàng cũng đang tăng dần tỷ trọng cho vay DNVVN. Xu hướng đầu tư cho kinh tế dân doanh đang được các ngân hàng chuyển hướng đầu tư và đây là hướng đi chủ yếu của các NHTM trong tương lai”.
Tuy nhiên để khuyến khích và phát triển mạnh hơn nữa đối với kinh tế dân doanh, ngoài nguồn vốn vay của ngân hàng, Phú Yên cần có một chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp là điều rất cần thiết, chẳng hạn như thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là ý kiến của nhiều người làm ngân hàng ở Phú Yên. Bên cạnh đó, cần phải đơn giản các thủ tục đăng ký rườm ra, phức tạp tốn nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, phải có chính sách đầu tư, vì lâu nay phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực thương mại đời sống, còn lĩnh vực công nghiệp thì quá ít. Điều này thể hiện rõ tâm lý của người dân chưa thực sự tin tưởng vào kinh doanh dài hạn, nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách về mặt bằng kinh doanh, vì hầu hết các doanh nghiệp này đều thiếu đất để thành lập cơ sở mới hoặc mở rộng sản xuất. Đặc biệt, chính sách về vốn, hiện Phú Yên có tới 70% số doanh nghiệp có vốn dưới 20 triệu đồng nên hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, đây cũng là khó khăn lớn nhất của các ngân hàng trong quá trình đầu tư vốn cho kinh tế ngoài quốc doanh. Trên thực tế, việc tiếp cận thị trường đang là khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp thì kinh tế ngoài quốc doanh lại càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển hơn lúc nào hết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế này đang rất cần một chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng nhằm giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn và từng bước hội nhập. Phía các ngân hàng cũng đang mở rộng đầu tư tín dụng cho lĩnh vực kinh tế này nhằm phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
QUANG THUẦN