Chủ Nhật, 29/09/2024 16:36 CH
Mở hướng để cá ngừ đại dương ra “biển lớn”
Thứ Hai, 14/01/2008 07:00 SA

Từ năm 2000 trở lại đây, cá ngừ đại dương đã mang lại nguồn thu bình quân từ 200 đến 300 tỉ đồng mỗi năm cho Phú Yên. Sản lượng đánh bắt cá ngừ năm 2007 của ngư dân trong tỉnh khoảng 4.500 tấn và tính đến đầu năm 2008, đội tàu đánh bắt xa bờ Phú Yên đã có gần 900 chiếc. Nhưng, qua gần 15 năm phát triển, nghề câu cá ngừ đại dương đang đứng trước những khó khăn, đặc biệt là thiếu sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Hiện ngành Thủy sản Việt Nam và tỉnh đang triển khai các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ đại dương.

 

080114-ca-ngu-3.jpg

Cá ngừ đại dương về bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Hiệu quả kinh tế của bất kỳ một ngành nghề nào được quyết định bởi đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên nghịch lý của nghề câu cá ngừ đại dương Phú Yên là giá trị của con cá ngừ mà ngư dân phải cơ cực mới đánh bắt được lại không do họ quyết định. Những bất cập trong thu mua, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá… đã làm cho ngư dân rất khó khăn. Việc xây dựng thương hiệu cho cá ngừ đại dương và đầu tư các dịch vụ hậu cần nghề cá đủ mạnh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch đang là niềm mong mỏi của ngư dân.

 

Trong chương trình phát triển của ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2010, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Thủy sản trước đây đã xác định: Ngành sẽ tập trung xây dựng cho được 3 thương hiệu thủy sản Việt Nam đó là tôm, cá basa và cá ngừ đại dương. Riêng về cá ngừ đại dương, bộ còn cho biết: sẽ dành 7 tỉ đồng để thực hiện chương trình điều tra, đánh giá tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu, cùng việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng đánh bắt cá ngừ đại dương lớn ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… nhằm xây dựng thương hiệu cá ngừ Việt Nam.

 

Để xây dựng thương hiệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu cấp thiết đặt ra là ngư dân phải làm ra những con cá có phẩm chất tốt. Thực tế cho thấy, lâu nay chúng ta chỉ chú trọng vào việc đầu tư đóng mới tàu thuyền để đẩy sản lượng đánh bắt lên cao mà chưa chú trọng chuyển giao những kỹ thuật khai thác mới và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Cách đánh bắt đơn lẻ, phương thức bảo quản bằng đá lạnh đã không còn thích hợp cho những chuyến đi dài ngày. Cá ngừ sau khi về bến đã bị giảm phẩm chất từ 30-40%, không đạt tiêu chuẩn mà thị trường thế giới đặt ra. Đó là một trong những lý do khiến cho giá cá ngừ tại Phú Yên luôn ở mức thấp.

 

Giải quyết vấn đề này, trong hai năm 2006-2007, Viện Khai thác thủy sản và sau thu hoạch Hải Phòng (thuộc Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN-PTNT) đã xây dựng một chương trình nghiên cứu thay đổi các quy trình khai thác cá ngừ đại dương bằng việc thay đổi mồi câu và cách thức bảo quản. Đồng thời, cử đoàn nghiên cứu tổ chức khai thác thử nghiệm tại vùng biển xa bờ Phú Yên. Kỹ sư Lê Văn Bôn, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu cải tiến mẫu ngư cụ để tìm ra độ sâu thích hợp nhằm tăng năng suất khai thác cá ngừ đại dương cho ngư dân. Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng một công nghệ mới của Philippines, đó là nghề câu tay cá ngừ đại dương. Mục đích của việc này là giảm chi phí chuyến biển, tăng năng suất khai thác, hiệu quả kinh tế sẽ cao.”

 

Một vấn đề cần quan tâm là xây dựng các dịch vụ hậu cần nghề cá. Tại Phú Yên, một dự án xây dựng chợ cá ngừ đại dương có giá trị 5 triệu USD đã được Bộ Kế hoạch – Đầu tư thông qua và đưa vào tài khóa năm 2007 để xin nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Các công việc nghiên cứu tiền khả thi đã và đang được phía Nhật Bản tiến hành.

 

Về phía tỉnh Phú Yên, trong chương trình phát triển ngành Thủy sản đến năm 2010, tỉnh cũng xác định cá ngừ đại dương là một đối tượng khai thác chủ lực. Để nâng cao hiệu quả của nghề này, chủ trương của ngành là không phát triển đóng mới tàu thuyền, mà chỉ ổn định ở số lượng như hiện nay; tập trung vào khâu khai thác kỹ thuật cao và bảo quản sau thu hoạch. Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên Võ Châu cho biết: “Trong vấn đề khai thác, ngành Thủy sản tập trung củng cố các đội tàu thuyền khai thác xa bờ ở mức 800 đến 900 chiếc.  Bên cạnh việc tổ chức ra khơi, vấn đề xây dựng hậu cần nghề cá, đầu tư hệ thống bến cá để neo đậu tàu thuyền, kết hợp neo đậu tàu thuyền trong mùa lụt bão, được đặc biệt chú ý. Riêng trong năm 2008, theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định sẽ xúc tiến thành lập một hiệp hội cá ngừ đại dương. Thông qua hiệp hội này, các tỉnh sẽ thống nhất giá cả thu mua; yêu cầu những nhà thu mua và ngư dân thực hiện cam kết theo quy định để đảm bảo các bên cùng có lợi”.

 

Chỉ khi những vấn đề nêu trên được thực hiện thì sản phẩm cá ngừ đại dương của Phú Yên mới vươn xa trong hành trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

 

LÊ BIẾT

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm giải pháp ngăn chặn triệt để
Chủ Nhật, 13/01/2008 14:00 CH
Bảo đảm an toàn cho lao động tự do
Thứ Bảy, 12/01/2008 12:52 CH
Xây dựng vùng nguyên liệu 6.000 ha sắn
Thứ Bảy, 12/01/2008 12:50 CH
Đổi thay ở Tân Lập
Thứ Sáu, 11/01/2008 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek